Phó Chủ tịch Quốc hội: 'Tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ có thể tấn công bất cứ đâu, bất cứ lúc nào'
'Chúng ta không chỉ phòng không trong thời chiến mà còn phòng không trong thời bình, nhằm bảo vệ vùng trời, bảo vệ đời sống của người dân' - lời Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương.
Ngày 9-8, Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội tổ chức tọa đàm “Thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ và bảo đảm an toàn phòng không”.
Việc quản lý tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ được quy định trong dự thảo Luật Phòng không nhân dân, được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp 7. Dự luật dự kiến được thông qua tại kỳ họp 8 vào tháng 10 tới đây.
Cần quản lý cả khinh khí cầu?
Tại tọa đàm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Hải Hưng cho hay tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ đang được sử dụng rộng rãi cho cả mục đích quân sự và dân sự.
Lĩnh vực dân sự, loại phương tiện này đã có sự phát triển, ứng dụng nhanh chóng. Thị trường về phương tiện này tăng trưởng theo cấp số nhân và được sử dụng rộng rãi trong lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Trong khi đó, tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ trong hoạt động quân sự không chỉ là phương tiện trinh sát mà còn đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ khác như tấn công, gây nhiễu, vận tải… và được trang bị trong nhiều lực lượng.
Nhấn mạnh nội dung về tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ là nội dung quan trọng của Dự thảo Luật Phòng không nhân dân, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh đề nghị tập trung thảo luận, góp ý một số vấn đề lớn để hoàn thiện, chỉnh lý dự thảo luật.
Theo đó, ông Nguyễn Hải Hưng đề nghị làm rõ khái niệm tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ; nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ.
Ngoài ra, vấn đề thiết kế, sửa chữa, bảo dưỡng, thử nghiệm, kinh doanh tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ; quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và các nhân trong quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ… cũng được bàn thảo tại tọa đàm.
Nêu ý kiến, các đại biểu cho rằng quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ là nội dung khó, phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực, thẩm quyền và trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân nên cần nghiên cứu sâu, thận trọng để đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Mặt khác, quy định cũng cần có tính dự báo trong xu thế phát triển nhanh chóng của khoa học, công nghệ và của tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ trong lĩnh vực quốc phòng, quân sự và cả lĩnh vực dân sự.
Lưu ý thời gian qua diễn ra rất nhiều lễ hội bay khinh khí cầu, trong khi khinh khí cầu cũng là một phương tiện bay, có ý kiến đề nghị cần quan tâm, quản lý.
Tránh “lách luật”
Phát biểu tại tọa đàm, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị tiếp tục rà soát, làm rõ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn của dự án Luật Phòng không nhân dân nói chung và về quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ nói riêng.
Lưu ý thực tiễn phát triển khoa học - công nghệ trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh diễn ra rất mạnh mẽ, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng “phương tiện bay không người lái sẽ được đầu tư tăng gấp 10 lần hoặc nhiều hơn thế trong thời gian tới”.
Ông lưu ý tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ đã trở nên phổ biến không chỉ trong lĩnh vực dân sự mà cả trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh, đồng thời sẽ được cải tiến về trọng tải, cảm biến, điều khiển…
“Tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ có thể tấn công bất cứ đâu, bất cứ lúc nào” - Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Ông Trần Quang Phương cho hay có phương tiện tàu bay không người lái dân sự được cải hóa, được giao nhiệm vụ cho mục đích quân sự. Vì vậy, theo ông, cần tiếp tục củng cố cơ sở thực tiễn để giải trình với đại biểu Quốc hội một cách thuyết phục.
“Chúng ta không chỉ phòng không trong thời chiến mà còn phòng không trong thời bình, nhằm bảo vệ vùng trời, bảo vệ đời sống của người dân" - lời Phó Chủ tịch Quốc hội.
Về khái niệm, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra bàn bạc kỹ để lựa chọn phương án tối ưu, cần giải trình, làm rõ lựa chọn “tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ” hay “phương tiện bay không người lái và phương tiện khác” và làm rõ khái niệm “chế áp”.
Cạnh đó, ông Phương cũng đề nghị xem xét kỹ các vấn đề liên quan đến việc cấp phép, đình chỉ chuyến bay, thông báo hoạt động bay… được quy định trong dự thảo luật.
Trong đó, ông Trần Quang Phương đặc biệt lưu ý làm rõ điều kiện khai thác bay và thẩm quyền cấp phép tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ; nghiên cứu giao Chính phủ quy định chi tiết về nội dung này.
Ngoài ra, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát các hành vi bị nghiêm cấm; các quy định trong dự thảo luật để tránh việc “lách luật”, đồng thời giảm thiểu tối đa chi phí tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh.