Phổ điểm Tiếng Anh bất thường, không phải tín hiệu đáng mừng

Cô Bùi Nguyễn Hương Giang nhận định phổ điểm Tiếng Anh có hình dạng 'bất thường' do đề có 80% câu hỏi ở mức nhận biết, thông hiểu, không phân hóa được học sinh khá, giỏi.

Ngay sau kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 1, cô Bùi Nguyễn Hương Giang, giáo viên trường THPT chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội, đã dự đoán sẽ có mưa điểm 10 ở môn Tiếng Anh. Vì thế, con số 4.345 bài thi đạt điểm tuyệt đối không làm cô ngạc nhiên.

Tuy nhiên, phổ điểm có 2 đỉnh lại là điều cô Giang không đoán trước được. Theo cô Giang, đây là phổ điểm chưa từng có tiền lệ. Nhiều năm qua, phổ điểm môn Tiếng Anh luôn lệch trái. Nhưng năm nay, phổ điểm lại có hình dạng bất thường với 2 đỉnh. Đỉnh thứ nhất ở mức 4 điểm với 29.505 bài thi, chiếm 3,4%. Đỉnh thứ hai ở mức 9 điểm với 24.471 bài thi, chiếm 2,82%.

Phổ điểm Tiếng Anh năm nay có 2 đỉnh (ở mức điểm 4 và 9). Ảnh: N.S.

Phổ điểm Tiếng Anh năm nay có 2 đỉnh (ở mức điểm 4 và 9). Ảnh: N.S.

Đề thi dễ, thiếu sự phân hóa

“Phổ điểm có hình dạng ‘bất thường’ bắt nguồn từ độ khó của đề thi năm nay. Dù phổ điểm thay đổi, điểm trung bình tăng, tôi vẫn nghĩ rằng đây không hẳn là tín hiệu đáng mừng”, cô Bùi Nguyễn Hương Giang nhận định.

Cô phân tích đề thi môn Tiếng Anh đợt 1 có khoảng 80% câu hỏi ở mức độ nhận biết, thông hiểu, thậm chí, nhiều câu kiến thức dành cho học sinh các khối thấp hơn THPT. Với đề thi như vậy, cô Giang lo ngại sẽ rất khó để phản ánh thực lực thí sinh. Những thí sinh khá, giỏi, đặt nhiều công sức vào môn thi sẽ gặp bất lợi. Học sinh trung bình có thể dễ dàng đạt điểm 8.

Điểm của học sinh khá, giỏi sẽ phân bố trong khoảng từ 8-10. Tuy nhiên, khoảng chênh lệch giữa học sinh khá - giỏi không rõ ràng vì đề thi không có nhiều câu hỏi phân loại. Học sinh khá khoanh bừa một vài câu cũng có khả năng bằng điểm học sinh giỏi.

Về việc số lượng điểm 10 tăng vọt so với các năm trước, cô Hương Giang đánh giá đây là tín hiệu cho thấy trình độ và sự đầu tư của học sinh ở môn học này được cải thiện. Mặt khác, nó cũng cho thấy độ khó của đề thi không cao, khó phân hóa học sinh giỏi.

Cùng quan điểm, cô Nguyễn Phương Nhung, giáo viên trường THPT chuyên Quang Trung, Bình Phước, cho biết lúc thấy đề Tiếng Anh, cô rất lo lắng vì đề quá dễ so với năm 2020. Đề không phân hóa nhiều, chỉ có 1-2 câu khó. Học sinh giỏi hay học sinh khá đều có khả năng đạt mức điểm như nhau.

Bên cạnh đó, đề thi chính thức bám sát đề minh họa, thậm chí dễ hơn đề minh họa. Học sinh không bỡ ngỡ với đề thi. Các câu hỏi về phần phát âm rất dễ, 3 bài đọc rất ngắn so với đề minh họa.

Thông thường, khi có đề minh họa, giáo viên bám sát để dạy, thậm chí phân tích được đề năm nay sẽ như thế nào dẫn đến học sinh không hiểu bản chất, làm bài bằng mẹo. Việc học nặng thi cử khiến điểm thi không phản ánh đúng thực chất.

“Số lượng điểm 10 lớn, điểm trung bình tăng không cho thấy chất lượng học sinh tăng. Điểm cao đột biến do đề dễ chứ không phải học sinh giỏi lên”, cô Phương Nhung nhấn mạnh.

Tương tự, ông Phạm Thái Sơn, Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, cho rằng đề thi tốt nghiệp THPT môn Tiếng Anh có nhiều câu quá dễ, phần lớn học sinh làm được. Số lượng câu dễ cũng chiếm số lượng lớn trong khi ít câu hỏi khó.

 Đề thi Tiếng Anh năm nay được đánh giá dễ, không có tính phân hóa. Ảnh minh họa: Phạm Ngôn.

Đề thi Tiếng Anh năm nay được đánh giá dễ, không có tính phân hóa. Ảnh minh họa: Phạm Ngôn.

Chênh lệch trình độ Tiếng Anh giữa các vùng miền

Dù đánh giá đề thi có tính phân hóa chưa tốt, ông Sơn, cô Hương Giang cùng nhận định phổ điểm hai đỉnh cho thấy sự phân hóa trong thí sinh dự thi môn Tiếng Anh.

