Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan: Định hướng phát triển nông nghiệp An Giang cần xác định vai trò chủ thể của nông dân
Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan cho rằng, định hướng phát triển nông nghiệp An Giang cần xác định vai trò chủ thể của nông dân. Bà con nông dân không chỉ làm nông, nuôi trồng thủy sản đơn thuần, mà được hướng dẫn, đồng hành để tiếp cận kinh tế nông nghiệp, lấy thị trường, công nghệ và hợp tác làm trung tâm.
Ngày 14/7, Tỉnh ủy An Giang tổ chức hội thảo “Định hướng phát triển kinh tế-xã hội và góp ý Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh An Giang, nhiệm kỳ 2025-2030”.

Quang cảnh hội thảo (ảnh: Thanh Tiến)
Bí thư Tỉnh ủy An Giang Nguyễn Tiến Hải cho biết, dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh An Giang nhiệm kỳ 2025-2030 xác định mục tiêu đến năm 2030, An Giang là tỉnh phát triển khá của cả nước; là trung tâm kinh tế biển mạnh của quốc gia.
Đặc khu Phú Quốc đạt tầm cỡ quốc tế; Rạch Giá là trung tâm chính trị - hành chính, thương mại - dịch vụ, tổng hợp và chuyên ngành; vùng tứ giác Long Xuyên - Châu Đốc - Rạch Giá - Hà Tiên là động lực phát triển công nghiệp, logistics và du lịch văn hóa, sinh thái, trung tâm nghiên cứu phát triển giống và sản xuất nông nghiệp, thủy sản, dược liệu ứng dụng công nghệ cao.
Phát triển kinh tế biên mậu; có hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển đồng bộ, thích ứng với biến đổi khí hậu; chuyển đổi số trong hệ thống giáo dục, y tế thuộc nhóm đầu cả nước; các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn và phát huy; quốc phòng, an ninh được giữ vững; đối ngoại chủ động, rộng mở; trật tự an toàn xã hội ổn định; an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống vật chất và tinh thần của ngời dân được nâng cao.

Bí thư Tỉnh ủy An Giang Nguyễn Tiến Hải phát biểu tại Hội thảo. (ảnh: Thanh Tiến)
Tại hội thảo, các chuyên gia khoa học, kinh tế, chiến lược... đã tập trung thảo luận 11 nhóm nội dung trọng tâm như định hướng quy hoạch vùng; cơ chế quản trị 2 cấp, đảm bảo an ninh biên giới; phát triển bền vững gắn với văn hóa bản địa; phát huy vai trò các dân tộc Kinh, Khmer, Chăm, Hoa...
Nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc, có giá trị lý luận và thực tiễn góp phần hoàn thiện định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, cũng như Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh An Giang, nhiệm kỳ 2025-2030.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan cho rằng, định hướng tăng trưởng, phát triển nông nghiệp An Giang cần kết nối với vai trò chủ đạo của các viện nghiên cứu, trường đại học, đặc biệt trong lĩnh vực thủy sản, lúa gạo, biến đổi khí hậu. Kết nối với các tổ chức quốc tế tìm kiếm những ý tưởng canh tác nông nghiệp vượt trội, những kinh nghiệm thực tiễn của các quốc gia có điều kiện tương đồng.
Mô hình thử nghiệm an toàn “sandbox”trong nông nghiệp hoàn toàn có thể được mạnh dạn triển khai từ các hợp tác xã, tổ liên kết của bà con nông dân để ứng dụng công nghệ, kỹ thuật mới như số hóa đồng ruộng, ao nuôi, tưới tiêu cảm biến, mô hình tuần hoàn, canh tác hữu cơ, giảm phát thải...
Bên cạnh đó, An Giang cần tạo dựng hệ sinh thái doanh nghiệp tư nhân, nhóm doanh nghiệp dẫn đầu, theo tinh thần Nghị quyết 68. Doanh nghiệp dẫn đầu dẫn dắt ngành hàng, đầu tư logistics, công nghệ chế biến. Doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã nông nghiệp địa phương tham gia như “vệ tinh”, dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp. Doanh nghiệp khởi nghiệp nông nghiệp được khuyến khích thử nghiệm các mô hình, giải pháp mới, ứng dụng số hóa, du lịch cộng đồng, truyền thông số cho nông nghiệp...

Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan phát biểu tại hội thảo. (ảnh: Thanh Tiến)
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan cho rằng, định hướng phát triển nông nghiệp An Giang cần xác định vai trò chủ thể của nông dân. Bà con nông dân không chỉ làm nông, nuôi trồng thủy sản đơn thuần, mà được hướng dẫn, đồng hành để tiếp cận kinh tế nông nghiệp, lấy thị trường, công nghệ và hợp tác làm trung tâm.
Chính bà con nông dân sẽ tạo nên cộng đồng dân cư nông thôn học tập suốt đời, khi được tiếp cận hạ tầng số, được đào tạo kỹ năng số. Mô hình “bình dân học vụ số” có thể được triển khai tại nhà văn hóa, điểm sinh hoạt hội quán nông dân – nơi bà con được giới thiệu các tựa sách hay, các giải pháp khuyến nông thiết thực, các chính sách, yêu cầu mới thị trường, hay kỹ năng canh tác, sản xuất không gây tác hại cho môi trường…
“Bà con nông dân có chương trình OCOP – mỗi làng một sản phẩm, thế thì tại sao cán bộ, công chức chúng ta không nghĩ đến việc triển khai chương trình “Mỗi xã, phường một sáng kiến chuyển đổi”?
Cán bộ xã, phường phụ trách lĩnh vực nông nghiệp hôm nay không thể chỉ làm theo chức năng, mà phải làm bằng năng lực, làm bằng sự thấu hiểu và lòng chân thành. Không thể chỉ ngồi tại bàn ký giấy tờ, mà phải biết về làng, xuống tận thôn xóm, đến từng hộ nông dân, lắng nghe, thấu hiểu từng vấn đề cụ thể của cộng đồng dân cư nông thôn", Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan phát biểu.
Cũng theo ông Lê Minh Hoan, “ba cùng” - cùng làm, cùng hiểu, cùng tạo dựng, cần là châm ngôn hành động của cán bộ nông nghiệp. Phải xuống tận nơi để biết vì sao hộ dân này vẫn chưa thoát nghèo, vì sao hợp tác xã kia hoạt động chưa hiệu quả, vì sao thanh niên chưa mặn mà với khởi nghiệp. Trả lời những câu hỏi từ thực tiễn chính là một sáng kiến chuyển đổi thiết thực.