Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh thăm, làm việc tại 2 xã Ia Phí và Ia Ly
Ngày 17-7, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Tuấn Thanh cùng lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và hoạt động của bộ máy chính quyền địa phương tại 2 xã Ia Phí và Ia Ly sau khi sáp nhập đơn vị hành chính.
Xã Ia Phí được thành lập trên cơ sở hợp nhất 3 đơn vị hành chính cũ gồm Ia Phí, Ia Ka và Ia Nhin. Xã có diện tích hơn 212 km², dân số hơn 22.890 người với khoảng 5.757 hộ, trong đó người dân tộc thiểu số chiếm trên 75%. Tỷ lệ hộ nghèo hiện là 4,39% với 253 hộ.
Xã Ia Ly được sáp nhập từ xã Ia Kreng, xã Ia Mơ Nông và thị trấn Ia Ly trước đây. Diện tích xã khoảng 210,55 km², với trên 3.700 hộ, hơn 13.800 nhân khẩu, trong đó người dân tộc thiểu số chiếm gần 64%. Số hộ nghèo là 322 hộ, chiếm 8,5%.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh kiểm tra công tác vận hành tại Trung tâm phục vụ hành chính công xã Ia Phí. Ảnh: Ngọc Luận
Dù mới đi vào vận hành trong điều kiện còn nhiều khó khăn, các xã đã nỗ lực ổn định tổ chức bộ máy, phục vụ tốt nhu cầu của người dân, doanh nghiệp. Việc vận hành bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại UBND xã bước đầu mang lại hiệu quả tích cực, giúp giảm thời gian xử lý thủ tục hành chính, tăng tính công khai, minh bạch và nâng cao sự hài lòng của người dân. Đội ngũ cán bộ, công chức tại cơ sở thể hiện tinh thần trách nhiệm cao.
Tuy nhiên, do mới sáp nhập, nhiều khó khăn vẫn tồn tại như thiếu cán bộ có chuyên môn sâu, cơ sở vật chất còn thiếu, hệ thống công nghệ thông tin chưa hoàn chỉnh, ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý, điều hành.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh tặng quà cho xã Ia Ly và lực lượng Công an xã. Ảnh: Trung Nghĩa
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh biểu dương tinh thần nỗ lực của chính quyền cơ sở, đồng thời đề nghị các xã tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, đổi mới tư duy, không trông chờ, ỷ lại. Các địa phương cần xác định người dân và doanh nghiệp là trung tâm phục vụ, lấy sự hài lòng làm thước đo hiệu quả hoạt động của chính quyền.
Ông yêu cầu các xã tập trung hoàn thiện quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ rõ ràng, áp dụng chỉ số KPI để đánh giá hiệu quả công việc; nâng cấp cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin; bố trí không gian làm việc phù hợp với chức năng nhiệm vụ, đảm bảo điều kiện làm việc cho đội ngũ cán bộ.
Đồng thời, các xã cần tập trung rà soát và đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các chương trình mục tiêu quốc gia; tăng cường công tác quy hoạch, kêu gọi đầu tư để mở rộng dư địa phát triển, nâng cao thu ngân sách. Việc chuẩn bị văn kiện cho Đại hội Đảng bộ cấp xã nhiệm kỳ 2025 - 2030 cũng cần được tiến hành bài bản, khoa học, xác định rõ tiềm năng, lợi thế, định hướng phát triển và các giải pháp đột phá.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý các địa phương quan tâm cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, nhất là người dân tộc thiểu số. Các xã cần triển khai các chương trình giảm nghèo bền vững. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, thể thao, nâng cao tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch, đảm bảo vệ sinh môi trường, giữ gìn an ninh trật tự, thực hiện tốt công tác dân tộc - tôn giáo và không để xảy ra truyền đạo trái phép, mê tín dị đoan trong cộng đồng.
Các sở, ngành của tỉnh được giao nhiệm vụ sớm giải quyết các kiến nghị của xã Ia Phí và Ia Ly, đồng thời đẩy mạnh tập huấn chuyên môn, nâng cao năng lực cho cán bộ công chức cơ sở, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của chính quyền 2 cấp sau sáp nhập.