Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự Hội nghị đẩy mạnh xây dựng văn hóa học đường

Chiều 22.8, tại trụ sở Bộ Giáo dục và Đào tạo (Hà Nội), Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị đẩy mạnh công tác xây dựng văn hóa học đường do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức.

Các Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đồng chủ trì Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có đại diện Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, lãnh đạo các Bộ: Giáo dục và Đào tạo; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đại diện lãnh đạo một số tỉnh, thành phố…

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị đẩy mạnh công tác xây dựng văn hóa học đường. Ảnh: Hồ Long

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị đẩy mạnh công tác xây dựng văn hóa học đường. Ảnh: Hồ Long

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước luôn coi trọng và thường xuyên dành sự quan tâm đối với công tác xây dựng, phát triển văn hóa, con người. Nghị quyết 33 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI đã yêu cầu xây dựng đồng bộ môi trường văn hóa, trong đó chú trọng vai trò của gia đình và cộng đồng”; “xây dựng mỗi trường học phải thực sự là một trung tâm văn hóa giáo dục, rèn luyện con người về lý tưởng, phẩm chất, nhân cách, lối sống; giáo dục truyền thống văn hóa cho thế hệ trẻ”. Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh, một trong những trọng tâm xây dựng và phát triển văn hóa là xây dựng con người có nhân cách và xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, văn hóa học đường là nền tảng để thúc đẩy, nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển nguồn nhân lực, vì sự phát triển văn hóa, con người, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp đổi mới và xu thế hội nhập quốc tế. Xây dựng văn hóa học đường là một nội dung quan trọng để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Quốc hội đã đẩy mạnh thể chế hóa nội dung phát huy giá trị văn hóa, phát triển toàn diện con người Việt Nam trong các đạo luật, các nghị quyết, cũng như quyết định các vấn đề quan trọng có liên quan. Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoan nghênh Chính phủ đã rất quan tâm, chú trọng tới lĩnh vực này. Đồng thời, từ kiến nghị của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục; Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 08/2022 về việc tăng cường triển khai công tác xây dựng văn hóa học đường.

Ảnh: Hồ Long

Ảnh: Hồ Long

Ghi nhận và đánh giá cao Bộ Giáo dục và Đào tạo, cùng các cơ quan có liên quan đã nỗ lực, khẩn trương tham mưu, xây dựng Chỉ thị 08 của Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho rằng, Hội nghị triển khai công tác xây dựng văn hóa học đường được tổ chức trực tuyến qua điểm cầu của 63 tỉnh, thành phố trong cả nước ngay trước thềm năm học mới 2022-2023 thể hiện sự quan tâm, tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm cao trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện của Bộ và toàn ngành Giáo dục.

Để thực hiện tốt công tác xây dựng văn hóa học đường, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp và toàn ngành giáo dục tập trung thực hiện tốt một số nội dung trọng tâm:

Thứ nhất, tiếp tục quán triệt, nhận thức sâu sắc về ý nghĩa, vai trò quan trọng của xây dựng văn hóa học đường và kiên trì tổ chức thực hiện, phấn đấu đạt các mục tiêu đề ra.

Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật; kịp thời điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản chỉ đạo, điều hành, quy chế, hướng dẫn liên quan tới xây dựng văn hóa học đường.

Thứ ba, gắn việc xây dựng và tổ chức thực hiện văn hóa học đường với việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục nói chung và tổ chức thực hiện đổi mới chương trình giáo dục nói riêng.

Thứ tư, phát huy vai trò quan trọng của nhà trường trong tạo dựng các giá trị văn hóa và thiết lập, củng cố, hoàn thiện các nguyên tắc ứng xử.

Thứ năm, huy động các nguồn lực đầu tư nhằm hoàn thiện, bảo đảm các thiết chế văn hóa trong nhà trường như thư viện, nhà văn hóa, sân vận động,…; tăng cường các điều kiện hạ tầng, cơ sở vật chất, cập nhật các quy chuẩn xây dựng trường học bảo đảm sinh thái phù hợp với môi trường giáo dục.

Thứ sáu, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phát huy tốt vai trò chủ trì tham mưu, phối hợp, huy động sự tham gia của toàn hệ thống chính trị, trong đó cần phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, Hội Khuyến học trong xây dựng văn hóa học đường, nhất là các cơ quan được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ trong Chỉ thị 08. Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương cần nghiêm túc, tích cực chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ được phân công.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: Hồ Long

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: Hồ Long

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn khẳng định, ngành giáo dục đang triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, tập trung phát triển phẩm chất và năng lực của người học, lấy việc "dạy người" làm trọng tâm. Việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới là giải pháp toàn diện để củng cố, gia tăng tố chất văn hóa và phát triển con người. Trong đó, văn hóa học đường là môi trường quan trọng để rèn luyện nhân cách và giáo dục người học trở thành những con người phát triển toàn diện đức - trí - thể - mỹ, có lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, có ý thức và trách nhiệm cao với đất nước, với gia đình và cộng đồng.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Hồ Long

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Hồ Long

Khẳng định Chỉ thị số 08 của Thủ tướng Chính phủ là cơ sở, căn cứ để tạo ra những chuyển biến tích cực về văn hóa học đường trong thời gian tới, các đại biểu tham dự Hội nghị nhất trí cho rằng, xây dựng văn hóa học đường là nhiệm vụ cấp bách và rất quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Để thực hiện thành công nhiệm vụ này đòi hỏi các cấp, các ngành phải có kế hoạch, lộ trình. Cùng với đó, cần xác định rõ đây không phải chỉ là nhiệm vụ của Bộ Giáo dục và Đào tạo mà phải có sự chung tay cả các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội nhằm xây dựng một hệ sinh thái, không gian văn hóa để học sinh được phát triển toàn diện.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Một số ý kiến cũng nhấn mạnh, để hoạt động dạy và học đạt đến mục đích phát triển toàn diện nhân cách người học thì không thể không xem xét xây dựng môi trường văn hóa nhà trường. Hơn nữa, trong bối cảnh hiện nay, nhất là khi văn hóa học đường, văn hóa, đạo đức trong thanh thiếu niên có nhiều tín hiệu báo động thì cần sớm xây dựng bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong trường học; quy tắc ứng xử của người học trong nhà trường; xây dựng quy chế, nội quy hình thành các chuẩn mực về văn hóa đạo đức, hành vi ứng xử, xây dựng môi trường văn hóa học đường lành mạnh; tăng cường hoạt động giáo dục giá trị văn hóa, đạo đức, lối sống cả ở chương trình đào tạo chính thức và ngoại khóa.

Các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Hồ Long

Các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Hồ Long

Một số ý kiến cũng nhấn mạnh, cần tăng cường đầu tư và huy động các nguồn đầu tư từ vốn xã hội hóa, nâng cao vai trò tham gia hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên. Nêu cao vai trò, tinh thần nêu gương của giáo viên, giảng viên trong việc thực hiện quy chế, chuẩn mực đạo đức trong nhà trường. Đặc biệt, cần xem sự tham gia của người học là một phần tất yếu của xây dựng môi trường văn hóa.

P. Thủy

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/pho-chu-tich-thuong-truc-quoc-hoi-tran-thanh-man-du-hoi-nghi-ve-day-manh-xay-dung-van-hoa-hoc-duong-i298455/