Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự Phiên họp toàn thể của Ủy ban Đối ngoại
Chiều 9.6, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã dự phiên họp toàn thể lần thứ Ba của Ủy ban Đối ngoại.
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà chủ trì phiên họp. Cùng dự có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn.
Phát biểu tại phiên họp, thay mặt Lãnh đạo Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những kết quả đã đạt được của Ủy ban trong thời gian qua. Từ sau Phiên họp toàn thể lần thứ Hai đến nay, Ủy ban Đối ngoại đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực; hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao thuộc phạm vi Ủy ban Đối ngoại phụ trách trên các lĩnh vực lập pháp, giám sát và thực hiện các hoạt động đối ngoại của Quốc hội, góp phần vào thành công chung trong công tác đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước.
Nhân dịp này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cảm ơn sự phối hợp chủ động, chặt chẽ của Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Ngoại giao, các cơ quan, tổ chức có liên quan đối với các hoạt động đối ngoại của Quốc hội.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nêu rõ, tại Hội nghị Trung ương 5 Khóa XIII vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra bài học kinh nghiệm dẫn đến thành công của năm 2021, trong đó có nội dung liên quan đến công tác đối ngoại là “chủ động nghiên cứu, nắm bắt, dự báo đúng tình hình; kiên quyết, kiên trì bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế; khai thác, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội mong muốn, thời gian tới, Ủy ban Đối ngoại sẽ tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động; phát huy trí tuệ tập thể, chú trọng đổi mới phương thức làm việc, xác định nhiệm vụ trọng tâm, triển khai hiệu quả các lĩnh vực Ủy ban phụ trách; tiếp tục củng cố quan hệ phối hợp với các cơ quan đối ngoại của Đảng, Chính phủ và các tổ chức chính trị - xã hội khác, bảo đảm việc tham mưu, điều phối các hoạt động đối ngoại nhịp nhàng và hiệu quả. Trọng tâm là tổ chức thực hiện Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội, Tổ Đảng ở Thường trực Ủy ban Đối ngoại trên cơ sở nắm vững quan điểm, định hướng, chủ trương tại văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng trong công tác đối ngoại; đặc biệt là các nội dung quan trọng trong bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về công tác đối ngoại ngày 14.12.2021.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị, Ủy ban Đối ngoại tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả các hoạt động đối ngoại của Quốc hội, của Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội và các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; nâng tầm hoạt động đối ngoại của Quốc hội chuyên nghiệp hơn, hiện đại và thiết thực. Thường xuyên theo dõi, nghiên cứu, nắm chắc diễn biến tình hình thế giới và khu vực nhằm kịp thời tham mưu Đảng đoàn Quốc hội các giải pháp, đối sách phù hợp trong công tác đối ngoại; phối hợp với Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Ngoại giao trong hoạt động tại các diễn đàn nghị viện đa phương…
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội lưu ý, trong năm 2022, cần phối hợp với Quốc hội Lào tổ chức giám sát chung về việc thực hiện các thỏa thuận hợp tác đã ký kết giữa hai nước như thống nhất giữa hai Chủ tịch Quốc hội trong chuyến thăm chính thức Lào vừa qua của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà cho biết, tình hình thế giới và khu vực chịu tác động mạnh do đại dịch Covid-19, kéo theo những hệ lụy về chính trị, ngoại giao, kinh tế toàn cầu, cùng với đó là cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng sâu sắc, chuyển dịch quyền lực và tập hợp lực lượng thay đổi mạnh mẽ; các xung đột khu vực ngày càng gay gắt, các vấn đề an ninh phi truyền thống ngày càng nghiêm trọng. Trong bối cảnh đó, công tác đối ngoại nói chung, đối ngoại của Quốc hội nói riêng đã đổi mới, thích ứng nhanh chóng với tâm thế chủ động và tích cực.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại nhấn mạnh, những thành tựu đối ngoại ngay từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV đã ghi dấu ấn đậm nét và tạo đà quan trọng cho công tác đối ngoại của Quốc hội trong cả nhiệm kỳ. Bên cạnh đó, đối ngoại của Quốc hội đã có đóng góp quan trọng vào thúc đẩy phục hồi kinh tế - xã hội sau đại dịch, ngoại giao vaccine phục vụ công tác phòng, chống đại dịch Covid-19.
Tiếp nối các thành công đó, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại tin tưởng, trong thời gian tới, Ủy ban Đối ngoại sẽ tiếp tục phát huy trí tuệ, đoàn kết, đưa công tác đối ngoại Quốc hội trở thành một trong những trụ cột của nền ngoại giao Việt Nam, góp phần hiệu quả vào việc thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, đa dạng hóa, đa phương hóa của Đảng, Nhà nước, nâng cao hình ảnh và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Đối ngoại đã nghe báo cáo và thảo luận kết quả hoạt động của Ủy ban từ Kỳ họp thứ Hai đến nay, những định hướng lớn trong triển khai công tác đối ngoại của Quốc hội năm 2022 và nhiệm kỳ Khóa XV.