Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định chủ trì làm việc với các bộ, cơ quan thuộc lĩnh vực văn hóa, giáo dục về thực hiện pháp luật về đơn vị sự nghiệp công lập
Chiều 1.6, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định - Trưởng đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về 'Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 - 2023' đã chủ trì cuộc làm việc của Đoàn giám sát với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV).
Tham dự có các Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng - Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh - Phó Trưởng Đoàn giám sát; các thành viên Đoàn giám sát; đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, VTV.
Cơ bản đạt được mục tiêu đặt ra về mục tiêu giảm số đơn vị sự nghiệp công lập
Giai đoạn 2018 - 2023, số lượng các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giảm 13 đơn vị (tương ứng 13,8%) và giảm 395 phòng thuộc các đơn vị sự nghiệp công lập của bộ (tương ứng 35,8%), bảo đảm tỷ lệ theo mục tiêu của Trung ương và Chính phủ. Số lượng biên chế sự nghiệp của bộ năm 2021 giảm so với năm 2015 là 603 chỉ tiêu (giảm 10,15%).
Về phía Bộ Thông tin và Truyền thông, kết quả sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ đã vượt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết 19-NQ/TW; là bộ có tỷ lệ giảm số lượng đơn vị sự nghiệp công lập cao nhất trong khối bộ, cơ quan ngang bộ. Giai đoạn 2015 - 2021, bộ đã nghiêm túc triển khai sắp xếp, tổ chức lại, giảm 12/39 đơn vị sự nghiệp công lập. Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cục, giai đoạn 2016 - 2021 và giai đoạn 2022 - 2023, bộ đã giảm từ 19 xuống 11 đơn vị, đạt tỷ lệ 42%. Từ năm 2015 đến 2021, bộ đã cắt giảm tổng cộng 87 biên chế viên chức (đạt 11%). Giai đoạn 2022- 2026, biên chế của bộ tiếp tục giảm 55 chỉ tiêu (10%) so với biên chế được giao năm 2022. Tỷ lệ đơn vị tự chủ chi thường xuyên trở lên của bộ đạt 45,5%, vượt mục tiêu Nghị quyết 19-NQ/TW đề ra.
Tính đến ngày 31.12.2023, tổng số đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo là 57 đơn vị, giảm 10 đơn vị so với thời điểm 25.10.2027 là 67 đơn vị, đạt tỷ lệ 14,93%. Giai đoạn 2022 - 2026, tổng số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước là 21.061 người, giảm 9.791 người so với năm số biên chế viên chức được Bộ Nội vụ giao tại thời điểm 30.6.2015 là 30.852 người, đạt tỷ lệ 31,74%, vượt mục tiêu Nghị quyết 19-NQ/TW đề ra.
Đối với VTV, giai đoạn 2018 - 2023, tổng số đơn vị cấp ban là 29 đơn vị (giảm 10 đơn vị, tương đương 25,6%); tổng số đơn vị cấp phòng: 208 phòng (giảm 51 đơn vị cấp phòng, tương đương 19,7%). Tính đến 31.12.2020, tổng số lao động của Đài là 3.581 người (gồm 2.166 viên chức, 1.415 lao động hợp đồng). Như vậy, trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, tổng số lao động của đài giảm 535 người (tương đương 12,9%, vượt mục tiêu cả nhiệm kỳ là 11%). Giai đoạn từ 31.12.2020 đến 31.12.2023, tổng số lao động của đài giảm 193 người (tương đương 5,4%, thấp hơn mục tiêu cả nhiệm kỳ là 10%).
Các thành viên Đoàn giám sát nhận thấy, về mục tiêu giảm số đơn vị sự nghiệp công lập, theo Báo cáo của các bộ, cơ quan thì trong giai đoạn 2015 - 2021, về cơ bản đều đạt được mục tiêu đặt ra.
Nghiên cứu có chính sách đặc thù với các cơ quan báo chí trọng điểm làm nhiệm vụ chính trị
Tuy nhiên, các thành viên Đoàn giám sát chỉ rõ, trong giai đoạn 2021 - 2025, theo số liệu đến năm 2023, việc thực hiện đang gặp nhiều khó khăn, trong đó có một phần nguyên nhân là do phần lớn những đơn vị sự nghiệp công lập có nhiều điều kiện thuận lợi đã được sắp xếp, tổ chức lại trong giai đoạn 2015 - 2021.
