Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: Bình Dương là một mắt khâu quan trọng trong chuỗi liên kết - kết nối lưu thông

- Ông đánh giá như thế nào về vai trò và vị trí của Bình Dương trong kết nối vùng?

- Có thể khái quát câu trả lời bằng cụm từ rất quan trọng để nói về vai trò và trọng yếu để nói về vị trí. Bình Dương nằm sát TP.Hồ Chí Minh, bên cạnh Đồng Nai và liên thông với Bà Rịa - Vũng Tàu, tạo thành “cụm trung tâm phát triển” của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Ở vị trí đó, ngoài sự đóng góp trực tiếp ngày càng lớn vào thành tích tăng trưởng của vùng, Bình Dương còn là một mắt khâu quan trọng trong chuỗi liên kết - kết nối lưu thông, tạo cộng hưởng sức mạnh và lan tỏa phát triển. Bản đồ biểu thị sự đan kết các tuyến đường vành đai và các tuyến kết nối hướng tâm của vùng với những đoạn tuyến “xung yếu” xuyên qua Bình Dương xác nhận vị thế đó.

Quan hệ giữa Bình Dương và Bình Phước xét trong tổng thể phát triển vùng là minh chứng rõ ràng và thuyết phục cho nhận định trên. Bình Dương kết nối Bình Phước với TP.HồChíMinh, trực tiếp thúc đẩy Bình Phước phát triển, giúp Bình Phước chuyển từ trạng thái “dự trữ phát triển” sang “quỹ đạo phát triển”... Có thể thấy, ở bất cứ cấp độ nào và từ bất kỳ góc độ nào, vai trò quan trọng và vị trí xung yếu của Bình Dương trong liên kết phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là điều được khẳng định tự thân và tự nhiên. Có chăng cần nói thêm rằng vai trò và vị thế đó sẽ tiếp tục tăng lên cùng với sự phát triển của vùng và của chính Bình Dương.

- Ông đánh giá như thế nào trong việc đầu tư xây dựng, phát triển hạ tầng giao thông trong mối liên kết vùng của Bình Dương 25 năm qua?

- Đến Bình Dương, tôi thường được nghe một câu nói vừa có ý nghĩa định hướng chính sách, vừa mang tính chất khẩu hiệu hành động: “lộ thông, tài thông” (đường thông, tiền thông). Câu nói này tôi đã được nghe từ hơn 30 năm trước tại Quảng Châu, Trung Quốc. Nó cứ ám ảnh tôi vì những thành tích phát triển kinh tế phi thường mà đất nước này, đăc biệt là vùng duyên hải, đạt được mấy chục năm qua.

Câu khẩu hiệu đó đã được nói tới nhiều lần trên các diễn đàn ở Việt Nam. Song cho đến nay, “mục sở thị” thì chỉ có ở Bình Dương và gần đây làQuảng Ninh.

Bình Dương không có đường sắt, không có cảng biển, không có cảng hàng không - nghĩa là thiếu nhiều điều kiện - lợi thế phát triển cơ bản. Tuy nhiên, xét thực tế, Bình Dương lại là tỉnh có hệ thống giao thông kết nối thuộc loại tốt nhất cả nước. Nhờ đó, Bình Dương lập được kỳ tích phát triển. Đó là điều không có gì phải nghi ngờ.

Nhận định này được rút ra từ chính thực tiễn phát triển của Bình Dương. Nó cần được “trải nghiệm” tại chính Bình Dương để mỗi người có thể tự mình “tận hưởng” cảm giác thành công của một sự lựa chọn chiến lược đúng đắn. Tuy có vẻ rất đơn giản, song vì thế, không hề dễ dàng triển khai trên thực tế. Nhận định đó hàm chứa một câu hỏi: Tại sao Bình Dương lại làm được điều mà đa số các địa phương khác, hay có thể nói, cả nước - cho đến nay vẫn cứ vật lộn, loay hoay?

Câu trả lời, đúc kết từ chính thực tiễn Bình Dương, là đơn giản và rõ ràng: Trước hết, hãy nhận thức đúng, quán triệt sâu, thật nghiêm túc những nguyên lý phát triển đơn giản. Đơn giản, dễ bị “bỏ qua”. Nhưng đó mới chính là định hướng phát triển quan trọng bậc nhất và hoàn toàn không dễ thực thi. Kế đến là phải biến nó thành chiến lược hành động, xuyên suốt và thống nhất, với sự ưu tiên đúng tầm. Điều này hoàn toàn không dễ đạt được trong điều kiện tầm nhìn lãnh đạo hạn chế, định hướng chính sách bị lợi ích nhóm chi phối - và nhất là khi “cấp trên” chưa “phát lệnh”.

