Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải dự Hội thảo về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi)

Sáng 23.2, tại TP. Hồ Chí Minh, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo lấy ý kiến hoàn thiện dự án Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải dự và chỉ đạo Hội thảo. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy chủ trì Hội thảo.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải chủ trì hội thảo

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải chủ trì hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy khẳng định, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là một chủ trương quan trọng được đề cập trong nhiều văn kiện của Đảng nhằm hoàn thiện thể chế, đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội và đáp ứng yêu cầu của công tác hội nhập quốc tế trong tình hình mới.

Tại Kỳ họp thứ Tư vừa qua, Quốc hội đã cho ý kiến lần đầu đối với dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Ngay sau Kỳ họp, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.

Hội thảo là diễn đàn để các đại biểu Quốc hội, doanh nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học và Ban soạn thảo trao đổi, thảo luận về những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau của dự thảo Luật. Trên cơ sở đó, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, cơ quan chủ trì soạn thảo, các cơ quan hữu quan tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và trình Quốc hội.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về: phạm vi, đối tượng điều chỉnh; quyền lợi và trách nhiệm của người tiêu dùng; quản lý nhà nước trong hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng; giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh; các quy định nhằm nâng cao hoạt động của các tổ chức xã hội, đồng thời tạo điều kiện, khuyến khích sự tham gia của các tổ chức xã hội đối với công tác bảo vệ người tiêu dùng...

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu tại hội thảo

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu tại hội thảo

Chủ tịch Hội bảo vệ người tiêu dùng TP. Hồ Chí Minh, Luật gia Phan Thị Việt Thu cho biết, hiện nay tại các thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng... có nhiều hoạt động hữu hiệu giúp bảo vệ quyền lợi của cả người tiêu dùng và các tổ chức kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế. Các tổ chức này có khả năng hợp tác với các tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong khu vực và quốc tế. Do đó, cần mở rộng thêm quy định cho các tổ chức xã hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được liên kết với các tổ chức quốc tế theo quy định của pháp luật.

Chủ tịch Hội bảo vệ người tiêu dùng TP. Hồ Chí Minh cũng đề nghị bổ sung hành vi bị cấm trong dự thảo Luật là “Không đền bù, trả lại tiền hoặc đổi lại sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng do sự nhầm lẫn của tổ chức, cá nhân kinh doanh không cung cấp đúng sản phẩm theo yêu cầu của người tiêu dùng hoặc gây cho người tiêu dùng nhầm lẫn trong việc mua hàng hóa hay dịch vụ vì tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin sai lệch sản phẩm”.

Đại diện Hội Lương thực thực phẩm TP. Hồ Chí Minh đề nghị bổ sung thêm chương trình mới quy định cụ thể về xử lý hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ người tiêu dùng nhằm làm tăng hiệu quả bảo vệ người tiêu dùng.

Để bảo đảm tính thống nhất, chặt chẽ của hệ thống pháp luật và hiệu quả trong quá trình thực thi các quy định pháp luật, một số ý kiến đề nghị làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc bảo vệ người tiêu dùng là người yếu thế (người tàn tật, khuyết tật, người nghèo...); quy định rõ các tổ chức, đơn vị phải có trách nhiệm không được từ chối bảo vệ người tiêu dùng là người yếu thế, dễ bị tổn thương.

Các đại biểu cũng cho ý kiến về việc bảo vệ người tiêu dùng trong bối cảnh công nghệ số, công nghệ thông tin phát triển; bảo vệ thông tin dữ liệu của người tiêu dùng; bảo vệ người tiêu dùng thông qua bên thứ ba; khi mua hàng online, hay trong việc việc mua bán hàng đa cấp…

Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cảm ơn ý kiến đóng góp của các đại biểu, chuyên gia, doanh nghiệp đối với dự thảo Luật; cho biết, Bộ Công Thương sẽ tổng hợp đầy đủ, tiếp thu, làm rõ hơn để hoàn thiện dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 tới nhằm bảo đảm tốt hơn nữa quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người tiêu dùng.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá cao các ý kiến thảo luận với tinh thần trách nhiệm, tập trung góp ý trực tiếp những nội dung cụ thể của dự thảo Luật.

Đại diện Hội Luật sư TP. Hồ Chí Minh phát biểu ý kiến

Đại diện Hội Luật sư TP. Hồ Chí Minh phát biểu ý kiến

Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra tiếp tục lắng nghe, tiếp thu ý kiến đóng góp từ các đại biểu, chuyên gia, rà soát cụ thể nhằm hoàn thiện dự thảo luật, bảo đảm tính khả thi cao và tính đồng bộ của dự luật với các luật khác.

Kết luận Hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nhấn mạnh, pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được xây dựng với mục tiêu bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng là bên yếu thế trong giao dịch. Để phát huy hiệu quả của việc bảo vệ người tiêu dùng cần sự hỗ trợ rất lớn từ các tổ chức xã hội. Về một số kiến nghị cụ thể khác, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo tổng hợp, nghiên cứu xử lý theo thẩm quyền.

Hoàng Anh - Nhung Trần

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-tri/pho-chu-tich-quoc-hoi-nguyen-duc-hai-du-hoi-thao-ve-du-an-luat-bao-ve-quyen-loi-nguoi-tieu-dung-sua-doi--i316940/