Phó Chủ tịch Thường trực VINASME: Kinh tế tư nhân phải đối diện với nhiều yếu tố bất lợi cho tăng trưởng
Tiến sĩ Tô Hoài Nam cho rằng, kinh tế tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa đang phải đối diện với nhiều yếu tố bất lợi cho tăng trưởng, sự hỗ trợ cho khu vực này còn rất ít, hầu như mọi nguồn lực từ vốn, công nghệ, chính sách hỗ trợ đều kém hiệu quả. Vai trò dẫn dắt, hỗ trợ, kiểm soát của bộ máy nhà nước đối với khu vực này còn rất yếu.
Tại Diễn đàn Diễn đàn Hợp tác - Liên kết và Phát triển doanh nghiệp khu vực phía Bắc lần thứ XII với chủ đề "Thực hiện Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa để bứt phá, phát triển" , Tiến sĩ Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DNNVV Việt Nam (VINASME) đã có bài tham luận với nội dung “Đánh giá về phát triển kinh tế tư nhân trong nước giai đoạn 2011-2020 và kiến nghị một số giải pháp trong thời gian tới”.
Kinh tế tư nhân phải đối diện với nhiều yếu tố bất lợi cho tăng trưởng
Tiến sĩ Tô Hoài Nam đã phân tích về những nguyên nhân tồn tại, hạn chế làm kinh tế tư nhân/doanh nghiệp nhỏ và vừa (KTTN/DNNVV) chưa phát triển đúng với tiềm năng. Theo đó, Tiến sĩ Tô Hoài Nam nhấn mạnh, KTTN/DNNVV đang phải đối diện với nhiều yếu tố bất lợi cho tăng trưởng, sự hỗ trợ cho khu vực này còn rất ít, hầu như mọi nguồn lực từ vốn, công nghệ, chính sách hỗ trợ đều kém hiệu quả. Có thể đánh giá là vai trò dẫn dắt, hỗ trợ, kiểm soát của bộ máy nhà nước đối với khu vực KTTN/DNNVV còn rất yếu.
Thời gian gần đây, bối cảnh quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, tác động nhiều mặt đến quá trình hội nhập và phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam với độ mở ngày càng lớn đã tạo ra những cơ hội, thách thức cùng với những áp lực cho việc đổi mới cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân. Các yếu tố rủi ro như bất ổn địa chính trị; xu thế chuyển sang các chính sách hướng nội, chủ nghĩa bảo hộ của một số nước phát triển đã phần nào hạn chế cơ hội của Việt Nam nhằm phát huy các nguồn lực bên ngoài cho cải cách kinh tế trong nước, chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu nền kinh tế, mô hình tăng trưởng.
Bên cạnh đó nhiều vấn đề quan trọng như cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp nhà nước, đầu tư công, thay đổi mạnh mẽ nền nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ trong nước theo hướng hiện đại, hiệu quả, giá trị gia tăng cao là những vấn đền lớn của nền kinh tế có tính dài hạn, cần thời gian dài để các chính sách phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, trong suốt một thời gian dài, đường lối chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển KTTN luôn được thể hiện nhất quán, liên tục với mức độ quan tâm ngày một lớn hơn, mạnh hơn. Nhưng chính sách chung và đặc biệt là chính sánh hỗ trợ cho KTTN/DNNVV còn thiếu tính đồng bộ, hệ thống và đôi khi còn có xung đột. Luật hỗ trợ DNNVV được ban hành muộn (có hiệu lực từ 1/1/2018). Một số chính sách còn thiếu qui định cụ thể áp dụng riêng cho đối tượng doanh nghiệp cần hỗ trợ. Nhiều quy định mang tính khuyến khích và chung chung rất khó triển khai thực hiện. Nguyên nhân chính là trong quá trình thể chế hóa những đường lối, chủ trương Đảng, Nhà nước, cơ quan đầu mối tham mưu, soạn thảo văn bản thường nhìn nhận các vấn đề theo góc độ riêng biệt của mình, không đảm bảo nhìn nhận một cách toàn diện, theo hướng đánh giá đầy đủ các cách tiếp cận vấn đề khác nhau từ các chủ thể liên quan khác nhau để thiết kế, xây dựng chính sách pháp luật phù hợp với đặc điểm, tình hình, bối cảnh cho KTTN/DNNVV.
Tiến sĩ Tô Hoài Nam thẳng thắn chỉ ra rằng, tâm lý xã hội và nhiều cán bộ công chức vẫn còn thiếu niềm tin vào KTTN, thậm trí có một bộ phận không nhỏ cán bộ công chức còn coi đây là đối tượng để “kiếm trác” trục lợi đã sử dụng quyền lực của mình trong quá trình thi hành công vụ gây phiền hà, sách nhiễu và tham nhũng. Điều đó thực sự là những lực cản rất lớn cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển. Trong khi KTTN/DNNVV đang rất cần sự hỗ trợ, thúc đẩy cho hệ thống liên kết kinh doanh hình thành thì hệ thống tổ chức bộ ngành, địa phương dường như không có hành động nào đáng kể để tạo dựng các mối liên kết này thể chế liên kết từng tỉnh, vùng hoạt động không ăn khớp, không hướng tới tạo liên kết kinh doanh, thậm chí còn bị chia cắt hành chính (nhất là trong hoạch định, thực thi chính sách cho từng ngành hàng...).
