Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan: TP.HCM xây trường học, bệnh viện nhưng không có biên chế
Theo Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan, TP.HCM xây dựng trường học, bệnh viện để đáp ứng nhu cầu người dân nhưng không biết đưa biên chế ở đâu về làm.
Chiều 6-3, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM đã giám sát UBND TP việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập (SNCL) giai đoạn 2018 - 2023 trên địa bàn TP.
Thiếu biên chế nhưng phải tinh giản
Tại buổi giám sát, ĐBQH Trần Anh Tuấn cho rằng các đơn vị SNCL, đặc biệt là ngành y tế và giáo dục đang gặp áp lực lớn trong việc tinh giản biên chế. Theo ông, trên thực tế, hai ngành này đang cần đội ngũ nhân lực cả số lượng và chất lượng.
“TP.HCM cần có những kiến nghị mạnh hơn để giải quyết vấn đề này, nếu chúng ta vừa thiếu biên chế lại vừa thực hiện tinh giản biên chế thì mâu thuẫn, không thực hiện được những nhiệm vụ đặt ra với TP” - ông Tuấn nêu ý kiến.
Còn ĐB HĐND TP.HCM Lê Minh Đức, Phó Trưởng ban Ban Pháp chế, cho rằng TP đang lúng túng trong việc phát huy hết những cơ sở vật chất, tài sản công sẵn có của đơn vị SNCL.
“Quy định pháp luật về khai thác tài sản công để liên doanh, liên kết rất chặt chẽ, phải đi qua nhiều khâu, nhiều bước, mất nhiều thời gian. Bởi vậy mà một số đơn vị SNCL rất ngán” - ông Đức nói và đề nghị TP có hướng dẫn cụ thể hơn cho các đơn vị SNCL sử dụng liên doanh, liên kết tài sản công hiệu quả.
“Việc này phải làm công khai, minh bạch nhằm tránh thất thoát tài sản nhà nước” – ông nói thêm.
Ông cũng đề nghị giao cho quận, huyện quản lý những tài sản công không quá lớn, giúp các địa phương chủ động quản lý, tránh bị lãng phí.
Giảm 10% đơn vị sự nghiệp công là cứng nhắc
Trao đổi lại với các ĐB, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan nhìn nhận đã đến lúc thay đổi về mặt tư duy đối với sắp xếp các đơn vị SNCL, không phải sắp xếp thuần túy 3, 5 hay 10% mà cần căn cứ tính chất, quy mô, mức độ, điều kiện, hoàn cảnh của địa phương.
Đặc biệt nếu quyết tâm sắp xếp đúng định hướng Nghị quyết 19/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng thì nên dựa vào mức độ tự chủ.
“Suy cho cùng, sắp xếp, tổ chức bộ máy là giảm chi ngân sách thì nên căn cứ vào mức độ tự chủ để quyết định”– ông Hoan nói và cho rằng mức độ tự chủ của các đơn vị tăng sẽ tốt hơn việc loay hoay sáp nhập, giảm biên chế, đầu mối…
Theo ông Hoan, chủ trương tinh giản đơn vị SNCL nhưng năm nào TP.HCM cũng phải xây dựng trường học; bởi cứ năm năm, TP tăng thêm một triệu dân, người dân đến thì TP phải lo phục vụ trường học, y tế…
Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan đề nghị Trung ương xem lại chỉ tiêu tinh giản 10% đơn vị SNCL bởi con số này là cứng nhắc với TP.HCM. Ông cho rằng nên dựa vào yêu cầu quy mô, đẩy mạnh tự chủ toàn phần và một phần là thường xuyên sẽ tốt hơn, để ngân sách giảm chi nhưng cũng đáp ứng nhu cầu của người dân. Thay vào đó nếu chuyển đơn vị SNCL sang công ty cổ phần, tức tư nhân hóa sẽ có nhiều khó khăn, chưa chắc chi phí tốt hơn.
Về biên chế, ông Võ Văn Hoan khẳng định phải giao biên chế cho TP.HCM theo dân số chứ không thể giao theo tính chất phân khu, nhóm tỉnh thành. Như hiện nay TP.HCM có gần 100.000 viên chức, trong đó viên chức y tế, giáo dục chiếm phần lớn.
“Bây giờ mở trường ra, không biết đưa biên chế ở đâu về làm cán bộ quản lý, giáo viên. Mở bệnh viện cũng thế. Cứ khống chế biên chế nhưng bệnh viện lại cần biên chế” – ông Hoan nói và cho biết ngay cả trường học cần viên chức phụ trách y tế, tài chính nhưng quy định lại không cho phép.
Ở góc độ khác, Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan cho rằng cần đổi xử công bằng giữa công chức và viên chức. Cần quan tâm đào tạo bồi dưỡng chính trị, kiến thức quản lý nhà nước cho viên chức, bởi nhiều trường hợp điều chuyển viên chức thành công chức sẽ không có đủ bằng cấp, trình độ.
“Phải xóa đi khoảng cách giữa công chức và viên chức… đối xử công bằng với viên chức ở các đơn vị SNCL, giúp cho đơn vị SNCL tiến bộ hơn” – ông Hoan nói và cho rằng việc này phải được thể chế hóa bằng luật, quy định của Trung ương.
Theo Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan, chúng ta đặt ra nhiệm vụ cho đơn vị SNCL bằng mọi cách phải tự chủ, tự lo tiền, nhiều thứ trong khi số lượng biên chế, đầu mối ngày càng giảm. Có lúc đơn vị SNCL “làm ăn được”, có lúc khó khăn. Do đó, cơ quan nhà nước cần có trách nhiệm hỗ trợ khi các đơn vị gặp vướng mắc khó khăn.
Ông dẫn chứng việc Thảo Cầm Viên là đơn vị SNCL tự chủ toàn phần đã gặp khó khăn trong thời gian có dịch COVID-19, không có tiền để mua thực phẩm cho thú ăn, kể cả tiền lương cho nhân viên cũng thiếu hụt. “Sau này HĐND TP có cơ chế nhưng đã quá muộn màng” – ông Hoan nói.
Đến cuối năm 2023, TP.HCM có tổng 1.781 đơn vị sự nghiệp công lập (chưa tính các đơn vị do khối đảng, đoàn thể quản lý). Trong đó, 33 đơn vị thuộc UBND TP.HCM, 316 đơn vị thuộc khối sở - ngành, 1.432 đơn vị thuộc khối quận, huyện, TP Thủ Đức.
Trong năm 2023, TP.HCM tăng ba đơn vị sự nghiệp thuộc TP Thủ Đức.
Theo chỉ tiêu quy định tại Nghị quyết 19/2017, đến năm 2021 TP.HCM giảm tối thiểu 10% đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2015; có 10% đơn vị tự chủ tài chính so với giai đoạn 2011 - 2015.