Phó giám đốc Y tế vùng England nhấn mạnh tầm quan trọng của chiến lược tập trung vào tiêm chủng của Việt Nam

Vùng England, Vương quốc Anh, mới đây đã dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp hạn chế phòng dịch COVID-19 theo Kế hoạch B của Chính phủ, mặc dù số ca mắc COVID-19 vẫn ở mức cao.

GS Van-Tam tại một cuộc họp báo về COVID-19 tại Phố Downing.

GS Van-Tam tại một cuộc họp báo về COVID-19 tại Phố Downing.

Phóng viên TTXVN tại London đã có cuộc trao đổi với Giáo sư Sir Jonathan Van-Tam, Phó giám đốc Y tế vùng England, về quyết định này, cũng như dự báo về diễn biến dịch COVID-19 trong năm 2022 và chiến lược chống dịch của Việt Nam.

Theo Giáo sư Jonathan Van-Tam, vùng England quyết định dỡ bỏ các hạn chế phòng dịch theo Kế hoạch B của Chính phủ (bao gồm quy định đeo khẩu trang, làm việc tại nhà, và yêu cầu “hộ chiếu vaccine” tại các sự kiện lớn) do làn sóng lây nhiễm biến thể Omicron đang giảm khá nhanh sau giai đoạn tăng vọt.

Vị Giáo sư gốc Việt cho biết khi làn sóng Omicron mới bùng phát, các nhà khoa học Anh chưa thể khẳng định mức độ hiệu quả của vaccine đối với biến thể này. Tuy nhiên, Anh hiện đã có bằng chứng rõ rằng vaccine rất hiệu quả trong việc ngăn ngừa các trường hợp mắc bệnh nghiêm trọng, mặc dù không hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa các ca nhiễm COVID-19. Với việc vaccine có thể ngăn ngừa rất hiệu quả các ca bệnh nặng, các bệnh viện sẽ có thể được giảm tải áp lực và kiểm soát cũng như điều trị hiệu quả các trường hợp nhập viện.

Giáo sư Van-Tam nhận định dù số ca nhiễm biến thể Omicron vẫn cao tại Anh nhưng hệ thống Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) không bị đe dọa nghiêm trọng. Với số ca mắc mới bắt đầu giảm, ông dự báo các ca nhập viện cũng sẽ giảm trong thời gian tới.

Lý giải về quyết định dỡ bỏ hoàn toàn các hạn chế, Giáo sư Van-Tam cho hay Chính phủ Anh luôn rõ ràng trong việc theo đuổi chiến lược nhằm bảo vệ hệ thống bệnh viện và NHS ở mức tốt nhất, song không vượt qua giới hạn đó, bởi điều này sẽ gây nhiều thiệt hại về kinh tế và xã hội. Ông cho rằng dỡ bỏ hoàn toàn các hạn chế ở vùng England thực sự là một quyết định khó khăn để đảm bảo sự cân bằng giữa việc bảo vệ hệ thống NHS với giảm thiểu những thiệt hại khác, và quyết định này hoàn toàn đúng.

Giáo sư cho biết cơ sở để Anh dỡ bỏ mọi hạn chế phòng dịch là sự thành công của chương trình tiêm chủng tại nước này. Phần lớn dân số Anh đã tiêm đủ hai mũi vaccine ngừa COVID-19. Hơn 90% số người trên 50 tuổi - nhóm có nguy cơ cao nhất mắc bệnh nặng, phải nhập viện hoặc thậm chí tử vong - hiện đã tiêm mũi tăng cường.

Giáo sư Van-Tam cùng các cầu thủ Câu lạc bộ bóng đá Boston United tại Trung tâm tiêm chủng đại chúng (MVC) ở Boston.

Giáo sư Van-Tam cùng các cầu thủ Câu lạc bộ bóng đá Boston United tại Trung tâm tiêm chủng đại chúng (MVC) ở Boston.

Dự báo về diễn biến dịch trong năm nay, Giáo sư Van-Tam cho rằng cần cẩn trọng khi nhận định Omicron là biến thể nhẹ. Ông nhấn mạnh Omicron chỉ nhẹ hơn biến thể trước đó là Delta khi những người nhiễm biến thể này ít có nguy cơ phải nhập viện hoặc tử vong hơn so với các ca nhiễm Delta.

