PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI TÒNG THỊ PHÓNG SẼ DỰ VÀ PHÁT BIỂU TẠI PHIÊN KHAI MẠC HỘI NGHỊ QUỐC TẾ VỀ PHỤ NỮ, HÒA BÌNH VÀ AN NINH
Từ ngày 07-09/12 tại Hà Nội, sẽ diễn ra Hội nghị quốc tế về 'Tăng cường vai trò của phụ nữ trong xây dựng và củng cố hòa bình: Từ cam kết đến kết quả'. Ủy viên Bộ Chính trị - Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng sẽ tham dự và có bài phát biểu quan trọng trong phiên khai mạc.
Năm 2020 có ý nghĩa đặc biệt và quan trọng, đánh dấu 20 năm thông qua Nghị quyết 1325 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc khởi nguồn cho chương trình nghị sự về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh, 75 năm kỷ niệm thành lập liên hợp quốc, 25 năm thông qua Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh về thúc đẩy bình đẳng giới và cũng là năm tiến hành kiểm điểm Chương trình hành động 7 điểm của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về sự tham gia của phụ nữ trong xây dựng hòa bình.
Việt Nam đang tích cực chuẩn bị tổ chức Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13, qua đó đề ra nhiều chủ trương, chính sách toàn diện về đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.
Năm 2020, Việt Nam cũng bắt đầu nhiệm kỳ thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Ghi nhận vai trò lãnh đạo lâu năm của mình trong chương trình nghị sự Phụ nữ - Hòa bình – An ninh của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, bao gồm cả việc thông qua nghị quyết 1889 (2009) khi Việt Nam là Chủ tịch, Chính phủ Việt Nam đề xuất tổ chức một sự kiện cấp cao nhằm thúc đẩy vai trò của phụ nữ trong việc xây dựng hòa bình bền vững. Vai trò lãnh đạo của Việt Nam trong việc đảm bảo Nghị quyết 1889 (2009) nhấn mạnh sự cần thiết tăng cường thực hiện và giám sát Nghị quyết 1325 (2000) và Chương trình nghị sự về Phụ nữ - Hòa bình – An ninh, kêu gọi đáp ứng tốt hơn nhu cầu của phụ nữ trong các tình huống sau xung đột/chiến tranh và xem xét lồng ghép các vấn đề về giới trong tất cả các quá trình ra quyết định, đặc biệt trong giai đoạn đầu của quá trình phục hồi và xây dựng hòa bình.
Báo cáo năm 2019 của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh (S/2019/800) nêu bật sự tham gia của phụ nữ trong việc lập kế hoạch và ra quyết định về tái thiết và phục hồi sau xung đột, quản lý và giám sát - là một ưu tiên trong tiến trình kỷ niệm 20 năm Chương trình nghị sự Phụ nữ - Hòa bình – An ninh vào năm 2020.
Do những khoảng trống quan trọng vẫn đang tồn tại trong việc thúc đẩy xây dựng hòa bình có trách nhiệm giới, nhận thức sự tham gia bình đẳng và đầy đủ của phụ nữ trong xây dựng hòa bình và những hạn chế trong huy động các nguồn lực cho xây dựng hòa bình có trách nhiệm giới, cần thiết phải đề xuất: Tổ chức một sự kiện để thảo luận việc thực hiện Chương trình nghị sự Phụ nữ - Hòa bình – An ninh nhằm phản ánh các cơ hội, khoảng trống và thách thức đối với vai trò lãnh đạo và sự tham gia của phụ nữ trong xây dựng hòa bình ở thực địa. Sự kiện này cũng sẽ xác định các phương pháp thực hành tốt và cách tiếp cận hợp tác, cũng như thảo luận về hành động ở cấp chính sách, chuyên môn và nguồn lực cần thiết giúp thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong xây dựng hòa bình.
Trong bối cảnh đó, Bộ Ngoại giao phối hợp với Liên hợp quốc tổ chức Hội nghị quốc tế theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến về chủ đề “Vai trò của phụ nữ trong xây dựng và củng cố hòa bình: Từ cam kết tới kết quả”.
Hội nghị được tổ chức nhằm mục đích kiểm điểm 20 năm thực hiện Nghị quyết 1325 của Hội đồng Bảo an, thảo luận các kết quả đạt được cũng như khó khăn, hạn chế và thách thức; trên cơ sở đó, đề xuất phương hướng phối hợp chính sách và hành động của cộng đồng quốc tế trong thời gian tới.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh sẽ tham dự và phát biểu tại hội nghị. Hội nghị còn có khoảng 150-200 đại biểu quốc tế, trong đó có 3 Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc và nhiều quan chức cao cấp của Liên hợp quốc, đại diện các quốc gia thành viên Liên hợp quốc, các gương mặt tiêu biểu phụ nữ trên lĩnh vực hòa bình, an ninh và thúc đẩy bình đẳng giới, đoàn ngoại giao và các tổ chức Liên hợp quốc tại Việt Nam, đại diện giới học giả, các tổ chức khu vực, các thể chế tài chính, các tổ chức phi chính phủ và tổ chức của phụ nữ liên quan đến lĩnh vực xây dựng hòa bình hậu xung đột.
Về phía Việt Nam có sự tham dự của đại diện các Bộ, ban ngành liên quan như Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Văn phòng Chính phủ, một số Ban Đảng, cơ quan liên quan của Quốc hội, Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị, đại diện một số địa phương, một số hội, đoàn thể như Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh, tổ chức phi chính phủ, chuyên gia liên quan đến lĩnh vực phụ nữ hòa bình an ninh tham dự.
Trong khuôn khổ Hội nghị, trước thềm phiên khai mạc cấp cao, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng sẽ cắt băng khai trương Triển lãm “Phụ nữ Việt Nam chung tay vì sự an toàn trên những miền đất Việt” do Bộ Ngoại giao chủ trì tổ chức./.
Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=50422