Phó Chủ tịch tỉnh Thái Bình kiêm chủ tịch HĐT, có đi ngược với Luật GD đại học?

Luật Giáo dục đại học đã quy định rõ: Chủ tịch Hội đồng trường phải là cán bộ cơ hữu của trường, tức là cán bộ làm toàn thời gian của trường.

Bước vào tự chủ đại học với thiết chế Hội đồng trường là một trong những vấn đề rất được quan tâm hiện nay.

Nhiều trường đại học cũng gặp phải khó khăn, vướng mắc trong việc giải quyết mối quan hệ giữa Ban Giám hiệu với Hội đồng trường, giữa Hiệu trưởng với Chủ tịch Hội đồng trường.

Trong thực tiễn, việc bầu Chủ tịch Hội đồng trường và thực hiện trách nhiệm, quyền hạn của Chủ tịch Hội đồng trường của trường đại học công lập cũng còn những vấn đề băn khoăn.

Theo website của Trường Đại học Thái Bình, hiện tại Tiến sĩ Trần Thị Bích Hằng là Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh kiêm Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Thái Bình [1]. Điều này gây nên một số băn khoăn.

Website của Trường Đại học Thái Bình vẫn đang cập nhật thông tin: Tiến sĩ Trần Thị Bích Hằng là Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh kiêm Chủ tịch Hội đồng trường. Ảnh: Chụp màn hình ngày 24/7/2023

Website của Trường Đại học Thái Bình vẫn đang cập nhật thông tin: Tiến sĩ Trần Thị Bích Hằng là Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh kiêm Chủ tịch Hội đồng trường. Ảnh: Chụp màn hình ngày 24/7/2023

Theo các chuyên gia, theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật 34/2018/QH14), trường hợp thành viên ngoài trường đại học trúng cử chủ tịch hội đồng trường thì phải trở thành cán bộ cơ hữu của trường đại học. Cụ thể, Điểm b, Khoản 4, Điều 16, Luật 34/2018/QH14 quy định:

"b) Chủ tịch hội đồng trường do hội đồng trường bầu trong số các thành viên của hội đồng trường theo nguyên tắc đa số, bỏ phiếu kín và được cơ quan quản lý có thẩm quyền ra quyết định công nhận; trường hợp thành viên ngoài trường đại học trúng cử chủ tịch hội đồng trường thì phải trở thành cán bộ cơ hữu của trường đại học; chủ tịch hội đồng trường không kiêm nhiệm các chức vụ quản lý trong trường đại học;"

Theo đó, trường hợp thành viên ngoài trường đại học trúng cử làm chủ tịch hội đồng trường thì cơ quan quản lý có thẩm quyền thực hiện thủ tục theo quy định của pháp luật để chủ tịch hội đồng trường trở thành cán bộ cơ hữu của trường đại học.

Việc Tiến sĩ Trần Thị Bích Hằng là Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh kiêm Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Thái Bình có phù hợp với quy định trên?

Trao đổi vấn đề này với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ- Luật sư Nguyễn Thị Kim Phụng - Giám đốc Công ty Luật trách nhiệm hữu hạn Kim Phụng và Cộng sự, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, với một trường đại học thuộc tỉnh, tỉnh cần cử người tham gia vào Hội đồng trường, nếu người đó được bầu làm chủ tịch hội đồng trường (với điều kiện người đó đồng ý làm chủ tịch hội đồng trường mới tiến hành bầu) và trúng cử thì phải làm thủ tục chuyển thành cán bộ cơ hữu của trường, đối với trường đại học công lập thì người đó sẽ trở thành viên chức, không còn là công chức nữa. Có như vậy mới làm được chủ tịch hội đồng trường.

Bản thân người được bầu làm chủ tịch hội đồng trường, Ủy ban Nhân dân tỉnh và trường đại học đều phải hiểu rõ quy định trên của Luật Giáo dục đại học, Luật này đã quy định rõ: Chủ tịch hội đồng trường phải là cán bộ cơ hữu của trường, tức là cán bộ làm toàn thời gian của trường.

