Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương dự Hội thảo về sửa đổi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND
Sáng 19.7, tại tỉnh Bình Định, Ban soạn thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về dự thảo Luật. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương dự và phát biểu chỉ đạo tại hội thảo.
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm; Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân đồng chủ trì hội thảo.
Tham dự có: đại diện Thường trực một số cơ quan của Quốc hội; đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND một số tỉnh miền Trung, tỉnh Bắc Ninh và các chuyên gia, nhà khoa học.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND sửa đổi, bổ sung một số nội dung: về những quy định chung (Chương I) sửa đổi 3 nội dung thuộc 3 điều của Luật hiện hành; về giám sát của Quốc hội, dự thảo Luật có 42 nội dung sửa đổi, bổ sung các quy định về hoạt động giám sát của Quốc hội (các nội dung này thuộc 20 điều của Luật hiện hành được sửa đổi và 13 điều luật mới được bổ sung); về giám sát của HĐND (Chương III), dự thảo Luật có 28 nội dung sửa đổi, bổ sung các quy định về hoạt động giám sát của HĐND (các nội dung này thuộc 8 điều của Luật hiện hành được sửa đổi và 11 điều luật mới được bổ sung); về các quy định bảo đảm hoạt động giám sát (Chương IV), sửa đổi, bổ sung 6 nội dung; trong đó, 3 nội dung sửa đổi 2 điều của Luật hiện hành, bổ sung 3 điều luật mới).
Tại hội thảo, các đại biểu đánh giá dự thảo Tờ trình đề nghị xây dựng dự án luật và dự thảo đề cương chi tiết Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND đã được chuẩn bị công phu, bảo đảm chất lượng.
Để hoạt động giám sát chuyên đề có hiệu quả, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Bắc Ninh Trần Thị Hằng kiến nghị cần chọn nội dung chuyên đề, xây dựng kế hoạch và đề cương báo cáo giám sát cụ thể.
"Chuyên đề giám sát phải là những vấn đề quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của địa phương. Phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên để xem xét, nghiên cứu những văn bản pháp luật về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, đơn vị chịu sự giám sát và các báo cáo kèm theo…".
Nhấn mạnh như vậy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Bắc Ninh cũng đề nghị, cần có sự khảo sát, phối hợp giữa cơ quan dân cử với các cơ quan kiểm tra, thanh tra để tránh chồng chéo về nội dung, thời gian, địa bàn hay đơn vị bị giám sát; "tốt nhất là nên có sự lãnh đạo thống nhất từ cấp ủy cùng cấp đối với các cơ quan về vấn đề này".
Phát biểu kết luận hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến thẳng thắn, khá toàn diện, có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc của các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học về nhiều nội dung của dự án Luật. Các ý kiến cơ bản nhất trí với nhiều nội dung của dự thảo Tờ trình và dự thảo Luật, đồng thời tham gia vào nhiều nội dung cụ thể với mong muốn sau khi Luật này được ban hành sẽ khắc phục được những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thi hành Luật vừa qua, đáp ứng yêu cầu hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.
Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND có phạm vi điều chỉnh rộng, nội dung khá phức tạp liên quan đến nhiều luật chuyên ngành khác như: Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật… Do đó, Ban soạn thảo cần rà soát, đánh giá tác động kỹ lưỡng các nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung để bảo đảm mục tiêu sửa đổi luật.
Cùng với đó, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, luật hóa các quy định liên quan đến hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND tại các văn bản quy phạm pháp luật dưới luật đã được thực hiện ổn định, hiệu quả thời gian qua. Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND có ý nghĩa rất quan trọng để Quốc hội, HĐND thực hiện chức năng giám sát. Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật lần này phải mẫu mực về tinh thần, trách nhiệm tiếp thu, giải trình, nội dung luật và quy trình, đã làm tốt thì phải cố gắng làm tốt hơn.
Yêu cầu Ban soạn thảo dự án Luật chỉ đạo Tổ Biên tập tổng hợp đầy đủ các ý kiến tham gia tại hội thảo, nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo trong quá trình soạn thảo dự án Luật, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, dự thảo Luật cần tăng cường quy định cụ thể để áp dụng trực tiếp, nâng cao hiệu lực của Luật, hạn chế phải ban hành văn bản dưới luật.
"Những vấn đề, nội dung nào đã chín, đã rõ, được thực tiễn kiểm nghiệm là đúng, là phù hợp, những vấn đề có sự thống nhất cao thì đưa vào Luật. Những vấn đề mới được thực hiện, đang thực hiện thí điểm mà chưa được tổng kết, đánh giá kỹ lưỡng, thấu đáo thì tiếp tục thực hiện theo các văn bản hiện hành; đồng thời cũng cân nhắc kỹ hoặc hạn chế việc đề xuất sửa đổi các nội dung có liên quan trong các luật chuyên ngành khác nếu chưa thấy thật sự cần thiết", Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.