PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI, THƯỢNG TƯỚNG TRẦN QUANG PHƯƠNG GẶP MẶT NGUYÊN LÃNH ĐẠO QUỐC HỘI, ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI QUA CÁC THỜI KỲ TẠI ĐÀ NẴNG
Ngày 23/1, tại TP. Đà Nẵng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương tham dự cuộc gặp mặt các đại biểu Quốc hội chuyên trách các khóa, cán bộ, công chức, người lao động Văn phòng Quốc hội đã nghỉ hưu và các cơ quan phối hợp với Văn phòng Quốc hội khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
Tham dự có: nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Huỳnh Ngọc Sơn; Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Thiếu tướng Vũ Xuân Hùng; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn; Cục trưởng Cục Quản trị III - Văn phòng Quốc hội Nguyễn Văn Định; lãnh đạo các cơ quan Trung ương đóng tại Đà Nẵng, các cơ quan báo chí Trung ương tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Phát biểu tại cuộc gặp mặt, điểm lại các hoạt động của Quốc hội trong năm 2023, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ năm vừa qua, Quốc hội đã hoàn thành khối lượng công việc rất lớn với 2 kỳ họp thường lệ và 3 kỳ họp bất thường, nâng tổng số kỳ họp Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến nay lên 10 kỳ họp; thông qua 16 luật, 34 nghị quyết và quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước.
Đáp ứng các yêu cầu cấp bách của thực tiễn, ngay trong những ngày đầu năm mới 2024, Quốc hội đã tổ chức Kỳ họp bất thường lần thứ Năm để xem xét, thông qua 4 nội dung: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia... Trong đó, với việc thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), Quốc hội đã hoàn thành một trong những nhiệm vụ lập pháp quan trọng hàng đầu của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV theo Kết luận 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Kế hoạch 81 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Về công tác lập pháp, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, tính đến nay, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành 114/137 nhiệm vụ lập pháp trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của cả nhiệm kỳ (đạt 83,2%). Việc chuẩn bị, xem xét, thông qua các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết được triển khai rất quyết liệt, chủ động, kỹ lưỡng, xem xét, cho ý kiến nhiều vòng, nhất là đối với các nội dung khó, phức tạp; bảo đảm thận trọng, chắc chắn, giữ vững nguyên tắc chỉ thể chế hóa những vấn đề đã chín, đã đủ rõ, được thực tiễn chứng minh, có sự thống nhất cao; đặt yêu cầu cao về chất lượng, không chạy theo số lượng.
Công tác giám sát tối cao tiếp tục được đổi mới về nội dung, phương thức; lựa chọn những vấn đề đang trong quá trình tổ chức thực hiện như: giám sát 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; trên cơ sở đó, Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết giám sát, vừa ban hành Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù để kịp thời tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình; chú trọng tái giám sát.
Năm qua, Quốc hội cũng đã tổ chức thành công việc lấy phiếu tín nhiệm đối với 44 người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn; chất vấn các thành viên Chính phủ, Trưởng ngành về việc thực hiện các nghị quyết giám sát chuyên đề, chất vấn của Quốc hội của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết Kỳ họp thứ Tư với 21 lĩnh vực. Chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND với nhiều điểm mới, có kết quả nổi bật, đồng đều ở các tỉnh, thành phố trong cả nước, góp phần tạo “làn gió tươi mới” trong hoạt động của cơ quan dân cử ở địa phương.
Cùng với đó, năm qua, các hoạt động đối ngoại của Quốc hội diễn ra sôi động, thiết thực, hiệu quả, góp phần vào các thành tựu đối ngoại nổi bật của đất nước năm 2023; tiếp tục thúc đẩy, thiết lập và mở rộng quan hệ ngoại giao nghị viện với nhiều quốc gia; nâng tầm hoạt động ngoại giao nghị viện đa phương; uy tín Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao.
Đặc biệt, Quốc hội Việt Nam đã tổ chức rất thành công Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 của Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) và lần đầu tiên thông qua Tuyên bố về “Vai trò của giới trẻ trong việc thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo” sau 9 kỳ hội nghị, được các nước bạn đánh giá rất cao.
