Phó CTQH: 'Nếu không chỉ rõ khuyết điểm thì các giải pháp là hô khẩu hiệu'
Báo cáo về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cần nêu rõ tồn tại, hạn chế, phân tích nguyên nhân. Nếu không, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, những giải pháp nêu ra chỉ là hô khẩu hiệu.
Tiếp tục chương trình Phiên họp 44, sáng 24/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét Báo cáo của Chính phủ về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024.
Góp ý vào báo cáo, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng phần ưu điểm được nêu rất rõ nhưng phần hạn chế, khuyết điểm còn thể hiện sơ sài, do đó cần bổ sung để từ đó hiểu rõ nguyên nhân.
Nhắc lại năm 2022, Quốc hội đã tiến hành giám sát tối cao về nội dung này và chỉ ra rất nhiều vấn đề, ông Trần Quang Phương đặt vấn đề năm 2023, 2024 đã khắc phục khắc phục như thế nào?
“Nếu chúng ta không chỉ rõ khuyết điểm thì các giải pháp phía sau là hô khẩu hiệu, vì có thấy hạn chế, khuyết điểm gì đâu”, ông Trần Quang Phương nói.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính với vai trò cơ quan giúp việc cho Chính phủ phải rà soát công việc trên 7 lĩnh vực trọng tâm của thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; phải chỉ rõ các hạn chế, tồn tại, từ đó phân tích các nguyên nhân khách quan, chủ quan, vướng điểm nào trong luật hay do khâu tổ chức thực hiện chưa tốt.
Ông cũng chỉ rõ việc sắp xếp, xử lý cơ sở nhà, đất còn chậm; xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai chưa đạt tiến độ, lãng phí vi phạm trong quản lý sử dụng tài nguyên đất, nhất là các dự án chậm đưa vào sử dụng đất các nông lâm trường dù đã được thanh kiểm tra nhưng hiện nay còn tồn rất lớn. Đây là vấn đề cần đưa ra các giải pháp cho rõ để đưa ra báo cáo Quốc hội.
Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng đề nghị làm rõ những tồn tại hạn chế trong bối cảnh thực hành tiết kiệm được gắn với chống lãng phí đang được Đảng, Nhà nước quan tâm, chỉ đạo.
Ông Nguyễn Khắc Định cho biết, vừa qua Ban Chỉ đạo trung ương về PCTN, lãng phí, tiêu cực đã yêu cầu các cơ quan có báo cáo rà soát pháp luật, các dự án, công trình và có chỉ đạo cụ thể, do đó báo cáo cần cập nhật.
Dẫn ví dụ một số dự án có dấu hiệu lãng phí như hai Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức cơ sở 2, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát lại tất cả các dự án chậm triển khai để tháo gỡ, đây vừa là thực hành tiết kiệm vừa là chống lãng phí. Trong đó, phải tháo gỡ dự án đã có, dự án đang triển khai dở dang nhưng bị vướng để đưa vào sử dụng, khơi thông nguồn lực.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định
“Các dự án đăng ký đất để đó nhưng trong bao nhiêu năm mà không làm thì thu hồi. Đặc biệt rà soát các tài sản công sử dụng không hiệu quả, ở các địa phương có rất nhiều. Xem cái nào sử dụng không hiệu quả thì cho đấu giá, đấu thầu lấy tiền làm trường học, bệnh viện, các công trình công cộng...”, ông Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, đồng thời lưu ý chống thất thoát, lãng phí tài sản khi sắp xếp tổ chức bộ máy.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho rằng vẫn còn tình trạng văn bản pháp luật chưa đồng bộ, một số quy định pháp lý chưa hoàn thiện đầy đủ, gây khó khăn trong thực thi và áp dụng vào thực tế.
Mặc dù có sự tăng trưởng trong đầu tư công nhưng một số dự án chưa được triển khai đúng tiến độ, ảnh hưởng hiệu quả đầu tư. Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm nhưng kết quả đạt được vẫn thấp ở một số vùng. Tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công vẫn còn tồn tại ở một số bộ, ngành, địa phương…