Doanh nghiệp Việt muốn thay thế hàng nhập khẩu bằng nội lực
Trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng hội nhập sâu rộng, việc phát triển công nghiệp hỗ trợ và từng bước thay thế hàng nhập khẩu trở thành yêu cầu sống còn của các doanh nghiệp Việt. Đặc biệt trong ngành điện – lĩnh vực vốn phụ thuộc lâu nay vào công nghệ và thiết bị ngoại nhập, nay xuất hiện ngày càng nhiều doanh nghiệp mạnh dạn chọn con đường tự lực, đổi mới công nghệ và khẳng định thương hiệu bằng chất lượng.
Hướng tới làm chủ công nghệ
Từ một doanh nghiệp nhỏ chuyên sản xuất ống thép luồn dây điện và phụ kiện, Công ty CP Sản xuất Thiết bị Điện công nghiệp Cát Vạn Lợi (xã Bình Mỹ, TPHCM) đã từng bước vươn lên mạnh mẽ, trở thành một trong số ít doanh nghiệp nội địa đạt chứng nhận UL danh giá. Đây được xem như tấm hộ chiếu kỹ thuật để sản phẩm điện Việt Nam có thể bước vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là thị trường khó tính như Mỹ và Canada.
Tổng giám đốc Công ty Cát Vạn Lợi Lê Mai Hữu Lâm chia sẻ: “Chúng tôi không chọn con đường ngắn hạn bằng cách gia công hay thương mại hóa đơn thuần, mà kiên trì đầu tư chiều sâu, nội địa hóa nguyên vật liệu, hiện đại hóa dây chuyền và kiểm soát chặt chẽ từng khâu sản xuất. Khát vọng của chúng tôi là đưa sản phẩm điện “Made in Vietnam” trở thành lựa chọn hàng đầu không chỉ trong nước mà cả quốc tế”.
Theo ông Lâm, đã đến lúc Việt Nam phải vượt qua vai trò “gia công giá rẻ”, phải làm chủ công nghệ và sản xuất ra những thiết bị điện có khả năng cạnh tranh sòng phẳng với hàng nhập khẩu, đặc biệt là từ Trung Quốc. “Muốn phát triển bền vững, không thể mãi lệ thuộc vào hàng ngoại. Chúng ta hoàn toàn đủ năng lực, vấn đề còn lại là cơ chế và sự đồng hành từ Nhà nước”, ông Lâm nói thêm.

Công ty Cát Vạn Lợi từng bước hiện thực hóa khát vọng từng bước thay thế hàng nhập khẩu bằng các thiết bị điện do doanh nghiệp sản xuất trong nước. Ảnh: Uyên Phương
Công ty Kỹ thuật công nghệ tự động Hải Nam chuyên sản xuất tủ bảng điện với hơn 23 năm kinh nghiệm đã từng bước làm chủ dây chuyền hiện đại, đáp ứng tiêu chuẩn của các quốc gia phát triển như Úc, Mỹ… Nhà máy của Hải Nam đặt tại khu Công nghệ cao TPHCM, không chỉ sử dụng phần lớn nguyên liệu trong nước mà còn áp dụng các tiêu chuẩn quản trị tiên tiến, hướng đến phát triển bền vững.
Bà Văn Thị Thục Uyên, trưởng phòng kinh doanh Công ty Hải Nam cho biết, điều làm nên lợi thế cạnh tranh không chỉ là chất lượng sản phẩm mà còn là dịch vụ hậu mãi. “Khách hàng mua hàng trong nước sẽ được bảo hành, bảo dưỡng và hỗ trợ kỹ thuật nhanh chóng, điều mà các nhà cung cấp nước ngoài khó có thể đáp ứng kịp thời. Đây chính là giá trị thật sự của sản phẩm Việt”, bà Uyên nói.
Việc không ngừng tham gia các hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước cũng góp phần không nhỏ trong việc giúp các doanh nghiệp như Hải Nam mở rộng thị trường, tìm kiếm đối tác quốc tế và cập nhật xu hướng công nghệ mới, từ đó thúc đẩy tinh thần đổi mới và sáng tạo.
Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Cơ khí – Điện TPHCM đánh giá, các doanh nghiệp điện – tự động hóa trong nước hoàn toàn có năng lực sản xuất không thua kém nước ngoài. Tuy nhiên, do còn vướng nhiều rào cản như quy định đấu thầu, tiếp cận vốn, thiếu cơ chế hỗ trợ cụ thể nên chưa thể phát triển đúng tiềm năng.
“Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam sau khi hợp tác với các doanh nghiệp nội địa đã rất bất ngờ về trình độ kỹ thuật và hiệu quả kinh tế, từ đó chuyển sang đặt hàng lâu dài. Vấn đề là cần có chính sách nhất quán để hỗ trợ doanh nghiệp nội địa nâng cao năng lực và có cơ hội tham gia vào các dự án lớn”, ông Tống chia sẻ.

Khách hàng tìm hiểu tủ bảng điện do Công ty Hải Nam sản xuất. Ảnh: Uyên Phương
Kết nối đổi mới, hướng tới sản xuất xanh
Ngày 16/7, tại TPHCM đã diễn ra đồng thời ba triển lãm, gồm triển lãm Quốc tế lần thứ 18 về Công nghệ, Thiết bị điện (Vietnam ETE 2025); Sản phẩm tiết kiệm năng lượng, năng lượng xanh (Greenergy Expo 2025); Triển lãm Điện và Năng lượng ELECS Việt Nam 2025 (Elecs Vietnam 2025). Đây là sự kiện lớn và uy tín nhất của ngành công nghiệp điện, được tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Công Thương và Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh. Triển lãm là nơi hội tụ công nghệ, giải pháp tiên tiến và các chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế, góp phần xây dựng chuỗi cung ứng sản phẩm - công nghệ, thúc đẩy ngành công nghiệp Điện - Năng lượng Việt Nam phát triển mạnh mẽ.
Triển lãm thu hút hơn 500 doanh nghiệp đến từ các quốc gia có nền công nghiệp điện phát triển như: Đức, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia…, trong đó có nhiều thương hiệu lớn như ABB, Gelex, Toshiba Asia, Vina Electric… cùng đông đảo doanh nghiệp Việt Nam.
Trong khuôn khổ triển lãm sẽ liên tục diễn ra các hội thảo chuyên ngành; chương trình kết nối giao thương tạo cơ hội mở rộng quan hệ kinh doanh, tìm kiếm đối tác chiến lược; hoạt động khảo sát thực tế, kết nối xúc tiến thương mại, tham gia chuỗi cung ứng.
Ông Trần Minh, Phó Cục trưởng Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công (Bộ Công Thương) nhấn mạnh vai trò trung tâm của doanh nghiệp trong việc hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng xanh, trung hòa carbon đến năm 2050. “Để đạt được những mục tiêu đầy tham vọng ấy, không thể thiếu sự đồng hành từ doanh nghiệp, giới khoa học – công nghệ và hợp tác quốc tế” - ông Minh khẳng định.
Các doanh nghiệp tại sự kiện còn mang đến những giải pháp công nghệ tiên phong trong lĩnh vực điện - năng lượng như thiết bị điện thông minh, hệ thống quản lý năng lượng, điện mặt trời áp mái, lưu trữ năng lượng, hệ thống điện gió, điều khiển tự động hóa, năng lượng hydro, các thiết bị tiết kiệm điện năng cho công nghiệp và dân dụng.