Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương chủ trì cuộc họp về giám sát việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia
Sáng 8.4, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương - Trưởng đoàn giám sát của Quốc hội 'Việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021- 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030' đã chủ trì cuộc làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư về nội dung này.
Tham dự có: các Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng đoàn giám sát: Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh.
Về phía Chính phủ có Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.
Báo cáo với Đoàn giám sát, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nêu rõ, thời gian qua, Bộ đã xây dựng nguyên tắc lồng ghép vốn các chương trình mục tiêu quốc gia theo yêu cầu của Quốc hội. Trong đó, việc lồng ghép không chỉ thực hiện giữa các chương trình mục tiêu quốc gia mà còn được thực hiện lồng ghép giữa các chương trình, dự án khác để huy động tối đa nguồn lực cho thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ thuộc từng chương trình mục tiêu quốc gia. Nội dung nguyên tắc được quy định cụ thể tại Điều 10, Nghị định số 27/2022/NĐ - CP của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia. Trong năm 2022, đã có 34/63 địa phương ban hành quy dịnh về cơ chế lồng ghép, huy động các nguồn vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng cho biết, một số địa phương phản ánh việc lồng ghép nguồn vốn không phù hợp với thực tiễn, do vậy đã kiến nghị bổ sung quy định không bắt buộc các địa phương phải xây dựng cơ chế lồng ghép nguồn vốn trong thực hiện các chương trình.
Trình bày Báo cáo của Tổ công tác của Đoàn giám sát Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đỗ Thị Lan nêu rõ, dù Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng, trình ban hành văn bản về quản lý, điều hành các chương trình mục tiêu quốc gia, nhưng văn bản ban hành chưa bảo đảm tính kịp thời, nhiều quy định trong các văn bản ban hành chưa phù hợp với thực tiễn, còn nhiều vướng mắc, đặc biệt là Nghị định 27 của Chính phủ. Bộ cũng chưa hoàn thành nhiệm vụ được giao liên quan đến việc nghiên cứu, sửa đổi Nghị định 27, điều này cho thấy, việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của địa phương còn chậm.
Cơ bản thống nhất với Báo cáo của Tổ công tác, các thành viên Đoàn giám sát đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục giải trình về việc chậm trễ trong sửa đổi Nghị định 27 của Chính phủ. Đáng lưu ý, các nội dung vướng mắc trong Nghị định 27 có nội dung chưa thống nhất với Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, Bộ cần báo cáo rõ hơn về quy trình sửa đổi, bổ sung Nghị định này.
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đánh giá cao Bộ Kế hoạch và Đầu tư với tư cách là thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia đã rất nỗ lực, cố gắng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện, tham mưu cho Chính phủ tổ chức Hội nghị giao ban thường kỳ về các Chương trình này... Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng thẳng thắn chỉ rõ, việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia chưa đạt kết quả như yêu cầu và mong muốn.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần sớm tham mưu cho Chính phủ sửa đổi Nghị định 27, trong đó các cơ chế, chính sách đã quy định nhưng chưa thể tổ chức thực hiện hiệu quả, như cơ chế lồng ghép nguồn lực các Chương trình mục tiêu quốc gia; cơ chế phân cấp, phân quyền cho địa phương; cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị; cơ chế đặc thù đầu tư dự án quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp…. Tiếp tục cân đối, phân bổ các nguồn vốn, đặc biệt là phân bổ vốn sự nghiệp, vốn đầu tư phù hợp với vùng, miền, địa phương. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn ngân sách trung ương. Đánh giá kỹ vai trò của Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, cấp huyện đã hoàn thành tốt nhiệm vụ tham mưu, đôn đốc các Chương trình mục tiêu quốc gia hay chưa? Rà soát lại Công điện 71/CĐ - TTg về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, xem việc phân công chức năng, nhiệm vụ cho các bộ, ngành đã thực sự phù hợp hay chưa?...