Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương chủ trì cuộc làm việc của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với tỉnh Kiên Giang

Ngày 24.6, tại Kiên Giang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Trưởng đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuyên đề 'Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại tố cáo từ ngày 1.7.2016 đến ngày 1.7.2021' đã chủ trì cuộc làm việc giữa Đoàn giám sát với tỉnh Kiên Giang.

Cùng dự có các Ủy viên Trung ương Đảng: Trưởng Ban Dân nguyện, Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát Dương Thanh Bình; Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Phó Trưởng Đoàn giám sát Y Thanh Hà Niê K’đăm; Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang Đỗ Thanh Bình và các thành viên Đoàn giám sát, đại diện sở, ngành tỉnh Kiên Giang.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu tại cuộc làm việc

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu tại cuộc làm việc

Theo báo cáo của UBND tỉnh Kiên Giang, trong giai đoạn từ ngày 1.7.2016 đến ngày 1.7.2021, số đơn khiếu nại, tố cáo địa phương tiếp nhận là 17.412 đơn, trong đó, có 2.190 đơn khiếu nại, 80 đơn tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết. Hiện nay, tỉnh đã giải quyết 2.081/2.190 đơn khiếu nại (đạt 95,02%), còn 109 đơn đang giải quyết. Sau giải quyết khiếu nại, tỉnh đã kiến nghị thu hồi 114.624m2 đất giao Nhà nước quản lý và 64,1 triệu đồng; thu hồi và điều chỉnh 44 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do cấp sai quy định; giữ ổn định cho công dân sử dụng 3.354m2 đất, bồi thường bổ sung cho công dân hơn 60 tỷ đồng, bố trí 25 nền tái định cư và 2 căn nhà. Đối với đơn tố cáo, tỉnh đã giải quyết xong 80/80 đơn tố cáo.

Về kết quả giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo do các cơ quan của Quốc hội, Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội và Đại biểu Quốc hội chuyển đến các cấp, các ngành có thẩm quyền trên địa bàn, trong kỳ, UBND tỉnh tiếp nhận tổng số 41 vụ, đã giải quyết 19 vụ và có văn bản trả lời cho các cơ quan chuyển đến; còn lại 22 vụ đã chuyển đơn đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Về xử lý trách nhiệm trong giải quyết tố cáo, đã xử lý hành chính 15 tập thể và 57 cá nhân.

Kiên Giang kiến nghị, đối với các vụ việc đã có quyết định giải quyết khiếu nại lần 2 của Chủ tịch UBND tỉnh nhưng người khiếu nại vẫn không đồng ý, tiếp tục gửi đơn đến các cơ quan của Quốc hội, Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội và Đại biểu Quốc hội thì không chuyển đơn về địa phương yêu cầu tiếp tục kiểm tra, rà soát. Đồng thời, cần thống nhất hướng dẫn công dân khởi kiện hành chính đến Tòa án; trong trường hợp xét thấy cần thiết hoặc có tình tiết mới, đề nghị xem xét xử lý chuyển đơn đến các cơ quan trung ương có thẩm quyền chủ trì phối hợp với địa phương kiểm tra, rà soát và trình Thủ tướng Chính phủ kết luận nhằm giải quyết dứt điểm vụ việc.

Đoàn giám sát đánh giá cao việc lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, kịp thời của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự nỗ lực, cố gắng của các cơ quan hành chính của tỉnh Kiên Giang trong việc khắc phục khó khăn, chủ động đổi mới, triển khai nhiều giải pháp, biện pháp; thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng, tiếp tục hoàn thiện pháp luật về tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo và các văn bản pháp luật có liên quan. Qua đó, đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của tỉnh trong thời gian qua.

