Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định: Thành lập Thành phố Huế trực thuộc Trung ương là niềm tự hào của cả dân tộc Việt Nam

Phát biểu tại phiên thảo luận Tổ 10 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Thái Bình, Đắk Nông, Tiền Giang) Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương không chỉ là niềm tự hào của người Huế mà sẽ là niềm tự hào của cả dân tộc Việt Nam, chung sức xây dựng một thành phố cố đô, thành phố di sản văn hóa theo hướng bảo tồn, phát huy di sản cổ, bản sắc văn hóa cổ.

Phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế

Cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hải Phòng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, hiện nay trong hệ thống pháp luật có 2 thuật ngữ là “cấp chính quyền” và “chính quyền”. Cấp chính quyền là ở những nơi có cả HĐND, UBND; còn nơi không có HĐND mà chỉ có UBND thì gọi là chính quyền.

Hiện nay nước ta có nhiều mô hình về cấp chính quyền, trong đó, ở nông thôn bao gồm 3 cấp là cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã. Cấp chính quyền ở đô thị thì có mô hình thứ nhất là chính quyền đô thị một cấp, tức là chỉ có ở cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và mô hình này đang áp dụng cho TP. Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh. Mô hình thứ hai là mô hình chính quyền đô thị hai cấp bao gồm cấp tỉnh/thành phố và cấp quận, không có HĐND cấp phường, mô hình này đang áp dụng ở TP. Hà Nội theo Luật Thủ đô.

 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu. Ảnh: Minh Trang

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu. Ảnh: Minh Trang

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, Thành phố Hải Phòng hiện đang áp dụng mô hình chính quyền ba cấp, tức là cấp tỉnh, cấp quận/huyện và cấp xã/phường. Nếu Nghị quyết này được ban hành thì TP. Hải Phòng sẽ lựa chọn mô hình chính quyền đô thị một cấp giống như TP. Đà Nẵng, mô hình này cũng thể hiện được sự năng động và phù hợp với quy mô của TP. Hải Phòng.

Về cơ cấu tổ chức HĐND, theo Tờ trình của Chính phủ, số lượng đại biểu HĐND chuyên trách cấp thành phố tăng nhưng giảm toàn bộ đại biểu HĐND cấp quận và cấp phường.

Như vậy, tổng số biên chế sẽ giảm rất nhiều nhưng chức năng, nhiệm vụ giám sát của cơ quan dân cử và vai trò giám sát của Nhân dân đối với hoạt động của chính quyền vẫn được bảo đảm.

 Quang cảnh thảo luận tại Tổ 10. Ảnh: Minh Trang

Quang cảnh thảo luận tại Tổ 10. Ảnh: Minh Trang

Đối với số lượng Phó Chủ tịch UBND cấp quận, cấp phường, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị quy định như áp dụng với Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh, tức là theo phân loại đơn vị hành chính.

Điểm e khoản 1 Điều 2 trong dự thảo Nghị quyết quy định HĐND TP. Hải Phòng được điều chỉnh các quy định về trình tự, thủ tục trong các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Nghị quyết.

Cho rằng quy định như vậy là chưa phù hợp về thẩm quyền, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, trình tự, thủ tục nhiều nội dung được luật quy định nhưng cũng nhiều nội dung Chính phủ quy định, bây giờ giao cho HĐND có quyền điều chỉnh là bị vượt quyền.

Vì vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị không quy định điểm này trong dự thảo Nghị quyết.

Đối với Đề án thành lập Thành phố Huế trực thuộc Trung ương, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10.12.2019 của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đề ra mục tiêu đến năm 2025 Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế với đặc trưng văn hóa, di sản sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh.

