Phó giáo sư Điện - Điện tử với ngã rẽ Y sinh

Là tiến sĩ chuyên ngành Kỹ thuật Điện - Điện tử nhưng PGS.TS Nguyễn Thanh Hải có nhiều đóng góp cho chuyên ngành Y sinh.

PGS.TS Nguyễn Thanh Hải tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật, tháng 11/2023. Ảnh: Mạnh Tùng

PGS.TS Nguyễn Thanh Hải tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật, tháng 11/2023. Ảnh: Mạnh Tùng

Từ chiếc xe lăn điện

PGS.TS Nguyễn Thanh Hải (55 tuổi, quê Quảng Ngãi), hiện là Trưởng phòng Đào tạo không chính quy, Trưởng Bộ môn Điện tử công nghiệp - Y sinh thuộc Khoa Điện - Điện tử, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM.

Ông tốt nghiệp Kỹ sư Kỹ thuật Điện tử, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM và Thạc sĩ chuyên ngành Điện tử Viễn thông tại Trường Đại học Bách khoa TPHCM năm 2001.

Năm 2005, ông làm nghiên cứu sinh tại Đại học Công nghệ Sydney (University of Technology Sydney, Australia) chuyên ngành Kỹ thuật Điện - Điện tử theo diện đề án 322 “Đào tạo cán bộ khoa học, kỹ thuật tại các cơ sở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước” của Chính phủ.

Thầy Hải kể, khi đang học ở Australia, ông được làm việc với Giáo sư Hùng Nguyễn (Đại học Công nghệ Sydney). Vị giáo sư gốc Việt đã gợi ý cho ông về đề tài tiến sĩ về xe lăn điện thông minh dành cho người tàn tật.

Sau nghiên cứu này, thầy Hải nảy ra những ý tưởng về các sản phẩm, dự án hỗ trợ sức khỏe cho con người. Ngã rẽ hướng nghiên cứu Điện tử Y sinh của PGS.TS Nguyễn Thanh Hải bắt đầu từ đó.

PGS TS Nguyễn Thanh Hải tại phòng làm việc. Ảnh: Mạnh Tùng

PGS TS Nguyễn Thanh Hải tại phòng làm việc. Ảnh: Mạnh Tùng

Khi mới tốt nghiệp Kỹ sư, thầy Hải làm việc cho Công ty Xây lắp và Phát triển Bưu điện TPHCM, sau đó về công tác tại Học viện Bưu chính Viễn thông TPHCM với vị trí Trưởng phòng Thí nghiệm Điện tử.

Sau khi tốt nghiệp Tiến sĩ và với định hướng mới, thầy Hải chuyển công tác về Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TPHCM, công tác tại Bộ môn Kỹ thuật Y sinh để có thêm nhiều cơ hội phát triển.

Tại đây, thầy Hải cùng cộng sự trong nhóm nghiên cứu của GS.TS Võ Văn Tới, đã nghiên cứu chế tạo thành công xe lăn điện thông minh. Chiếc xe này rất hữu dụng cho người tàn tật bị liệt hoặc không có tay, chân.

Xe có thể di chuyển tự động hoàn toàn nhờ có một camera nhận diện các vật cản, hình ảnh được truyền về hệ thống máy tính để xử lý và điều khiển xe lăn tự động di chuyển tránh các vật cản, nhưng vẫn đi đúng hướng theo ý định của người sử dụng.

Để điều khiển xe lăn, người sử dụng đội nón có gắn cảm biến và thực hiện các cử động của đầu (nghiêng phải, trái, trước, sau) để điều khiển xe lăn chạy theo hướng mong muốn. Hệ thống máy tính sẽ nhận được các tín hiệu điều khiển từ cảm biến được gắn ở nón để xử lý và ra lệnh cho cơ cấu chấp hành điều khiển các bánh xe di chuyển. Sản phẩm này đã giành huy chương vàng hội chợ Techmart 2012.

