Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan chủ trì cuộc làm việc với Bộ Y tế về thực hiện pháp luật bảo vệ môi trường
Chiều 22/7, tại Nhà Quốc hội, Đoàn Giám sát chuyên đề 'Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường 2020 có hiệu lực thi hành' làm việc với Bộ Y tế. Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan, Trưởng Đoàn giám sát chủ trì cuộc làm việc.
Tham dự buổi làm việc có Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát Lê Quang Huy; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tạ Đình Thi cùng các thành viên Đoàn giám sát; đại diện một số Bộ ngành hữu quan.

Toàn cảnh cuộc làm việc
Điểm sáng trong hoạt động y tế từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực
Báo cáo với Đoàn giám sát, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, ngay sau khi Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 được ban hành, Bộ Y tế đã kịp thời xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện 27/27 nhiệm vụ được giao cho Bộ Y tế trong Luật Bảo vệ môi trường. Trong đó: 2/2 (100%) nhiệm vụ giao Bộ Y tế ban hành văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường đã được Bộ Y tế thực hiện hoàn thành ngay trong năm 2021 đảm bảo yêu cầu và tiến độ. 25/25 nhiệm vụ chuyên môn quản lý, Bộ Y tế đã và đang triển khai thực hiện (trong đó có 16 nhiệm vụ chuyên môn giao cho Bộ Y tế chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện và 9 nhiệm vụ giao chung cho các Bộ, ngành).

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương báo cáo tại cuộc làm việc
Về kiểm soát ô nhiễm, bảo vệ môi trường trong cơ sở y tế; hoạt động mai táng hỏa táng, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, Bộ Y tế đã có 02 Công văn gửi Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đề nghị chỉ đạo việc rà soát, đánh giá thực trạng hoạt động của các lò đốt chất thải rắn y tế tại các cơ sở y tế trên địa bàn; Kiên quyết cho dừng hoạt động đối với các lò đốt chất thải y tế không đạt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt chất thải rắn y tế và có biện pháp giải quyết phù hợp. Bên cạnh đó, trên cơ sở nhiệm vụ được giao, Bộ Y tế đã kịp thời ban hành Thông tư số 21/2021/TT-BYT ngày 26/11/2021 của Bộ Y tế quy định về vệ sinh trong mai táng, hỏa táng và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện. Trong thời gian dịch bệnh COVID-19 bùng phát, đã kịp thời có các văn bản hướng dẫn xử lý thi hài người tử vong do mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi rút SARS-CoV-2 tại cộng đồng; Hướng dẫn phòng, chống dịch COVID-19 tại lễ tang; xử lý thi hài tử vong do nhiễm SARS-CoV-2 liên quan đến tôn giáo, tín ngưỡng.

Các thành viên Đoàn giám sát
Về kết quả xử lý chất thải y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết đến nay: Tỷ lệ nước thải y tế của bệnh viện được xử lý đạt 98%; Tỷ lệ chất thải rắn y tế của bệnh viện được xử lý đạt 98%. So với thời điểm trước khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành, tỷ lệ chất thải rắn y tế của bệnh viện được xử lý tăng 3%; tỷ lệ nước thải y tế của bệnh viện được xử lý tăng 7%. Về chỉ tiêu giao cho Bộ Y tế chủ trì báo cáo trong Chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia (tỷ lệ hộ gia đình nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh đến năm 2025 đạt 85%), Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, kết quả đạt được đến hết năm 2024 là 84%; Dự kiến đến hết năm 2025, tỷ lệ hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh trên toàn quốc là 85%.
Nêu lên một số tồn tại, hạn chế trong triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, căn cứ Điều 62 Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14, Bộ Y tế kiến nghị sửa đổi bổ sung Điều 111, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP về trách nhiệm của Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Môi trường trong hướng dẫn phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường do dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm; Sửa đổi Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 07/7/2022 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực bảo vệ môi trường (Đề nghị bãi bỏ thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực bảo vệ môi trường của Cục Quản lý Môi trường y tế thuộc Bộ Y tế). Đồng thời rà soát, sửa đổi bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường trong khuôn viên cơ sở y tế.