Theo Giáo sư Van-Tam, Omicron nhẹ hơn, một phần là do bản thân biến thể này nhẹ, một phần là do biến thể này lây lan trong bối cảnh người dân tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ đã được tiêm phòng. Ông nhắc lại dù Omicron bùng phát tại nhiều nước với số ca mắc tăng theo cấp số nhân, nhưng dường như số ca nhiễm biến thể này cũng giảm rất nhanh. Tại Anh, làn sóng Omicron chỉ mới bắt đầu giảm. Giáo sư Van-Tam hy vọng trong vài tuần tới, xu hướng này sẽ tiếp tục được duy trì. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh điều này không có nghĩa là đại dịch đã chấm dứt và không thể đưa ra câu trả lời khi nào thì đại dịch có thể kết thúc.

Giáo sư chỉ ra rằng biến thể Omicron có khả năng thích nghi cao, rất dễ lây từ người sang người và có thể xâm nhập vào tế bào cơ thể người theo hai cách khác nhau- đây là điểm mới so với biến thể Delta. Giáo sư nhận định do khả năng thích nghi cao của Omicron, khó xảy ra, nhưng không có nghĩa là không xảy ra, khả năng một biến thể mới vượt trội hơn Omicron sẽ xuất hiện trong tương lai.

Giáo sư dự báo có thể sẽ có những đợt bùng phát dịch vào mùa Đông, ít nhất trong một vài năm tới. Ông hy vọng rằng sau đó, dịch bệnh sẽ nằm trong tầm kiểm soát, giống như cách bệnh cúm được kiểm soát trên thế giới.

Đánh giá về chiến lược chống dịch COVID-19 của Việt Nam, Giáo sư Van-Tam cho biết, khi dịch COVID-19 mới bắt đầu bùng phát, Việt Nam là một trong những nước có số ca mắc thấp nhất thế giới. Ông cho rằng ban đầu Việt Nam đã rất thành công trong việc kiểm soát dịch, cũng giống như Australia và New Zealand. Chính phủ Việt Nam cũng đã đúng khi thay đổi chiến lược phòng bệnh từ “Zero COVID” sang thích ứng an toàn, bởi giờ đây thế giới đã nhận thức rõ rằng mặc dù có hiệu quả trong việc giảm số ca nhập viện và tử vong, vaccine không thể loại bỏ các ca mắc COVID-19. Điều này có nghĩa là không thể dựa vào vaccine để có một xã hội không có người mắc bệnh, mà chỉ có thể dựa vào vaccine để có một xã hội nơi các ca bệnh nặng, nhập viện và tử vong vì COVID-19 được giữ ở mức rất thấp.

Theo Giáo sư Van-Tam, chiến lược tập trung vào tiêm chủng là hoàn toàn đúng do vaccine vẫn là giải pháp quan trọng trong vài năm tới, đặc biệt là duy trì chương trình tiêm chủng tăng cường, trong đó ưu tiên hơn cả ở nhóm người cao tuổi và nhóm nguy cơ cao. Giáo sư Van-Tam cũng cho rằng Việt Nam cần coi chiến lược tiêm chủng tăng cường là cách để kiểm soát dịch về lâu dài.

Giáo sư Jonathan Van-Tam là một chuyên gia về bệnh cúm. Ông đảm nhận cương vị Phó giám đốc y tế vùng England từ năm 2017. Từ khi dịch COVID-19 bùng phát, Giáo sư Van-Tam trở nên nổi tiếng tại Anh với các cuộc họp báo về tình hình dịch. Với lối nói ẩn dụ sống động, các cuộc họp báo của ông thu hút hàng triệu người xem. Báo Times đã gọi ông là “anh hùng bất ngờ” trong đại dịch. Đầu năm nay, Giáo sư Van-Tam đã được Nữ hoàng Anh phong tước Hiệp sĩ vì những đóng góp trong công tác chống dịch COVID-19 tại Anh. Giáo sư Van-Tam cũng được Đại sứ quán Việt Nam tại Anh vinh danh tại Lễ kỷ niệm Quốc khánh Việt Nam ở London vào tháng 9/2021 vì những đóng góp tư vấn chính sách cho công tác phòng chống dịch COVID-19 của Việt Nam. Mẹ của ông là người Anh trong khi bố là người Pháp gốc Việt.

Minh Hợp-Hải Vân-Đình Thư (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/pho-giam-doc-y-te-vung-england-danh-gia-cao-chien-luoc-phong-dich-cua-viet-nam-20220127105646615.htm