PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI TRẦN QUANG PHƯƠNG: KHẮC PHỤC TÌNH TRẠNG CHUYỂN NGUỒN, 'CÓ TIỀN TRONG KHO MÀ KHÔNG TIÊU ĐƯỢC'
Ngày 22/7, Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội do Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội làm Trưởng đoàn đã làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang về 'Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021'.
Đoàn Giám sát của Quốc hội làm việc tại Bắc Giang: 61 công trình nước sạch không hoạt động
Tham gia Đoàn giám sát có Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh- Phó Trưởng Đoàn giám sát; các thành viên Đoàn giám sát thuộc Ủy ban Tài chính-Ngân sách, Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội và đại diện Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang. Về phía các Bộ, ngành, chuyên gia tham gia Đoàn giám sát có Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ, đại diện Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ.
Trong giai đoạn 2016-2021, tỉnh đã thực hiện tiết kiệm dự toán cho thường xuyên hơn 1.200 tỷ đồng theo chỉ đạo điều hành của Chính phủ và Bộ Tài chính. Toàn tỉnh đã triển khai hơn 400 cuộc thanh tra, kiểm tra về các lĩnh vực công, phát hiện sai phạm với hơn 161 tỷ đồng và hơn 400ha đất.
Tuy nhiên, tính đến hết năm 2021, nợ đọng thuế còn cao, là 714 tỷ đồng. Nợ đọng xây dựng cơ bản chưa được xử lý triệt để. Chi chuyển nguồn hàng năm có xu hướng tăng cao, đặc biệt, từ năm 2020 sang năm 2021 lên đến hơn 5.900 tỷ đồng, gấp hơn 4 lần so với năm 2015 và bằng 33% tổng chi cân đối Ngân sách địa phương năm 2020.
Ông Bùi Đức Thụ - chuyên gia Đoàn giám sát cho biết: “Những gì theo Luật thì các đồng chí bóc tách để xem cụ thể là bao nhiêu, phần còn lại chủ yếu chuyển nguồn do đầu tư là bao nhiêu, để từ đó mới đánh giá được đâu là trách nhiệm của các Bộ ngành, địa phương.
Phát biểu về nội dung này, ông Nguyễn Trường Giang - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội bày tỏ: “Trung ương vẫn phải đi vay, trả lãi trong khi đó các địa phương khi được phân bổ vốn sử dụng không hết, phải chuyển nguồn, đề nghị các đồng chí phân tích rõ hơn việc chuyển nguồn, chỉ rõ nguyên nhân.”
Giải trình về vấn đề chuyển nguồn vốn phân bổ, ông Nguyễn Đình Hiếu - Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Bắc Giang cho biết: “Trong cơ cấu 5.900 tỷ này thì có đến 3.465 tỷ là tiền sử dụng đất lại đấu giá cuối năm nên chưa kịp phân bổ cho các dự án nên phải chuyển nguồn sang năm sau. Nguồn lớn thứ 2, đó là tăng thu ngoài sử dụng đất là 70% phải sử dụng cho cải cách tiền lương nhưng Trung ương vẫn chưa tăng lương cơ sở.”
Đoàn giám sát cũng cũng đề nghị tỉnh rà soát các dự án sử dụng vốn đầu tư công và mức bố trí vốn thực tế để tránh đầu tư dở dang, dàn trải gây lãng phí.
Tại buổi làm việc, ông Lê Ánh Dương - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết: “Chúng tôi rất tích cực điều chỉnh cơ cấu đầu tư, chi của tỉnh, theo hướng giảm chi thường xuyên tăng chi đầu tư. Nếu những năm 2016,2017 còn tình trạng đó thì đến nay gần như không còn đầu tư dàn trải."
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng Bắc Giang đã mạnh dạn nhìn thẳng sự thật, cung cấp nhiều thông tin cho Đoàn giám sát, đồng thời chia sẻ với khó khăn của địa phương do những bất cập từ hệ thống chính sách pháp luật, ách tắc do các văn bản hướng, thiếu các chế độ định mức, tiêu chuẩn, quy chuẩn. Qua làm việc với Bắc Giang cũng như nhiều tỉnh khác có tiền nhưng không đầu tư được vào công trình thuộc nguồn vốn trung ương, không điều chỉnh được.
Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: “Ngoài câu chuyện lãng phí thì cần tính lại nguồn thu ngân sách Trung ương để giữ vai trò chủ đạo trong điều tiết, để khi điều tiết vẫn dùng cả ngân sách địa phương và trung ương được thì mới giải tỏa, chứ không để lãng phí, tiền có bỏ trong kho mà không tiêu được. Đây là câu chuyện có lẽ trong khái niệm, luật và quy định cần phải tính toán.”
Trưởng Đoàn giám sát cũng đề nghị tỉnh đề xuất cụ thể việc sửa đổi, bổ sung hay ban hành mới các Luật, điều khoản cụ thể để tránh tình trạng chồng lấn giữa các quy định. Cùng với đó, hạn chế tình trạng “2 sôi - 3 lạnh” trong đánh giá nguyên nhân, khuyết điểm, không xác định rõ trách nhiệm trong tổ chức thực hiện.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị UBND tỉnh Bắc Giang nghiêm túc tiếp thu ý của Tổ Công tác, các thành viên Đoàn giám sát và các cơ quan liên quan. Những vấn đề đã rõ, thuộc phạm vi thẩm quyền của tỉnh thì cần tập trung chỉ đạo khắc phục, tạo chuyển biến ngay, không đợi đến khi có Báo cáo và Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề này. Đối với những vấn đề vướng mắc vượt thẩm quyền, báo cáo Đoàn giám sát để Đoàn sẽ báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo các cơ quan hữu quan tháo gỡ.
Trưởng Đoàn giám sát cũng chúc mừng những thành tựu tỉnh đã đạt được trong thời gian qua. Đặc biệt 6 tháng đâầ năm 2022, mức tăng trưởng kinh tế của tỉnh ước đạt 24,03% và được Tổng cục Thống kê thông báo mức tăng trưởng dự kiến cao nhất cả nước. Phó Chủ tịch Quốc hôịTrần Quang Phương tin tưởng, tỉnh Bắc Giang sẽ thực hiện thành công những mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, thực hiện pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có hiệu quả tại địa phương mình, xây dựng Bắc Giang ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, ấm no, hạnh phúc, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/pho-chu-tich/pages/pct-tran-quang-phuong.aspx?itemid=66812