Chia sẻ với các nguyên lãnh đạo Quốc hội, đại biểu Quốc hội qua các thời kỳ tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương khẳng định, trong quá trình hoạt động, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội luôn nhận được sự quan tâm, chia sẻ kinh nghiệm, tham gia góp ý đầy trách nhiệm và tâm huyết của quần chúng Nhân dân, các nhà khoa học, nhất là các nguyên lãnh đạo Quốc hội, đại biểu Quốc hội qua các thời kỳ. Đặc biệt, trong quá trình thực hiện chức năng lập pháp, Quốc hội khóa XV đã tiến hành nhiều hoạt động tham vấn và nhận được nhiều ý kiến chất lượng, sâu sắc của các nguyên lãnh đạo Quốc hội, đại biểu Quốc hội qua các thời kỳ.
Đồng thời, Quốc hội luôn đề cao việc lắng nghe, tiếp thu ý kiến của các tầng lớp Nhân dân, như đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã ghi nhận hơn 12 triệu lượt góp ý, trong đó có rất nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội qua các thời kỳ.
Những kết quả đạt được của Quốc hội hôm nay là một phần tiếp thu từ những kinh nghiệm và đóng góp to lớn của các nguyên lãnh đạo Quốc hội và đại biểu Quốc hội qua các thời kỳ. Khẳng định điều này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh: Đây chính là sự cổ vũ, động viên to lớn đối với lãnh đạo Quốc hội và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đang công tác của Quốc hội.
Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội và với tình cảm cá nhân, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương chân thành cảm ơn sự quan tâm, ủng hộ, giúp đỡ nhiệt tình, đầy trách nhiệm của các nguyên lãnh đạo Quốc hội, đại biểu Quốc hội qua các thời kỳ.
Văn phòng Quốc hội có chức năng, nhiệm vụ tham mưu tổng hợp, phục vụ Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và đại biểu Quốc hội; trong đó, Cục Quản trị III được Văn phòng Quốc hội giao nhiệm vụ tham mưu, bảo đảm cơ sở vật chất - kỹ thuật, phương tiện, an ninh, an toàn, công tác lễ tân, hậu cần phục vụ các hoạt động của Quốc hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội ghi nhận và biểu dương các kết quả mà tập thể công chức, viên chức, người lao động Cục Quản trị III đạt được, góp phần tích cực vào những thành tích chung của Văn phòng Quốc hội trong năm qua.
Bên cạnh đó, với đặc thù địa bàn rộng, Văn phòng Quốc hội đã nhận được sự phối hợp chặt chẽ, tích cực của đại diện các cơ quan báo chí trung ương như: Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Báo Nhân dân… các cơ quan của TP. Đà Nẵng, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND các tỉnh, Công an các địa phương, Cảng vụ hàng không miền Trung và rất nhiều các cơ quan khác để có thể hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
Nhân dịp này, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương gửi lời cảm ơn chân thành tới các cơ quan và mong muốn trong thời gian tới các cơ quan tiếp tục quan tâm, phối hợp tích cực, chặt chẽ với Văn phòng Quốc hội nói chung và Cục Quản trị III nói riêng để Văn phòng Quốc hội hoàn thành tốt các nhiệm vụ tham mưu, phục vụ Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và đại biểu Quốc hội.
Báo cáo tại cuộc gặp mặt, Cục trưởng Cục Quản trị III Nguyễn Văn Định đánh giá về những hoạt động tham mưu, phục vụ của đơn vị thuộc Văn phòng Quốc hội tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên thời gian qua. Trong đó, Cục Quản trị III đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ đưa đón, phục vụ, lễ tân các đoàn của Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội khi đi công tác tại các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn về tài chính, nhân sự nhưng cán bộ, nhân viên trong toàn Cục không ngừng nỗ lực, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Nhân dịp này, Cục trưởng Nguyễn Văn Định cũng gửi lời cảm ơn chân thành đến các cơ quan, ban, ngành đóng trên địa bàn miền Trung - Tây Nguyên đã phối hợp chặt chẽ với Cục trong thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=84309