Đại diện các Bộ, ngành tham dự buổi làm việc
Tại buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi đã nêu các vấn đề Đoàn giám sát quan tâm. Cụ thể đề nghị Bộ y tế báo cáo rõ hơn về những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý chất thải y tế, bảo vệ môi trường trong khuôn viên cơ sở y tế; Những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện chỉ tiêu trong Chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia. Đề nghị Bộ Y tế báo cáo rõ về việc xác định các nhiệm vụ, giải pháp bảo vệ môi trường thời gian tới trong bối cảnh cả nước có số lượng cơ sở y tế rất lớn (theo báo cáo, hiện có khoảng 51.962 cơ sở, trong đó gần 50 nghìn cơ sở y tế quy mô nhỏ là các trạm y tế tuyến xã và phòng khám tư nhân). Những vấn đề đặt ra khi thực hiện sắp xếp chính quyền địa phương 02 cấp khi hiện nay nhiều cơ sở y tế công lập, đặc biệt là tuyến huyện, xã được xây dựng từ lâu nên cơ sở hạ tầng, hệ thống, công trình xử lý chất thải y tế đã quá tải, xuống cấp, nhu cầu chi phí đầu tư cho hệ thống xử lý chất thải hiện đại rất lớn.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Tạ Đình Thi
Đoàn giám sát cũng đề nghị Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Môi trường báo cáo làm rõ thêm về quy chuẩn kỹ thuật áp dụng đối với xử lý chất thải y tế hiện nay và kế hoạch rà soát, sửa đổi bổ sung trong thời gian tới; làm rõ về xử lý vi phạm đối với các lò đốt chất thải y tế không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật tại các cơ sở y tế thuộc địa phương quản lý; giải pháp xử lý chất thải rắn y tế nguy hại đối với các cơ sở y tế thuộc Bộ quản lý. Đồng thời đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Môi trường làm rõ việc bố trí, phân bố kinh phí sự nghiệp môi trường. Bởi theo báo cáo, việc bố trí ngân sách chi thường xuyên cho công tác bảo vệ môi trường của Bộ Y tế có xu hướng ngày càng giảm, trong khi các nhiệm vụ bảo vệ môi trường ngày càng lớn; Kinh phí bố trí cho việc đầu tư mới hoặc cải tạo, sửa chữa hệ thống xử lý nước thải tại các cơ sở y tế, đặc biệt là cho các cơ sở y tế dự phòng, cơ sở y tế tuyến huyện chưa đáp ứng yêu cầu.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu làm rõ các nội dung Đoàn giám sát quan tâm

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Lê Công Thành làm rõ nội dung Đoàn giám sát nêu
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Bộ Y tế, cùng đại diện các Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài Chính đã báo cáo, cung cấp thông tin để làm rõ thêm các nội dung được Đoàn giám sát quan tâm liên quan đến: Việc thực hiện quản lý chất thải, bảo vệ môi trường trong khuôn viên bệnh viện và cơ sở y tế; Về thực hiện trách nhiệm quy định tại Điều 62 của Luật Bảo vệ môi trường; Về công tác phối hợp trong bảo vệ môi trường; Việc bố trí, phân bố kinh phí sự nghiệp môi trường…
Tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách bảo vệ môi trường trong lĩnh vực y tế

Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan, Trưởng Đoàn giám sát phát biểu chỉ đạo tại cuộc làm việc
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan,Trưởng Đoàn giám sát cho biết, qua báo cáo của Bộ Y tế và ý kiến phát biểu trao đổi của các thành viên Đoàn giám sát đã cho thấy bức tranh tổng thể công tác bảo vệ môi trường ngành y tế với nhiều điểm sáng, nhưng cũng đan xen không ít thách thức, tồn tại hạn chế. Chính vì vậy, Đoàn giám sát đề nghị Bộ Y tế cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách về bảo vệ môi trường trong hoạt động y tế; Khẩn trương rà soát, sửa đổi bổ sung các thông tư quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với ngành y tế cho phù hợp; Đề nghị bảo đảm tuân thủ đầy đủ các quy định của Luật Bảo vệ ngôi trường và các luật khác. Về văn bản hướng dẫn cần chủ động nắm bắt hướng dẫn tháo gỡ các điểm nghẽn trong chính sách pháp luật, nhất là trong bối cảnh thực hiện chủ trương chính quyền địa phương 2 cấp hiện nay.

Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan, Trưởng Đoàn giám sát phát biểu chỉ đạo tại cuộc làm việc
Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan cũng nêu rõ 5 yêu cầu với Bộ Y tế: Thứ nhất, chủ động nghiên cứu, kiến nghị sửa đổi bổ sung Luật bảo vệ môi trường và các luật khác trong thời gian tới.
Thứ hai, tăng cường năng lực quản lý nhà nước thúc đẩy công tác thanh tra kiểm tra. Bộ Y tế cần phối hợp chặt chẽ với thanh tra Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, chính quyền các địa phương để siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong công tác bảo vệ môi trường kể cả các cơ sở y tế công lập và tư nhân; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm gắn trách nhiệm người đứng đầu cơ sở y tế với kết quả thực hiện trong công tác bảo vệ công trường.
Thứ ba, nghiên cứu đẩy mạnh xã hội hóa nguồn lực đầu tư cho hạ tầng công nghệ xử lý môi trường; Đề xuất các giải pháp về mô hình thu hút đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống xử lý chất thải rắn, nước thải y tế theo hướng hiện đại, thân thiện môi trường.
Thứ tư, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số toàn diện trong ngành y tế gắn với công tác quản lý, kiểm soát chất thải phát sinh vào ngành y tế.
Thứ năm, xây dựng và nhân rộng mô hình cơ sở y tế xanh, sạch, đẹp; Đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức và biến ý thức thành hành động tự giác, thường xuyên của từng bác sĩ, nhân viên y tế và cả người bệnh, người nhà bệnh nhân về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường ngay tại cơ sở y tế, tạo ra phong trào thi đua trong ngành y tế.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy, Phó trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát, phát biểu kết luận
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy đề nghị Bộ Y tế trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Quốc hội và ý kiến của các thành viên Đoàn giám sát, tiếp thu hoàn thiện báo cáo gửi Đoàn giám sát trước ngày 2/8 tới.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=95114