Theo ông Phạm Thái Sơn, việc số lượng lớn thí sinh tập trung ở mức điểm thấp (3,4-4,4) và mức điểm cao (8,4-9,4) cho thấy trình độ Tiếng Anh của các em không đều nhau.

Những em có điểm cao thường học tại trường có lớp Tiếng Anh tăng cường. Ông cho rằng số học sinh này chiếm tỷ lệ lớn.

Từ phổ điểm Tiếng Anh năm 2021, ông Sơn phân chia thí sinh thành hai phần - những em làm được với mức trung bình và những em học lớp tăng cường Tiếng Anh.

Như vậy, đề phân hóa thành hai đỉnh dựa trên hai nhóm thí sinh này. Đỉnh 1 là các em điểm thấp vì các em học lớp bình thường, không tăng cường Tiếng Anh. Đỉnh 2 là các em học lớp tăng cường Tiếng Anh. Những em này có điểm số cao hơn rất nhiều, một phần do như đã nói ở trên, đề dễ, việc đạt từ 7 điểm trở lên không khó.

Trong khi đó, cô Nguyễn Phương Nhung cho rằng phổ điểm chia thí sinh thành hai cực rõ ràng - những em thi Tiếng Anh để xét đại học và những em không dùng kết quả Tiếng Anh để xét tuyển. Như vậy, nếu cần xét tuyển, thí sinh tập trung học môn này nghiêm túc trong khi những em khác chỉ cần điểm tránh liệt.

Ngoài ra, cô Phương Nhung nhận định phổ điểm Tiếng Anh còn cho thấy sự phân hóa trình độ theo vùng miền. Xét cụ thể tại Bình Phước, học sinh ở huyện lớn hoặc thành phố được đầu tư học Tiếng Anh từ nhỏ nên điểm cao. Ngược lại, những em mất gốc Tiếng Anh bỏ luôn môn này để tập trung học các môn cần cho xét tuyển. Lên đại học, các em mới học lại Tiếng Anh.

“Từ trước tới nay, chất lượng giảng dạy Tiếng Anh, đặc biệt ở tỉnh miền núi, có nhiều quan ngại. Trình độ giáo viên chưa đều. Hơn nữa, việc dạy để thi và học để sử dụng ngôn ngữ là hai khái niệm, tư tưởng đối lập nhau. Tôi thấy giáo viên vẫn áp lực thành tích nhiều nên điểm ảo, chưa phản ánh đúng năng lực của học sinh”, cô Phương Nhung nêu quan điểm.

Không thuận lợi cho việc tuyển sinh

Với tình hình điểm thi Tiếng Anh năm nay, cô Nguyễn Phương Nhung cho rằng việc xét tuyển theo tổ hợp có môn này sẽ khó khăn. Đề thi phân hóa tốt, thuận lợi cho xét tuyển đại học phải giảm dần số lượng bài thi đạt điểm cao.

Cô nói thêm nếu dựa vào Tiếng Anh, các trường có thể lựa chọn chắc chắn sẽ rất khó cho tuyển sinh. Nếu tuyển sinh căn cứ vào Tiếng Anh, các trường có thể chọn phương án khác như xét chứng chỉ ngoại ngữ. Theo cô, chứng chỉ này đánh giá đúng năng lực sử dụng ngôn ngữ hơn.

Trong khi đó, cô Bùi Nguyễn Hương Giang cho rằng đề thi, phổ điểm như năm nay khiến cánh cửa thi khối D của các thí sinh trở nên khó khăn hơn, đặc biệt với học sinh khá, giỏi.

Một trong những yếu tố dẫn đến vấn đề này là việc nhiều trường áp dụng xét tuyển học bạ hoặc xét tuyển kết hợp với chứng chỉ tiếng Anh. Chỉ tiêu tuyển sinh bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT giảm. Điểm thi phân hóa không rõ ràng cũng gây khó khăn cho các sĩ tử khối D, thậm chí khối A1.

Cô Giang dự đoán điểm chuẩn sẽ tăng khoảng 1,5 với khối D và từ 0,5-1 với khối A1. Ngoài ra, tỷ lệ thí sinh được nhận vào trường tốp trên sẽ giảm nhiều so với các năm trước.

Theo ông Phạm Thái Sơn, để phục vụ công tác xét tuyển, các trường đại học mong muốn phổ điểm có hình chuông, đỉnh ở mức 5,5 điểm, điểm trung bình ở khoảng 5-6 điểm và có hình chóp giảm dần đều.

Do đó, phổ điểm Tiếng Anh bất thường như năm nay khiến các trường khó xác định điểm chuẩn. Theo ông, các trường sẽ phải thêm điều kiện phụ như nhân hệ số, điểm môn Toán cao hơn... để tuyển sinh.

“Với điểm thi tốt nghiệp THPT như thế này, tôi nghĩ điểm chuẩn sẽ tăng lên với những trường tốp trên, từ 24 điểm trở lên mới trúng tuyển những trường này. Còn những trường tốp giữa, điểm chuẩn sẽ ở mức 20-22 điểm”, ông Sơn nhận định.

Nguyễn Sương - Minh Thúy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/pho-diem-tieng-anh-bat-thuong-khong-phai-tin-hieu-dang-mung-post1243374.html