Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh: Rà soát kỹ, phân công rõ trách nhiệm trong thực hiện Chương trình và các dự án thành phần
Tham gia thảo luận tại Tổ 12 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Hưng Yên, Ninh Bình, Quảng Bình, Bắc Kạn) về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy tại phiên họp chiều 8.11, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị, cần rà soát kỹ lưỡng hơn các nội dung hoạt động và phân công rõ trách nhiệm trong triển khai thực hiện các dự án thành phần. Đồng thời, phải bảo đảm có sự gắn kết giữa các tiểu dự án và sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Công an với 8 bộ, ngành, thì mới có thể thực hiện được mục tiêu 'giảm cung', 'giảm cầu' và đạt hiệu quả trong công tác phòng, chống ma túy.
Việc đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình là rất hợp lý
Cho ý kiến với dự thảo Nghị quyết về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030 tại phiên thảo luận Tổ chiều nay, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh tác hại và hậu quả của ma túy đối với giống nòi, sức khỏe, sự phát triển kinh tế - xã hội cũng như lĩnh vực an ninh, trật tự.
Trong bối cảnh hoạt động ma túy diễn ra ngày càng phức tạp và Việt Nam nằm ở vị trí "tam giác vàng", rất thuận lợi cho việc vận chuyển của tội phạm ma túy, thì việc Chính phủ và Bộ Công an đề xuất xây dựng Nghị quyết về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030 ở thời điểm này là rất hợp lý, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy thực hiện từ năm 2025 đến năm 2030 với tổng mức đầu tư 22.450 tỷ đồng, gồm 9 dự án thành phần và 6 tiểu dự án do Bộ Công an quản lý Chương trình và 8 bộ, ngành chủ trì thực hiện các dự án thành phần.
Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị, cần rà soát kỹ lưỡng hơn các nội dung hoạt động và phân công trách nhiệm trong triển khai thực hiện các dự án thành phần, nhất là các dự án tiểu thành phần, bảo đảm rõ trách nhiệm của các cơ quan phụ trách.
Đồng thời, phải bảo đảm có sự gắn kết giữa các tiểu dự án với nhau và sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Công an với 8 bộ, ngành, thì mới có thể thực hiện được mục tiêu "giảm cung", "giảm cầu" và đạt hiệu quả trong công tác phòng, chống ma túy. Cùng với đó, cần rà soát các mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình, bảo đảm không trùng lắp với các chương trình khác hiện đang thực hiện, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, cần sự quan tâm thích đáng đến việc phân bổ và phân cấp một cách triệt để cho hoạt động phòng, chống ma túy ở cơ sở, các địa bàn trọng điểm, phức tạp về ma túy. Bởi tất cả hoạt động liên quan đến ma túy khi đã vào nội địa thì ở địa phương, từ cấp ủy đến chính quyền, lực lượng công an và các lực lượng đứng chân trên địa bàn đều nắm rất rõ. Do vậy, việc cơ sở nắm đối tượng, nắm tình hình là rất quan trọng.
Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Quốc hội, vẫn có tình trạng có những nơi làm tốt nhưng có những nơi làm không tốt. Nguyên nhân là do cấp ủy, chính quyền một số nơi chưa thực sự quyết liệt.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, cần làm rõ việc bố trí vốn để khởi động Chương trình này ngay từ đầu năm 2025, bảo đảm vốn nằm trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn tới và khả năng vốn đối ứng của các địa phương.
Bởi thực tế có những tỉnh chưa cân đối được ngân sách, đặc biệt là những tỉnh còn nhận kinh phí hỗ trợ từ Trung ương nếu quy định trích đối ứng cho Chương trình mục tiêu quốc gia về phòng, chống ma túy này sẽ rất khó khả thi và không có nguồn vốn để thực hiện.
Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị phải làm rõ tính khả thi của mức độ đối ứng các địa phương, nhất là với các địa phương mà còn khó khăn về nguồn thu, thì cần bố trí ngân sách Trung ương hỗ trợ.
Quy định cụ thể việc sử dụng hóa chất hàng ngày phục vụ sản xuất nông nghiệp
Cho ý kiến về dự án Luật Hóa chất (sửa đổi), Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nêu rõ, từ Điều 64 đến Điều 71 có quy định về kế hoạch phòng ngừa, ứng phó với sự cố hóa chất, nhưng chủ yếu là quy định phòng ngừa sự cố đối với hóa chất nguy hiểm.
Thực tế, việc nhận diện hóa chất nguy hiểm tương đối rõ, nhưng các loại hóa chất không nằm vào danh mục gọi là nguy hiểm vẫn được sử dụng hàng ngày để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp như phân bón, các loại màu sử dụng cho thực phẩm, thức ăn... thì lại không được đề cập đến. Ví dụ với việc phun thuốc trừ sâu cho rau, hoa quả..., đúng ra sau 5 ngày kiểm tra hết dư lượng trong sản phẩm mới đem bán cho người tiêu dùng thì sẽ không gây hại.
Tuy nhiên, "hiện nay do không ai kiểm soát và quản lý việc này, nên có tình trạng chỉ phun ngày hôm trước là hôm sau đem bán cho người tiêu dùng. Điều này rất nguy hiểm và diễn ra âm ỉ hàng ngày, nên để lại hệ lụy rất lớn. Một trong hệ quả chúng ta đều đã biết, đó là Việt Nam có tỷ lệ mắc ung thư cao thứ hai thế giới. Do đó, cần phải quy định rõ hơn vấn đề này", Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu.
Thực tế qua giám sát tại các địa phương cho thấy, có những nhà máy làm ô nhiễm nguồn nước, "cá chết trắng sông", nhưng đền bù thiệt hại rất ít, không đáng kể, trong khi đó người dân khu vực xung quanh, thậm chí cả địa phương uống nước sông đều bị ảnh hưởng. Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị, cần rà soát kỹ và có các quy định chặt chẽ trong sửa đổi Luật Hóa chất lần này. Đối với quy định về kế hoạch phòng ngừa, ứng phó với sự cố hóa chất, dự thảo Luật cần ghi rõ hơn, trách nhiệm không thể chỉ là bồi thường, khắc phục, mà khi xảy ra sự cố phải xử lý trách nhiệm hình sự mới đủ sức răn đe.
Cho ý kiến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho rằng, trong bối cảnh chúng ta phát triển các mô hình truyền thông đa phương tiện và đa dạng hình thức truyền thông như hiện nay, thì cần nhận diện rõ hoạt động nào là quảng cáo để quản lý, đánh thuế và quy định cụ thể.
Đối với vấn đề quản lý nhà nước, trong dự thảo Luật đang quy định về quản lý nhà nước cấp tỉnh, chưa thể hiện quy định quản lý ở cấp huyện, cấp xã. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu quy định phù hợp, vì đã có cấp hành chính, cấp chính quyền là phải có hoạt động quản lý, còn việc quản lý đến đâu và loại hình quảng cáo nào thì có thể giao Chính phủ hoặc chính quyền địa phương là UBND cấp tỉnh quy định chi tiết.
"Đã nói đến cấp quản lý, thì rõ ràng phải nói đến cấp xã, cấp huyện, ai quảng cáo, treo cái gì, ở đâu thì cấp xã, cấp huyện phải biết và quản lý chứ không thể thuộc thẩm quyền cấp tỉnh", Phó Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ.