Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Quốc Anh - cán bộ hưu trí phường Đông Hải: Cần đặt văn hóa vào vị trí trụ cột, nền tảng tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội
Sau khi nghiên cứu dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2025 - 2030, tôi nhận thấy báo cáo đã đánh giá tương đối toàn diện về kết quả thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội giai đoạn 2020 - 2025; đồng thời đề ra phương hướng, mục tiêu, giải pháp trọng tâm cho nhiệm kỳ tới.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Quốc Anh
Tuy nhiên, theo tôi, dự thảo báo cáo cần đi sâu hơn vào lĩnh vực văn hóa bởi “văn hóa là nền tảng tinh thần - nguồn lực nội sinh và động lực đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế”. Theo đó, ở phần đánh giá hiện trạng, báo cáo cần làm rõ thực trạng thiếu hụt hệ thống thiết chế văn hóa chuyên biệt như bảo tàng, nhà hát, trung tâm triển lãm xứng tầm với vị thế là địa phương du lịch trọng điểm; đánh giá sâu sắc hơn về hiệu quả tích hợp giữa phát triển văn hóa và du lịch, hiện vẫn còn hạn chế cả về quy hoạch lẫn mô hình khai thác. Đồng thời, cần bổ sung nội dung đánh giá kết quả công tác bảo tồn, phát huy văn hóa các dân tộc thiểu số, nhất là những di sản văn hóa có giá trị quốc gia, quốc tế như: Nghệ thuật múa Chăm, nghề gốm Bàu Trúc, dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp, các lễ hội truyền thống Raglai và Chăm, cùng hệ thống tháp Chăm tiêu biểu như: Tháp Bà Pô Nagar, Tháp Pô Klong Garai, Tháp Pô Rômê, Tháp Hòa Lai…
Về chỉ tiêu phát triển văn hóa - xã hội, tôi đề nghị bổ sung một số chỉ tiêu cụ thể nhằm lượng hóa rõ hơn mức độ quan tâm đến lĩnh vực văn hóa trong nhiệm kỳ mới: 100% di sản văn hóa cấp quốc gia và thế giới trên địa bàn được bảo tồn, phát huy hiệu quả; mỗi dân tộc thiểu số có ít nhất một thiết chế văn hóa truyền thống được phục hồi, duy trì hoạt động hiệu quả (ví dụ nhà sàn Raglai, nhà truyền thống Chăm); đến năm 2030, ít nhất 80% di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia được bảo vệ và khai thác gắn với phát triển du lịch bền vững; tỷ lệ cán bộ văn hóa là người dân tộc thiểu số tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt từ 50% trở lên.
Về nhiệm vụ giải pháp, tôi đề nghị cần đưa vào dự thảo những định hướng như: Xây dựng Đề án tổng thể về bảo tồn và phát huy văn hóa Chăm và Raglai gắn với phát triển du lịch cộng đồng; xây dựng Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa Chăm (trên cơ sở kế thừa Trung tâm Nghiên cứu văn hóa Chăm trước đây tại Phan Rang); thành lập Trung tâm Bảo tồn văn hóa Raglai (đặt tại xã Bác Ái Đông - nơi còn giữ được nhiều giá trị nguyên bản của văn hóa Raglai).
Về bổ sung đột phá chiến lược, tôi đề xuất bổ sung đột phá chiến lược thứ tư vào báo cáo: “Phát triển văn hóa làm nền tảng tinh thần và động lực cho tăng trưởng nhanh, bền vững”. Việc đặt văn hóa vào đúng vị trí “trụ cột” không chỉ góp phần xây dựng bản sắc tỉnh Khánh Hòa mới sau sáp nhập, mà còn là điều kiện then chốt để phát triển du lịch chất lượng cao, tạo nên sự khác biệt và chiều sâu cho mô hình tăng trưởng bền vững.