Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định chủ trì làm việc với 2 bộ về thực hiện pháp luật về đơn vị sự nghiệp công lập
Chiều 10.6, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định - Trưởng đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về 'Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 - 2023' đã chủ trì cuộc làm việc của Đoàn giám sát với Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính.
Theo báo cáo, đến hết năm 2021, Bộ Tài chính đã giảm 11 đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2015, tương đương giảm 29,7%, đạt mục tiêu đến hết năm 2021 giảm tối thiểu 10% số đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2015 theo yêu cầu tại Nghị quyết số 19-NQ/TW. Đến hết năm 2023, Bộ Tài chính đã giảm 1 đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2021, tương đương 3,33%. Từ năm 2017 đến nay, bộ đã thực hiện giải thể, dừng hoạt động, sáp nhập, chuyển đổi thành tổ chức hành chính đối với 12 đơn vị sự nghiệp công lập. Từ năm 2015 đến nay, Bộ Tài chính đã thực hiện tinh giản biên chế theo quy định đối với gần 1.300 trường hợp.
Số lượng đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nội vụ tính đến hết ngày 31.12.2023 là 15 đơn vị, giảm 9 đơn vị so với năm 2015; giảm 7 đơn vị so với năm 2017; giảm 3 đơn vị so với năm 2021. Bộ đã giảm 37,5% đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2015, vượt mục tiêu Nghị quyết 19-NQ/TW đề ra là tối thiểu 10%; đồng thời, không có đơn vị sự nghiệp công lập được thành lập mới thuộc phạm vi bộ quản lý. So với năm 2015, bộ đã giảm 728 biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước (giảm 47,2%), vượt mục tiêu của Nghị quyết 19-NQ/TW.
Các thành viên Đoàn giám sát cơ bản đánh giá cao việc chuẩn bị báo cáo chung và báo cáo bổ sung của Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính; ghi nhận sự cố gắng, chủ động, nghiêm túc, trách nhiệm của 2 bộ trong việc tổ chức triển khai thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng về đơn vị sự nghiệp công lập, trọng tâm là Nghị quyết số 19-NQ/TW, triển khai thực hiện, tham mưu, ban hành các quy định của pháp luật về đổi mới tổ chức, quản lý và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Có ý kiến trong Đoàn giám sát cũng chỉ rõ, theo phản ánh của nhiều địa phương, việc yêu cầu giảm 10% số biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước một cách đồng đều ở tất cả các địa phương, các ngành, lĩnh vực là chưa phù hợp, đặc biệt là với những ngành, lĩnh vực thiết yếu, cần phải tăng số biên chế để bảo đảm nhiệm vụ chính trị được giao như giáo dục, y tế… Nhưng thực tế trong năm 2022, cấp có thẩm quyền đã bổ sung gần 66 nghìn biên chế sự nghiệp cho ngành giáo dục giai đoạn 2022-2026. Do đó, đề nghị Bộ Nội vụ cho ý kiến về vấn đề này và cho biết chủ trương thời gian tới để hướng dẫn các địa phương thực hiện thống nhất.
Đoàn giám sát cũng chỉ rõ, báo cáo của Bộ Tài chính chưa nêu kết quả của việc ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật thuộc lĩnh vực tài chính; đề nghị bộ báo cáo cụ thể về nội dung này; còn những khó khăn, vướng mắc như thế nào và đưa ra đề xuất, kiến nghị.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định ghi nhận Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính đã tham gia rất trách nhiệm, góp phần thúc đẩy các địa phương, bộ ngành và trực tiếp tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều văn bản, chương trình hành động, xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW.
Trong đó, Bộ Nội vụ đã tham mưu, ban hành 37 văn bản; Bộ Tài chính đã tham mưu, ban hành 14 văn bản. Hệ thống văn bản 2 bộ tham mưu ban hành cơ bản bám sát chủ trương, chính sách của Đảng; bảo đảm sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật cũng như đi vào thực tiễn để thúc đẩy thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW, từng bước hoàn thiện thể chế. Thông qua đó, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý đơn vị sự nghiệp công lập, thay đổi phương thức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước thông qua đặt hàng, giao nhiệm vụ, đấu thầu gắn với số lượng, chất lượng sản phẩm; việc cung cấp dịch vụ sự nghiệp công cũng tốt hơn. Kết quả thực hiện trong giai đoạn 2015 - 2021 cả 2 bộ đều vượt mục tiêu của Nghị quyết số 19-NQ/TW.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với các đơn vị sự nghiệp công lập của 2 bộ. Cụ thể, nhiều văn bản chưa được hoàn thành theo tiến độ hoặc chưa được ban hành. Có một số nhiệm vụ Chính phủ giao nhưng 2 bộ chưa ban hành, như: Thông tư riêng quy định tiêu chí phân loại, điều kiện thành lập, sáp nhập, hợp nhất, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập; quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập...
Bên cạnh đó, một số văn bản đã ban hành nhưng trong quá trình áp dụng đã phát sinh khó khăn, vướng mắc hoặc chưa có sự thống nhất. Vẫn còn một số nhiệm vụ đặt ra trong Nghị quyết số 19-NQ/TW nhưng 2 bộ chưa thực hiện như: việc xã hội hóa các dịch vụ sự nghiệp công; các đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư thuộc Bộ Tài chính chưa áp dụng mô hình quản trị như doanh nghiệp.
Trên cơ sở ý kiến của thành viên Đoàn giám sát, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị 2 bộ hoàn thiện báo cáo, bổ sung, cung cấp thông tin, sớm gửi lại Đoàn giám sát; ý kiến, đề xuất của các bộ sẽ được Đoàn giám sát nghiên cứu, đề xuất đưa vào Báo cáo kết quả giám sát và Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.