Phố đi bộ, ai đi?

Thực tế cho thấy, không phải phố đi bộ nào cũng hấp dẫn người dân, du khách được như phố đi bộ Hồ Gươm.

Dự kiến trong năm 2023 - 2024, Hà Nội sẽ có thêm 3 tuyến phố đi bộ, trong đó 2 phố đi bộ thuộc địa bàn quận Đống Đa.

Cụ thể, trong năm nay, quận Đống Đa sẽ lập đề án thực hiện tuyến phố ẩm thực Nguyễn Văn Tuyết; xây dựng không gian văn hóa, phố đi bộ Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Đến năm 2024, quận Đống Đa mở tuyến phố đi bộ Hoàng Cầu - Hào Nam, kết hợp không gian đi bộ hồ Hoàng Cầu, ga Cát Linh - Hà Đông.

Phố đi bộ Trịnh Công Sơn - phố đi bộ ven hồ Tây trên địa bàn quận Tây Hồ tạm dừng lần hai để tu bổ, sửa chữa cho lần mở cửa tiếp theo dự kiến vào tháng 5/2023

Phố đi bộ Trịnh Công Sơn - phố đi bộ ven hồ Tây trên địa bàn quận Tây Hồ tạm dừng lần hai để tu bổ, sửa chữa cho lần mở cửa tiếp theo dự kiến vào tháng 5/2023

Tại quận Ba Đình, sau khi khai trương phố ẩm thực đi bộ Đảo Ngọc - Ngũ Xã, dự kiến trong quý IV/2023 sẽ khai trương phố đi bộ hồ Ngọc Khánh (phường Ngọc Khánh).

Tính đến thời điểm hiện tại, Hà Nội có 5 không gian đi bộ đang hoạt động bao gồm các tuyến phố quanh Hồ Gươm, khu phố cổ Hà Nội; phố Trịnh Công Sơn; thành cổ Sơn Tây; khu phố ẩm thực đêm kết hợp đi bộ Ngũ Xã; phố đi bộ Trần Nhân Tông và phụ cận.

Có thể nói, với các thành phố du lịch, nhất là với Hà Nội - trái tim của cả nước, việc có nhiều không gian đi bộ cũng đồng nghĩa với việc người dân, du khách có thêm nhiều điểm đến thú vị để vui chơi, giải trí, khám phá và trải nghiệm.

Theo thống kê, trung bình mỗi ngày khu phố đi bộ Hồ Gươm đón khoảng 20.000 lượt du khách, khoảng 600 cơ sở kinh doanh đã chuyển sang hoạt động dịch vụ du lịch. Đây cũng là nơi tổ chức hàng trăm sự kiện quy mô lớn, nhiều hoạt động trải nghiệm văn hóa, dịch vụ mới mẻ.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, không phải phố đi bộ nào cũng hấp dẫn người dân, du khách được như phố đi bộ Hồ Gươm. Đương nhiên so sánh là khập khiễng, khi Hồ Gươm có những lợi thế đặc biệt không nơi nào có được.

Nhưng cũng chính vì vậy mà vấn đề đặt ra với các tuyến phố đi bộ đã và sắp hoạt động khác là: Đó có thực sự là không gian văn hóa, tạo được nét khác biệt mà không phải là trào lưu?

Chẳng hạn như với tuyến Hoàng Cầu - Hào Nam mà quận Đống Đa đang dự kiến tổ chức phố đi bộ, nhiều người không khỏi băn khoăn: Tuyến này có gì đặc biệt? Trong khi giao thông quanh khu vực này đã phức tạp rồi, liệu việc tổ chức phố đi bộ có làm tình hình rối hơn không?

Trong số 5 không gian đi bộ hiện có của Hà Nội, các tuyến thuộc quận Hoàn Kiếm có lợi thế vị trí trung tâm và hình thành từ lâu nên thu hút đông người dân và du khách. Tuyến phố quanh thành cổ Sơn Tây cũng được đánh giá thành công, còn phố Trần Nhân Tông mới mở hơn ba tháng, lượng khách còn hạn chế.

Riêng phố Trịnh Công Sơn hoạt động từ năm 2018, đang phải tạm dừng lần hai do vắng khách.

Có thể nói, việc mở thêm các không gian đi bộ, thêm không gian thư giãn cho người dân, thu hút khách du lịch là việc nên làm.

Tuy nhiên, cần có những nghiên cứu rất kỹ càng, đánh giá tác động cụ thể về nhiều mặt, nhất là giao thông. Việc định vị giá trị và các hoạt động đặc trưng, khác biệt là gì cũng cần được xem xét thấu đáo.

Bởi nếu không, việc mở phố đi bộ cũng sẽ chẳng khác gì mở rộng một không gian đơn thuần để người dân tập thể dục hay chụp ảnh check-in, trong khi lại gây ảnh hưởng tới nhiều lĩnh vực khác.

Ths. Trần Thị Thương Huyền

.

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/pho-di-bo-ai-di-d588894.html