Khi đã là cán bộ cơ hữu của trường thì người đó không thể đại diện cho cơ quan quản lý trực tiếp tham gia vào Hội đồng trường được nữa.

Tiến sĩ Kim Phụng nhấn mạnh: nếu chấp nhận phương án Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh trở thành chủ tịch hội đồng trường của một trường đại học địa phương thì cơ quan quản lý trực tiếp phải chuyển người đó về trường đại học, và cử một người khác là người của cơ quan quản lý trực tiếp tham gia Hội đồng trường với tư cách thành viên bên ngoài trường.

Để có thêm thông tin khách quan, phóng viên đã liên hệ với ông Nguyễn Khắc Thận – Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình. Tuy nhiên, chúng tôi chưa nhận được câu trả lời.

Theo tìm hiểu của phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, tại Quyết định 162/QĐ-UBND về việc phân công công việc của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và các Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, nhiệm kỳ 2021-2026 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình nêu, đồng chí Trần Thị Bích Hằng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh được phân công công việc như sau:

"a) Giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh theo dõi, chỉ đạo các lĩnh vực công tác.

- Giáo dục và đào tạo.

- Y tế (bao gồm cả mua sắm máy móc, trang thiết bị thuốc, hóa chất vật tư y tế).

- Lao động thương binh và xã hội.

- Văn hóa thể thao và du lịch.

- Thông tin và truyền thông; Chính phủ điện tử; đô thị thông minh.

- Báo chí, phát thanh - truyền hình.

- Khoa học và công nghệ.

- Thực hiện nhiệm vụ đối với các công trình, dự án đầu tư theo lĩnh vực được phân công phụ trách (trừ các dự án thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, các dự án do Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh làm chủ đầu tư và việc thu hồi đất, giao đất cho các công trình, dự án); phê duyệt, chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng và các thủ tục về đầu tư của công trình, dự án.

- Giải quyết đơn thư, khiếu nại tố cáo, kết luận thanh tra, làm người đại diện của Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tham gia tố tụng hành chính thuộc lĩnh vực được phân công phụ trách.

b) Giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh theo dõi, chỉ đạo: Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế, Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Khoa học và Công nghệ, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Trường Đại học Thái Bình và các trường cao đẳng thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; các huyện: Đông Hưng, Hưng Hà.

- Chỉ đạo những vấn đề thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đối với: Báo Thái Bình, Hội Nhà báo tỉnh, Trường Chính trị tỉnh, Bảo hiểm xã hội tỉnh, Bưu điện tỉnh, các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh và các tổ chức xã hội- nghề nghiệp thuộc lĩnh vực phụ trách.

- Thực hiện mối quan hệ công tác với các trường đại học, cao đẳng, trung cấp của Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh.

c) Làm Chủ tịch các Hội đồng, Trưởng các Ban Chỉ đạo đồng thời chỉ đạo thực hiện các kết luận sau thanh tra thuộc lĩnh vực được phân công.

d) Thực hiện các nhiệm vụ khác theo sự phân công, ủy nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh".[2]

Điểm c và d, Khoản 4, Điều 16, Luật 34/2018/QH14 nêu rõ: c) Chủ tịch hội đồng trường có trách nhiệm và quyền hạn chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn của hội đồng trường; chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động hằng năm; chỉ đạo tổ chức và chủ trì các cuộc họp của hội đồng trường; ký văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của hội đồng trường; sử dụng bộ máy tổ chức và con dấu của trường đại học để hoạt động trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của hội đồng trường; thực hiện nhiệm vụ của thành viên hội đồng trường, nhiệm vụ và quyền hạn khác theo quy định của pháp luật, quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học;

d) Chịu trách nhiệm về việc thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn của mình.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://tbu.edu.vn/hoi-dong-truong.html

[2] https://lawnet.vn/vb/Quyet-dinh-162-QD-UBND-2023-phan-cong-cong-viec-Chu-tich-Uy-ban-Thai-Binh

Linh Trang

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/pho-chu-tich-tinh-thai-binh-kiem-chu-tich-hdt-co-di-nguoc-voi-luat-gd-dai-hoc-post236843.gd