Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định chủ trì phiên họp của Đoàn giám sát về đơn vị sự nghiệp công lập
Chiều 14.6, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định - Trưởng Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về 'Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 - 2023' đã chủ trì Phiên họp thứ hai của Đoàn giám sát.
Tham dự có các Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng - Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh - Phó Trưởng Đoàn giám sát.
Cùng dự có các thành viên Đoàn giám sát và đại diện Kiểm toán Nhà nước.
Báo cáo những nội dung cơ bản về kết quả giám sát, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Nguyên - Tổ trưởng Tổ giúp việc của Đoàn giám sát cho biết, trên cơ sở nghiên cứu báo cáo của các cơ quan, kết quả làm việc của 3 Đoàn công tác tại 9 địa phương và một số đơn vị sự nghiệp công lập đặc thù, kết quả làm việc với 11 bộ và một số cơ quan, tổ chức có liên quan, Tổ giúp việc đã tổng hợp và bước đầu xây dựng các dự thảo: Nghị quyết giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Báo cáo kết quả giám sát của Đoàn giám sát; Báo cáo tổng hợp của các bộ, cơ quan ngang bộ; Báo cáo tổng hợp của UBND các tỉnh, thành phố; Báo cáo tổng hợp của Đoàn đại biểu Quốc hội.
Tại phiên họp, các thành viên Đoàn giám sát đánh giá cao Tổ giúp việc đã nỗ lực tổng hợp, rà soát từ báo cáo của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương; tập trung cao độ để hoàn thiện các nội dung công việc được Đoàn giám sát giao; khẩn trương rà soát, tiếp thu ý kiến của các thành viên Đoàn giám sát để xây dựng dự thảo báo cáo kết quả giám sát và dự thảo nghị quyết tương đối dày dặn, đưa ra được nhiều vấn đề cốt lõi về chuyên đề giám sát này.
Đồng thời, cho ý kiến về: bố cục, nội dung của dự thảo Báo cáo kết quả giám sát và dự thảo Nghị quyết giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tập trung vào nội dung đánh giá kết quả, tồn tại, hạn chế và các giải pháp.
Đoàn giám sát cũng thảo luận, góp ý với các dự thảo Báo cáo tổng hợp: nội dung báo cáo của các bộ, cơ quan ngang bộ; nội dung báo cáo của UBND cấp tỉnh; nội dung báo cáo kết quả giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội. Trong đó, quan tâm cho ý kiến đối với phạm vi giám sát, cách tính một số mục tiêu theo Nghị quyết 19-NQ/TW; yêu cầu sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật, ban hành văn bản hướng dẫn; yêu cầu xây dựng luật chung về đơn vị sự nghiệp công lập; bổ sung các số liệu trong báo cáo của Chính phủ...
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định ghi nhận các ý kiến phát biểu sâu sắc, trách nhiệm, cụ thể, xác đáng của các thành viên Đoàn giám sát.
Nhấn mạnh mục đích của chuyên đề giám sát này, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, bên cạnh Nghị quyết 19-NQ/TW là trọng tâm còn có các văn bản khác của Đảng như Kết luận 62-KL/TW, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng... và rất nhiều văn bản luật, nghị quyết của Quốc hội liên quan đến nội dung, đối tượng, phạm vi giám sát. Do đó, dự thảo Báo cáo kết quả và dự thảo Nghị quyết giám sát phải bám sát tinh thần của Nghị quyết 19-NQ/TW, các nghị quyết của Quốc hội, các luật và văn bản pháp luật có liên quan cũng như kế hoạch của Đoàn giám sát gắn với phạm vi giám sát. Báo cáo phải kế thừa toàn bộ những nhận định trong Kết luận 62-KL/TW, đồng thời cần có độ “mở” theo kết quả giám sát; bảo đảm thống nhất với những nhận định trong các tài liệu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Về dự thảo Nghị quyết, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, nguyên tắc là phải gắn với nội dung dự thảo Báo cáo kết quả giám sát, đồng bộ về kết quả, hạn chế, nguyên nhân; nêu lên tồn tại thì cần có giải pháp tương xứng cả trước mắt và lâu dài về thể chế, tổ chức thực hiện, điều hành, kỷ luật kỷ cương...
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các thành viên Đoàn giám sát với trách nhiệm của mình cần tổ chức nghiên cứu trong cơ quan mình để có kiến nghị những công việc cụ thể liên quan đến lĩnh vực phụ trách; giao Thường trực Ủy ban Pháp luật có văn bản gửi Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban đóng góp ý kiến; bố trí chương trình để Đoàn giám sát làm việc với Chính phủ trong thời gian tới.