Sau này, PGS.TS Nguyễn Thanh Hải và các cộng sự đã phát triển đề tài xe lăn thông minh với nghiên cứu: Phát triển xe lăn thông minh dùng cảm biến gia tốc (11/2012); Phát triển xe lăn thông minh dùng điện não EEG và camera lập thể cho người tàn tật nặng (12/2013).

Nhóm nghiên cứu Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM biểu diễn sản phẩm xe lăn điện điều khiển bằng tín hiệu từ mắt tại Bệnh viện Nhân Dân 115. Ảnh: NVCC

Nhóm nghiên cứu Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM biểu diễn sản phẩm xe lăn điện điều khiển bằng tín hiệu từ mắt tại Bệnh viện Nhân Dân 115. Ảnh: NVCC

Chu toàn trong vai trò quản lý và giảng viên

Với cương vị là Trưởng Bộ môn Điện tử công nghiệp - Y sinh, Khoa Điện - Điện tử, PGS.TS Nguyễn Thanh Hải cho biết, bản thân luôn cố gắng để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Ông tâm huyết trong việc định hướng phát triển cho bộ môn, nâng cao khả năng giảng dạy và nghiên cứu khoa học của bản thân và hợp tác, hỗ trợ đồng nghiệp.

Bộ môn hiện phụ trách có 2 ngành Kỹ thuật Y sinh (theo hướng Điện tử Y sinh) và Công nghệ Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông (hướng Điện tử Công nghiệp). Bộ môn có 16 giảng viên và 14 phòng thí nghiệm.

Bộ môn đã hoàn thành việc đánh giá AUN-QA cho chương trình đào tạo ngành ngành Công nghệ Kỹ thuật Điện tử và Viễn thông năm 2018; đồng thời hoàn thành đánh giá AUN-QA cho ngành Kỹ thuật Y sinh năm 2023.

PGS.TS Nguyễn Thanh Hải (phải) trao đổi với thành viên ban đánh giá AUN chương trình Kỹ thuật Y sinh về thiết bị phòng thí nghiệm y sinh. Ảnh: NVCC

PGS.TS Nguyễn Thanh Hải (phải) trao đổi với thành viên ban đánh giá AUN chương trình Kỹ thuật Y sinh về thiết bị phòng thí nghiệm y sinh. Ảnh: NVCC

Công việc bận rộn khi vừa là Trưởng Bộ môn, vừa tham gia với vai trò thành viên Hội đồng Khoa học và Đào tạo nhà trường, Trưởng ban Thanh tra Nhân dân, Trưởng phòng Đào tạo không chính quy, song PGS.TS Nguyễn Thanh Hải luôn sắp xếp thời gian để hoàn thành tốt vai trò của một giảng viên: giảng dạy và nghiên cứu khoa học.

Hiện, thầy Hải phụ trách giảng 2 môn học chính Kỹ thuật số và Xử lý ảnh. Đồng thời, thầy còn tham gia các nhóm nghiên cứu trọng điểm gồm giảng viên bộ môn và sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh để hoàn thành các đề tài, báo cáo khoa học.

Trong năm học 2022-2023, thầy Hải và đồng nghiệp công bố 11 bài báo quốc tế, trong đó có 7 bài đăng trên tạp chí quốc tế và 4 bài ở các hội nghị khoa học quốc tế.

Ngoài ra, ông còn chủ trì đề tài trọng điểm cấp trường mang tên “Mạng học sâu cho phân loại bệnh lá cây”.

“Niềm vui lớn nhất của tôi là được thấy các học trò tốt nghiệp Kỹ sư, Thạc sĩ, Tiến sĩ thành công trong công việc và có đóng góp cho xã hội. Nhìn lại chặng đường đã qua, tôi vui vì Nhà nước đã cho mình đi học cũng như công sức mình bỏ ra không uổng phí”, PGS.TS Nguyễn Thanh Hải bộc bạch.

Mạnh Tùng

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/pho-giao-su-dien-dien-tu-voi-nga-re-y-sinh-post660796.html