Thêm một nguyên nhân nữa, TKTN/DNNVV xuất phát điểm còn thấp so với nhiều nước trên thế giới, kể cả các nước trong khu vực, hầu hết DNTN/DNNVV hoạt động chưa lâu trong môi trường kinh tế thị trường với đặc điểm cạnh tranh rất gay gắt. Với đặc điểm được hình thành và phát triển tự phát nhỏ lẻ, khả năng tích lũy vốn rất yếu, kênh huy động vốn xã hội rất kém hiệu quả, nên phần lớn các doanh nghiệp tư nhân có quy mô nhỏ và siêu nhỏ (trên 90% có mức vốn dưới 1 tỷ đồng) và kinh tế hộ gia đình, cá thể chiếm khoảng 95% tổng số các cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc thành phần kinh tế tư nhân. Trong khu vực kinh tế tư nhân, thiết bị, công nghệ lạc hậu nên năng suất thấp, chất lượng sản phẩm thấp, sức cạnh tranh yếu, trình độ quản lý nhìn chung còn yếu kém, khả năng hội nhập kinh tế quốc tế yếu. Tư duy của nhiều chủ sở hữu doanh nghiệp còn bất cập, thậm trí có một bộ phận không nhỏ không ngại vi phạm pháp luật về thuế, pháp luật về sở hữu trí tuệ, về chất lượng hàng hóa.
Diễn đàn Hợp tác - Liên kết phát triển doanh nghiệp khu vực phía Bắc năm 2019 tập trung tháo gỡ những khó khăn để Luật Hỗ trợ DNNVV được triển khai vào thực tế một cách hiệu quả.
Những rào cản cần tháo gỡ để phát triển kinh tế tư nhân
Trước những khó khăn, rào cản cho sự phát triển KTTN/DNNVV như đã phân tích ở trên, Tiến sĩ Tô Hoài Nam cũng đưa ra một số kiến nghị về phương hướng phát triển kinh tế tư nhân trong nước đến năm 2030, kế hoạch 5 năm 2021 – 2025. Theo đó, trong thời gian từ nay đến năm 2030, chắc chắn Việt Nam sẽ tiếp tục con đường hội nhập sâu rộng hơn so với hiện nay. Dự báo, mức tăng trưởng trung bình của Việt Nam trong giai đoạn 2013-2035 là 6,1%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo (chế tác), Bán buôn và bán lẻ và Xây dựng và tăng mạnh nhất. Việt Nam với kỳ vọng trở thành một nền kinh tế công nghiệp hiện đại vào năm 2035 với GDP bình quân đầu người ít nhất đạt 18.000 USD. Với trên 50% dân số Việt Nam sống ở khu vực đô thị, tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP đạt hơn 90% và đặc biệt, tỷ trọng của khu vực tư nhân trong GDP đạt ít nhất 80%. Qua thực tiễn các năm qua, có thể khẳng định các lợi ích thu được sẽ lớn hơn thách thức nếu các doanh nghiệp Việt Nam cải thiện tốt năng lực và năng suất cạnh tranh đây là điểm then chốt cần hướng tới.
Đồng thời, Nhà nước cần tạo lập môi trường cạnh tranh minh bạch, bình đẳng về thực chất không phân biệt loại hình sở hữu và tạo điều kiện thuận lợi để khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân tham gia thị trường và rút khỏi thị trường phù hợp với quy luật khách quan của kinh tế thị trường, phù hợp với thông lệ và luật pháp quốc tế, gắn với tiến trình đổi mới thể chế để giải quyết bốn vấn đề chính yếu về thể chế kinh tế cho KTTN là sự thiếu đảm bảo các quyền sở hữu tài sản của doanh nghiệp; Tồn tại nhiều rào cản gia nhập thị trường; Trật tự và kỷ luật thị trường phải được đảm bảo; chính sách hỗ trợ KTTN phải căn cứ vào nhu cầu của DNTN là chính.
Xác định phát triển kinh tế tư nhân chính là phát triển công cụ cải thiện đời sống nhân dân, phát triển văn hóa, giáo dục, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường; khuyến khích để tăng quy mô của doanh nghiệp tư nhân theo hướng chú trọng về chất lượng và thích ứng với mô hình tăng trưởng mới của nền kinh tế, dựa vào khoa học và công nghệ, đổi mới, sáng tạo cùng nguồn nhân lực chất lượng cao, lợi thế so sánh, cạnh tranh hiệu quả, tham gia sâu vào chuỗi giá trị trong và ngoài nước; Xác định phát triển KTTN là chiến lược lâu dài, nhất quán và xuyên suốt trong mọi hành động của Chính phủ, nó luôn là nhiệm vụ trọng tâm trong chính sách phát triển kinh tế của quốc gia.
