Phổ điểm Ngữ văn Tốt nghiệp: Điểm trung bình thấp hơn năm ngoái, không có bài thi điểm 10
Chiều 15/7, Bộ GD&ĐT công bố phổ điểm các môn trong Kỳ thi Tốt nghiệp THPT 2025. Mức điểm trung bình của môn Ngữ văn năm 2025 là 7,0 điểm, thấp hơn so với năm ngoái.
Dưới đây là phổ điểm môn Ngữ văn 2025:

Điểm trung bình của hơn 1 triệu thí sinh dự thi Ngữ văn năm nay là 7,0 điểm, thấp hơn năm ngoái 0,23 điểm.
Đặc biệt, môn Ngữ văn năm nay toàn quốc không có thí sinh đạt điểm 10. Ở chiều ngược lại có 7 bài thi điểm 0 và 87 bài thi dưới 1 điểm.

Bộ GD&ĐT phân tích các chỉ số điểm thi năm 2024 và năm nay.
Năm 2024, môn Ngữ văn có hơn 1 triệu thí sinh dự thi, trong đó điểm trung bình môn là 7,23 điểm, cao hơn năm 2023 là 0,37 điểm. Toàn quốc năm ngoái có 2 thí sinh đạt điểm 10 bài thi Ngữ văn. Mức điểm có nhiều học sinh đạt nhất là 8,0 điểm. Bên cạnh đó, có hơn 53.000 em đạt mức điểm dưới trung bình và 68 em bị điểm liệt và có 29 em điểm 0.
Năm 2025 là năm đầu tiên thi cử theo chương trình GDPT 2018. Đối với môn Ngữ văn là một bước ngoặt đặc biệt khi đề thi được sử dụng ngữ liệu hoàn toàn ngoài sách giáo khoa nhằm đánh giá năng lực đọc hiểu, năng lực tư duy, sáng tạo của thí sinh.
Kỳ thi diễn ra từ ngày 26-27/6 với gần 1,17 triệu thí sinh dự thi. Đề thi chính thức môn Ngữ văn được giáo viên bộ môn, học sinh nhận xét là bám sát cấu trúc đề thi tham khảo do Bộ GD&ĐT công bố trước đó. Nội dung các câu hỏi phần Đọc hiểu và phần Viết trong đề đều thuộc phạm vi kiến thức và kĩ năng theo “Yêu cầu cần đạt” của môn Ngữ văn - Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Thí sinh dự Kỳ thi Tốt nghiệp THPT 2025. (Ảnh: Như Ý).
Đề gồm 2 phần Đọc hiểu (4 điểm) và phần Viết (6 điểm).
Trong đó, phần I Đọc hiểu gồm 5 câu hỏi phân loại theo các mức độ nhận thức.
Hai câu hỏi số 1 và 2 đều thuộc mức độ nhận biết, trong đó câu 1 yêu cầu nhận biết về ngôi kể trong văn bản, một kiến thức về thể loại truyện kể đã rất quen thuộc với học sinh; câu 2 yêu cầu nhận biết về 2 dòng sông của quê hương Lê và Sơn, một chi tiết đã hiện hữu trong nội dung văn bản. Đây là hai câu hỏi giúp những thí sinh có lực học trung bình cũng có thể đạt điểm tốt.
Khả năng phân loại chủ yếu xuất hiện trong các câu hỏi 3, 4, 5 ở các mức độ thông hiểu và vận dụng khi yêu cầu thí sinh có sự sâu sắc của tư duy và trải nghiệm.
Câu hỏi số 5 ở mức độ vận dụng, yêu cầu học sinh vận dụng vốn văn học, vốn hiểu biết về cuộc sống, xã hội… để không chỉ lựa chọn hướng trả lời, cách tư duy và lập luận logic, xác đáng mà còn thể hiện tư duy và bản lĩnh độc lập, tự chủ khi phân tích được sự tương đồng về ý nghĩa trong 2 chi tiết của 2 văn bản, thấy được sự gắn bó thiêng liêng của mỗi con người với những vùng đất, vùng trời của quê hương đất nước.
Các câu hỏi đọc hiểu được đánh giá vừa sức với học sinh khi kiểm tra những kiến thức, kĩ năng thuộc “Yêu cầu cần đạt” của môn Ngữ văn 2018 trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đảm bảo đúng các mức độ nhận thức, có ý nghĩa thực tế với cách sống của các em về sau.
Phần II: Câu 1 (2,0 điểm) là câu nghị luận văn học đưa ra yêu cầu cụ thể để thí sinh có thể viết một đoạn văn với dung lượng khoảng 200 chữ về một khía cạnh của vấn đề rút ra từ đoạn trích của phần đọc hiểu, đó là yêu cầu “Viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) phân tích tình cảm của Lê dành cho Sơn trong văn bản ở phần Đọc hiểu”.
Câu 2 (4,0 điểm): Câu viết bài văn nghị luận xã hội yêu cầu thí sinh vận dụng kết quả đọc hiểu ngữ liệu và những hiểu biết về bối cảnh đất nước, viết bài nghị luận về chủ đề: vùng trời quê hương nào cũng là bầu trời Tổ quốc.