Tuy nhiên, một số ý kiến Đoàn giám sát cho rằng, tình hình khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt trong lĩnh vực đất đai, nội dung chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư; các nội dung tố cáo chủ yếu là tố cáo hành vi của cán bộ, công chức khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ. Cụ thể, trên địa bàn toàn tỉnh là trên 77% trong khi đó bình quân cả nước chỉ khoảng 70%, đặc biệt tại TP. Phú Quốc nội dung khiếu nại trong lĩnh vực đất đai chiếm hơn 96% (chưa tính các nội dung phản ánh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất), điều này cho thấy lĩnh vực quản lý nhà nước liên quan đến đất đai ở Phú Quốc rất nóng, có nguy cơ ảnh hưởng đến công tác bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

Quang cảnh cuộc làm việc

Quang cảnh cuộc làm việc

Đối với việc xử lý hành chính 15 tập thể và 57 cá nhân chủ yếu là rút kinh nghiệm, chỉ có 2 trường hợp cảnh cáo và 9 trường hợp khiển trách, Đoàn giám sát đề nghị Kiên Giang báo cáo rõ hơn về nội dung này, đánh giá mức độ vi phạm, nguyên nhân chủ quan, khách quan của tập thể, cá nhân vi phạm qua khiếu nại, tố cáo và kết quả xử lý trách nhiệm cụ thể. Đồng thời, làm rõ số vụ việc từ khiếu nại chuyển qua tố cáo chính người giải quyết khiếu nại; tỷ lệ, kết quả xử lý.

Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đánh giá rất cao sự tham gia tích cực của các thành viên Đoàn giám sát, chuyên gia với nhiều ý kiến tâm huyết và trách nhiệm đối với các nội dung liên quan đến chuyên đề giám sát. Qua đó, tác động nhất định đến nhận thức, trách nhiệm và hành động cụ thể của các cấp, ngành, các cơ quan cho đến địa phương, trong đó có Kiên Giang.

Phó Chủ tịch Quốc hội ghi nhận những kết quả của Kiên Giang trong thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; đồng thời, đã có những đề xuất, kiến nghị để các cơ quan chức năng có cơ sở xem xét thực hiện xây dựng hoàn thiện chính sách, pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ngày càng tốt hơn. Chia sẻ với Kiên Giang những khó khăn, bất cập đoàn trong áp dụng một số chính sách, pháp luật, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội rất quan tâm đến vấn đề này trong xây dựng luật, bởi nếu thiết kế không đầy đủ, không rõ ràng thì áp dụng trong thực tiễn rất khó.

Cho rằng, Kiên Giang là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng và an ninh, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, công tác quản lý nhà nước về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo có vai trò quan trọng, góp phần ổn định chính trị, an ninh trật tự xã hội để tập trung phát triển kinh tế. Nhấn mạnh, chuyên đề giám sát này là nội dung rất quan trọng, được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặc biệt quan tâm, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, UBND tỉnh, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao chỉ đạo tiếp thu tối đa các ý kiến của Đoàn giám sát, tiếp tục hoàn thiện và gửi báo cáo bổ sung cho Đoàn giám sát trong thời gian sớm nhất.

Để thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Kiên Giang tiếp thu tối đa các ý kiến của Đoàn giám sát để hoàn thiện lại báo cáo, trong đó trọng tâm là xung quanh lĩnh vực đất đai; việc thanh tra trách nhiệm công vụ và xử lý; việc kiểm soát, giải quyết khiếu nại, tố cáo đã đạt được gì, kiến nghị bao nhiêu, việc thực hiện các kiến nghị thế nào?...

Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý cần chỉ đạo người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả việc tiếp công dân, nhất là tiếp công dân của người đứng đầu theo đúng quy định của Luật Tiếp công dân. Trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo cần bảo đảm đúng quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục, thẩm quyền, thời hạn, thời hiệu giải quyết, áp dụng đúng quy định pháp luật để giải quyết về nội dung. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công vụ về trách nhiệm tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là những lĩnh vực phát sinh nhiều khiếu nại, tố cáo phức tạp trên địa bàn hiện nay như đất đai, môi trường; các khiếu nại, tố cáo liên quan đến trình tự, thủ tục tố tụng đối với các cơ quan tư pháp…

Tại cuộc làm việc, Đoàn giám sát đã nghe UBND tỉnh Kiên Giang báo cáo về 5 vụ việc cụ thể trên địa bàn.

Tin và ảnh: Trung Thành

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-tri/pho-chu-tich-quoc-hoi-thuong-tuong-tran-quang-phuong-chu-tri-cuoc-lam-viec-cua-doan-giam-sat-cua-uy-ban-thuong-vu-quoc-hoi-voi-tinh-kien-giang-i292645/