Tiến sĩ Tô Hoài Nam nêu ra một số kiến nghị cụ thể để phát triển kinh tế tư nhân trong nước như: Trước hết cần tổng kết đánh giá lại toàn diện kết quả, hạn chế của việc thực thi các nghị quyết, chương trình hành động, quyết định của Đảng, Nhà nước về đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013 - 2020. Xác định việc tổng kết đánh giá nêu trên là cơ sở quan trọng, điều kiện tiên quyết để xây dựng, hoạch định các kế hoạch cho nhưng năm tiếp theo.
Thứ hai, tập trung, ưu tiên tháo gỡ giải quyết dứt điểm 15 tồn tại, hạn chế tác động không tốt đến phát triển kinh tế tư nhân. Theo hướng định lượng những mục tiêu, tiêu chí cụ thể phải đạt được cho từng lĩnh vực tiến trình cho giai đoạn mỗi giai đoạn là 2 năm năm giai đoạn/10 năm. Phân quyền, giao quyền quyết và tăng cường tránh nhiệm cho người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo lĩnh vực đó.
Thứ ba, đối các hiệp định thế hệ mới như CPTPP, EVFTA chắc chắn Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhiều hơn thách thức nếu đặt nó trong bối cảnh cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và một số vấn đề bất ổn trong quan hệ thương mại EU-Trung Quốc, điều đó sẽ đem lại cho Việt Nam lợi thế về mặt xuất khẩu và thu hút vốn FDI so với Trung Quốc, nên cần phải khai thác triệt để lợi thế này, bằng việc thông qua sự tập trung nguồn lực để thúc đẩy nhanh và mạnh năng lực sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp liên quan đến xuất khẩu hàng hóa đặt mục tiêu đến năm 2025 Việt Nam có khoảng 25% các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu trực tiếp. Tạo cơ chế thông thoáng mọi mặt để hút dòng vốn FDI vào Việt Nam để khu vực này tiếp tục góp phần vào xuất khẩu, tăng nguồn thu ngân sách, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế (chủ động chọn nhà đầu tư theo ngành, theo lợi thế cạnh tranh lâu dài của Việt Nam), tạo ra nhiều việc làm và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thay đổi chất lượng lao động; nâng cao trình độ công nghệ của nền kinh tế.
Thứ tư, tại Điều 32, Hiến pháp năm 2013 quyền sở hữu tài sản đã được ghi rõ ràng nhưng trên khía cạnh thực thi, khả năng bảo hộ quyền tài sản, đặc biệt là tài sản doanh nghiệp còn nhiều yếu kém. Vì vậy, pháp luật cần phải điều chỉnh bổ sung theo hướng nâng quyền sở hữu, nắm giữ, sử dụng và định đoạt tài sản của cá nhân, doanh nghiệp cao hơn. Bởi lẽ, nếu quyền tài sản của cá nhân, doanh nghiệp được bảo hộ tốt, doanh nghiệp, cá nhân có niềm tin vào Nhà nước mạnh mẽ hơn, theo đó họ sẽ yên tâm tập trung cho kinh doanh, tích lũy nguồn vốn và tài sản, từ đó đóng góp vào sự phát triển kinh tế nói chung.
Thứ năm, hiện nay về thực chất thì về cơ bản các bộ, ngành thuộc Chính phủ, là cơ quan chủ trì soạn thảo pháp luật. Sau đó cũng chính cơ quan này lại chủ trì thực thi pháp luật. Thực tế cho thấy việc tham gia của các cơ quan này là rất quan trọng và đã có nhiều tác động tích cực đến hoạt động xây dựng pháp luật. Tuy nhiên, làm chính sách như vậy cũng khó tránh khỏi vấn đề lợi ích ngành “nặng nề chi phối”. Vì thế, cần phải xem lại quyền, trách nhiệm của cơ quan chủ trì soạn thảo dự án luật, pháp lệnh, nghị định theo hướng nâng cao vai trò của các Ủy ban của Quốc hội trong công tác xây dựng pháp luật.
Thứ sáu, sớm ban hành Luật về Hội nhằm thúc đẩy và phát triển các hội ngành nghề với sự tham gia sâu rộng của DNTN/DNNVV tập hợp lại với nhau để tạo thành một sức mạnh, cùng Nhà nước thực hiện những mục tiêu của hệ thống chính trị, chống lại những tiêu cực trong xã hội như sách nhiễu, tham nhũng, quan liêu, hách dịch, cửa quyền. Góp phần vào sự nghiệp pháp triển kinh tế xã hội của đất nước.