Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương tiếp xúc cử tri chuyên đề với cán bộ, giáo viên tại Quảng Ngãi
Ngày 30.11, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương và Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi đã tiếp xúc cử tri chuyên đề với cán bộ, giáo viên ngành giáo dục và đào tạo của tỉnh.
Tham dự có: Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Đinh Thị Phương Lan; Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Quảng Ngãi Huỳnh Thị Ánh Sương; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Tấn Đức; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền; cùng lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh.
Tại cuộc tiếp xúc, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi Huỳnh Thị Ánh Sương báo cáo với cử tri những kết quả nổi bật của Kỳ họp thứ Sáu. Trong đó, các ĐBQH của tỉnh đã có nhiều đóng góp tích cực, hiệu quả, trách nhiệm, đóng góp vào thành công chung của Kỳ họp với nhiều lượt đại biểu phát biểu tại tổ và hội trường.
Phát biểu tại cuộc tiếp xúc, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương cho biết, giáo dục và y tế là hai mảng "nóng” trong các kỳ họp của Quốc hội. Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội bày tỏ mong muốn được lắng nghe các ý kiến, kiến nghị, đóng góp tâm huyết của các thầy cô giáo để hoàn thiện hơn các chính sách, pháp luật về giáo dục.
Trong đó, Quốc hội muốn lắng nghe góp ý của các giáo viên về Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Đầu năm 2023, Quốc hội đã quyết định chọn “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” là một trong hai chuyên đề giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhằm đánh giá về công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố trong giai đoạn 2014-2022.
Tuy nhiên, cho đến nay, vấn đề này còn nhiều ý kiến, quan điểm khác nhau. "Các thầy, cô là những người thực hiện chính sách và luôn bám sát các em nên cần nêu ra những ý kiến sát sườn, phù hợp với thực tiễn", Phó Chủ tịch Quốc hội nói.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, Quốc hội mong muốn lắng nghe các ý kiến, kiến nghị về chế độ, chính sách của Nhà nước đối với nghề giáo cũng như công tác bảo đảm mọi mặt cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo hiện nay.
"Khi tập hợp ý kiến cử tri gửi đến Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội ghi nhận nhiều ý kiến về dạy thêm, học thêm, bạo lực học đường, ma túy mới vào học đường... Do đó, mong thầy cô hiến kế ngăn chặn", Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ. Quốc hội cũng mong nhận được các ý kiến, kiến nghị của các thầy cô liên quan đến giám sát tự chủ đại học tại các trường đại học công lập... Và với tinh thần tâm huyết, trách nhiệm với sứ mệnh "trồng người", các thầy cô sẽ góp thêm nhiều ý tưởng, cách làm hay để thúc đẩy đổi mới và phát triển ngành giáo dục.
Báo cáo tại cuộc tiếp xúc, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ngãi Trần Sỹ đã thông tin về tình hình và kết quả hoạt động của ngành giáo dục tỉnh. Trong đó, nêu rõ những thành tựu đạt được như: mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông của Quảng Ngãi tiếp tục được mở rộng về quy mô và tăng cường cơ sở vật chất ở tất cả các cấp học, bậc học, nhất là vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Tính đến nay, trên địa bàn Quảng Ngãi có 585 đơn vị, cơ sở giáo dục, trong đó, mầm non có 207 trường; tiểu học có 151 trường; THCS có 129 trường; TH và THCS có 52 trường; THPT có 39 trường; một Trường Liên cấp thành phố giáo dục quốc tế IEC - Quảng Ngãi; một Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh; một Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh; 4 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện, thị xã với 279.040 học sinh và 18.366 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên toàn ngành (trong đó, cán bộ quản lý có 1.268 người, giáo viên có 15.194 người; nhân viên 1.904 người).
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị một số vấn đề giáo viên băn khoăn, như cần sớm đổi mới chế độ tiền lương cho giáo viên để các thầy cô yên tâm giảng dạy; nghiên cứu sửa đổi và bảo đảm sự thống nhất giữa Nghị định 116 và Nghị định 115 để thống nhất trong quá trình làm việc; đề nghị bổ sung đối tượng được hưởng chế độ chính sách tại Nghị định số 105/2020/NĐ-CP ngày 8.9.2020 (Nghị định 105) của Chính phủ về chính sách phát triển giáo dục mầm non…
Đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo, cử tri ngành giáo dục Quảng Ngãi kiến nghị Chính phủ ưu tiên kinh phí đầu tư cơ sở vật chất tại các trường mầm non, phổ thông nhất là ở các huyện miền núi, từ nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia và các nguồn vốn khác của Trung ương để thực hiện các chương trình, dự án, Đề án phát triển ngành giáo dục và đào tạo của tỉnh Quảng Ngãi, nhằm đáp ứng đủ cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy và học tập. Hiện nay, mặc dù nguồn ngân sách nhà nước của Quảng Ngãi đã quan tâm bố trí, nhưng chưa đáp ứng đủ nhu cầu.
Đối với Chính phủ, để bảo đảm đủ số lượng, cơ cấu giáo viên đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Sở Giáo dục và Đào tạo kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Nội vụ có hướng giải quyết trong khâu tuyển dụng giáo viên đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định tại Điều 72 Luật Giáo dục 2019 (có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên đối với giáo viên mầm non; có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên đối với giáo viên tiểu học, THCS, THPT). Vì hiện nay, còn nhiều sinh viên ngành sư phạm tốt nghiệp ra trường chưa đáp ứng trình độ đào tạo và điều kiện nộp hồ sơ dự tuyển theo quy định, nên các địa phương tuyển dụng không đủ chỉ tiêu được giao.
Cử tri Nguyễn Trà - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị cần sửa đổi Thông tư liên tịch 109. Những quy định của Thông tư này có hiệu lực từ năm 2009 và đến nay không phù hợp với thực tiễn, đặc biệt là quy định về chế độ, chính sách tiền ăn, tiền sinh hoạt cho học sinh dân tộc thiểu số; việc mua sắm ở ký túc xá đã bộc lộ một số bất cập.
Liên quan đến vấn đề dạy thêm, học thêm hiện nay, cử tri Nguyễn Thị Nga, giáo viên Trường THPT số 1 Tư Nghĩa cho rằng, cần có cái nhìn đa chiều. Bởi, thực tế dư luận xã hội coi vấn đề dạy thêm, học thêm như một “vấn nạn”, nhưng thực tế không phải như vậy.
"Việc thầy cô ép học thêm chỉ là số ít, còn hàng nghìn giáo viên khác vẫn đang cần mẫn, nhiệt huyết truyền thụ kiến thức cho học trò. Do đó, đề nghị Đoàn ĐBQH tỉnh có ý kiến, để làm sao tạo ra một hành lang pháp lý phù hợp, trong đó, tổ chức dạy thêm, học thêm một cách hợp pháp, phù hợp với nguyện vọng của học sinh, phụ huynh”, cử tri Nguyễn Thị Nga nêu rõ.