Vì vậy, Đoàn giám sát đề nghị các bộ, cơ quan phân tích, làm rõ những phương hướng, giải pháp để việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc và thuộc lĩnh vực mình quản lý đạt được mục tiêu đặt ra trong giai đoạn 2021 - 2025. Đặc biệt, cần phân tích sâu các số liệu trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo vì đây là lĩnh vực có số lượng đơn vị sự nghiệp công lập lớn lớn, có đặc điểm riêng (chiếm 79,4%).
Mặt khác, theo Báo cáo của các bộ (trừ Bộ Giáo dục và Đào tạo), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông đều rất khó khăn trong việc hướng dẫn định mức số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực các bộ quản lý. Có ý kiến đề nghị 2 bộ này cho biết còn những khó khăn, vướng mắc nào trong quá trình nghiên cứu để hướng dẫn định mức số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực các bộ quản lý.
Tại cuộc làm việc, đại diện lãnh đạo các bộ, đơn vị liên quan đã giải trình và thông tin về một số vấn đề Đoàn giám sát nêu.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, các ý kiến phát biểu tại cuộc làm việc cơ bản đánh giá cao và ghi nhận sự cố gắng, chủ động, nghiêm túc, trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông, VTV trong tổ chức triển khai thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng về đơn vị sự nghiệp công lập, trọng tâm là Nghị quyết số 19-NQ/TW, về tham mưu, ban hành và triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về đổi mới tổ chức, quản lý và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Về nhiệm vụ, giải pháp sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập của từng ngành, lĩnh vực, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo, từ năm 2018 đến nay, chưa có cơ sở giáo dục đại học nào thực hiện sáp nhập, hợp nhất hoặc giải thể theo chủ trương tại Nghị quyết số 19-NQ/TW. Qua đó, đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có đề xuất, kiến nghị, phương hướng cụ thể trong thời gian tới.
Đối với giáo dục mầm non, phổ thông, việc quản lý ngành, lĩnh vực gắn với địa giới hành chính còn thiếu tính khoa học, chưa gắn với quy mô phát triển dân số dẫn đến tình trạng thiếu trường, thiếu lớp, thiếu đất cho xây dựng trường học, đặc biệt là ở các thành phố lớn; một số địa phương thu gọn các điểm trường, sáp nhập trường một cách cơ học, hiệu quả chưa cao; sau khi sắp xếp, quy hoạch lại các điểm trường, tại một số địa phương chưa tạo thuận lợi cho học sinh đi học...
Đối với lĩnh vực văn hóa, thể dục, thể thao, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, việc sáp nhập các đơn vị nghệ thuật truyền thống ở địa phương và hợp nhất các đơn vị nghệ thuật vào Trung tâm văn hóa thành một đầu mối đã phát sinh những bất cập khiến nhiều địa phương lúng túng trong quản lý, các đơn vị khó khăn trong hoạt động.
Tuy nhiên, một số đề xuất, kiến nghị của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chưa thể hiện rõ vai trò quản lý ngành, lĩnh vực của mình. Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị bộ phải có quan điểm rõ ràng, có đề xuất, kiến nghị cụ thể đối với vấn đề này.
Trong lĩnh vực thông tin và truyền thông, trước những khó khăn của các cơ quan báo chí, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn về thuế, quản lý sử dụng tài sản công, có chính sách đặc thù với các cơ quan báo chí trọng điểm làm nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước. Ngoài ra, việc chuyển hầu hết các nhà xuất bản sang đơn vị sự nghiệp có thu chưa thực hiện được do chưa có phương án hữu hiệu.
Vì vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông với vai trò là cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực tiếp tục nghiên cứu, đưa ra các giải pháp, phương án phù hợp để thực hiện chủ trương của Nghị quyết số 19-NQ/TW.
Ghi nhận những nỗ lực và kết quả đạt được của VTV, trên cơ sở những kết quả đã đạt được, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị đài chia sẻ những kinh nghiệm hay để giúp các đơn vị sự nghiệp công lập có tính chất tương tự hoạt động hiệu quả, góp phần nâng cao mức độ tự chủ của các đơn vị, chia sẻ gánh nặng với ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, cần có văn bản riêng về cơ chế tài chính để VTV thực hiện và các đơn vị khác có thể vận dụng cơ chế này.
Về kiến nghị của các bộ, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Đoàn giám sát ghi nhận tất cả những kiến nghị của các bộ để tổng hợp, trao đổi trong các cuộc làm việc với các bộ có liên quan và Chính phủ. Đồng thời, đề nghị bộ phận thường trực của Đoàn Giám sát ghi nhận đầy đủ ý kiến của các bộ đã nêu tại cuộc làm việc có đề xuất, trao đổi với các bộ có liên quan và Chính phủ tại cuộc làm việc tới.