Theo Đề án, sẽ cơ cấu lại Thành phố Huế hiện tại (trực thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế) để thành lập hai quận Thuận Hóa và quận Phú Xuân. Đồng thời, thành lập thị xã Phong Điền trên cơ sở huyện Phong Điền và tách nhập một số thị trấn, thị xã. Như vậy, tổng cộng sẽ liên quan đến 4/9 đơn vị cấp huyện phải tiến hành sắp xếp, 21/141 đơn vị hành chính cấp xã được sắp xếp lại. Sau khi sắp xếp lại, thành phố Huế trực thuộc Trung ương sẽ có 2 quận, 3 thị xã và 4 huyện và 133 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 78 xã, 48 phường và 7 thị trấn). So với hiện hành thì giảm được 8 đơn vị hành chính cấp xã.

Thành lập Thành phố Huế trực thuộc Trung ương, theo Phó Chủ tịch Quốc hội, không chỉ là niềm tự hào của người Huế mà sẽ là niềm tự hào của cả dân tộc Việt Nam, chung sức xây dựng một thành phố cố đô, thành phố di sản văn hóa theo hướng bảo tồn, phát huy di sản cổ, bản sắc văn hóa cổ.

Cần năng lực tổ chức bộ máy tốt, hiện đại

Cũng tán thành việc thành lập Thành phố Huế trực thuộc Trung ương, ĐBQH Nguyễn Thanh Cầm (Tiền Giang) nêu rõ, để xứng tầm với ý nghĩa lịch sử, văn hóa xã hội của Thành phố Huế, khi thành lập thành phố trực thuộc Trung ương cần đặc biệt quan tâm tạo sinh kế, hướng dẫn đào tạo nghề nghiệp cho nhóm người dân không còn đất do chuyển đổi cơ cấu; quan tâm việc làm đối với nhóm lao động phi chính thức.

Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm cũng cho rằng, thành lập thành phố trực thuộc Trung ương tất yếu dẫn đến sự chuyển đổi về cơ cấu xã hội, nghề nghiệp, đặc biệt với nhóm nông dân. Thực tiễn trong nước và quốc tế đã cho thấy quá trình chuyển đổi này sẽ xuất hiện một nhóm “nông dân không đất” (do đô thị hóa) sinh sống trong thành phố song chưa được đào tạo nghề hoặc chưa đủ khả năng tham gia thị trường lao động của một đô thị lớn, hiện đại. Do đó, cần quan tâm nghiên cứu kỹ lưỡng và có giải pháp cụ thể, căn cơ để giải quyết việc làm bền vững cho nhóm nông dân không có đất sản xuất, lao động phi chính thức.

 ĐBQH Nguyễn Thanh Cầm (Tiền Giang) phát biểu. Ảnh: Minh Trang

ĐBQH Nguyễn Thanh Cầm (Tiền Giang) phát biểu. Ảnh: Minh Trang

Mặt khác, các thành phố trực thuộc Trung ương luôn thu hút một lượng di dân lớn cũng như khách du lịch, gây áp lực không nhỏ lên cơ sở hạ tầng xã hội (đặc biệt là nhà ở, y tế, giáo dục và vệ sinh môi trường...). Huế là nơi có nhiều công trình kiến trúc và nhiều di sản văn hóa, trong khi đó, hồ sơ Đề án chưa trình bày cụ thể được những nội dung này trong phần định hướng phát triển văn hóa xã hội.

Thành phố trực thuộc Trung ương và các quận trực thuộc sau khi được thành lập sẽ tăng khối lượng thủ tục hành chính liên quan đến kê khai, thay đổi địa chỉ, giấy tờ tùy thân...

Việc phát triển lên đô thị trực thuộc Trung ương cần nguồn lực đầu tư rất lớn, trong khi nguồn thu ngân sách của tỉnh Thừa Thiên Huế còn hạn chế.

Để giải quyết những vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm nhấn mạnh, cần năng lực tổ chức bộ máy tốt, hiện đại cũng như chú trọng đến việc đào tạo, nâng cao năng lực cán bộ; tăng cường ứng dụng chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin.

Đồng thời, Đề án cũng cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề bình đẳng giới.

Minh Trang

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/pho-chu-tich-quoc-hoi-nguyen-khac-dinh-thanh-lap-thanh-pho-hue-truc-thuoc-trung-uong-la-niem-tu-hao-cua-ca-dan-toc-viet-nam-post394961.html