Đường Mỹ Phước - Tân Vạn được thông tuyến góp phần thúc đẩy phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

Thứ ba là biết cách triển khai trong điều kiện thiếu các cơ chế, chính sách phù hợp, khi mà tư duy và hành động đổi mới dễ gặp rủi ro, ít được cổ vũ và khuyến khích.

Bình Dương đã làm được cả ba điều đó, trên nền tảng thống nhất mục tiêu hành động, lấy sự phát triển của tỉnh, với khát vọng tiến vượt lên, làm trục xuyên suốt.

Đơn giản vậy thôi, vì thế sẽ có nhiều người không tin. Nhưng điều khó mà làm được, thì đương nhiên, sẽ khó tin. Vì thế, tôi mới nói hãy đến Bình Dương mà “trải nghiệm” và “tận hưởng”.

- Theo ông, Bình Dương cần thực hiện những bước tiếp theo nào để đẩy mạnh liên kết vùng, phát huy tiềm năng thế mạnh địa phương?

- Liên kết vùng ở khu vực này vẫn còn khá yếu, chưa phát huy đầy đủ sức mạnh cộng hưởng và lan tỏa phát triển, đặc biệt là đến một số tỉnh “vùng xa”. Để Bình Dương và cả vùng bứt phá, phát triển đúng tầm, hãy còn nhiều việc phải làm. Mấu chốt của liên kết vùng là phát triển hệ thống giao thông kết nối - các đường vành đai và các tuyến hướng tâm, với TP.HồChíMinh là trung tâm hội tụ, cụthể là đường Vành đai 3 và 4, đường nối Bình Phước - Bình Dương - TP.HồChíMinh - sân bay Long Thành - cảng Cái Mép - Thị Vải, không chỉ đường bộ cao tốc mà cả đường sắt và đường thủy.

Những việc này đã được Bình Dương định hình từ khá sớm và đã chủ động triển khai. Đường Vành đai 3 và 4, mặc dù chưa được Trung ương chính thức phê duyệt và triển khai, song đoạn tuyến đi qua Bình Dương đã được tỉnh khởi động sớm, không chờ vốn Trung ương và đã hoàn thành phân nửa. Thủ tướng vừa rồi thăm Bình Dương đã có ấn tượng mạnh về cách làm mang tính đột phá, chủ động sáng tạo này. Ông khuyến khích Bình Dương cùng Becamex IDC tiếp tục phát huy để hoàn thành sớm phần việc của tỉnh, tạo sức thúc đẩy mạnh cho nỗlực của toàn vùng.

Bình Dương cũng đang “chi viện” mạnh mẽ để thúc đẩy Bình Phước nhanh chóng gia nhập quỹ đạo phát triển vùng. Sự hiện diện của Becamex IDC tại Bình Phước không chỉ tạo “cú hích” quan trọng cho Bình Phước mà quan trọng không kém, tạo cộng hưởng sức mạnh của vùng trong sự kết nối với Tây nguyên. Tất nhiên, sức thúc đẩy vùng của Bình Dương không chỉ nằm ở khía cạnh “liên kết”. Bình Dương đang tạo một áp lực đua tranh - cạnh tranh phát triển mạnh trong vùng. Ở khía cạnh này, tôi nghĩ đóng góp của Bình Dương đối với sự phát triển vùng cũng không hề nhỏ.

- Theo ông, hạ tầng giao thông của Bình Dương nên quy hoạch theo hướng nào để vừa tạo tính kết nối vùng, thúc đẩy tiến trình xây dựng thành phố thông minh?

- Bình Dương đang quy hoạch phát triển theo hướng xây dựng thành phố (trực thuộc Trung ương) “công nghệ cao” và “thông minh”, trong không gian liên kết vùng và kết nối toàn cầu. Đây là cấu trúc điển hình của phương thức phát triển hiện đại. Đây chính là điểm mấu chốt. Sự phù hợp xu thế thời đại của chiến lược phát triển được lựa chọn chính là yếu tố bảo đảm cho Bình Dương tiếp tục tiến lên và gặt hái thành công. Tất nhiên, sẽ không dễ dàng. Không có gì mới mẻ, mang tính sáng tạo tầm cao mà lại dễ dàng đạt tới. Đó là chưa kể đến sức cản trở luôn có của cơ chế cũ, của các nhóm lợi ích khác biệt và xung đột. Nhưng tôi nghĩ rằng chỉ có loại thách thức như vậy mới xứng đáng với Bình Dương.

- Xin cảm ơn ông!

Kết nối số, kết nối sáng tạo sẽ được dành sự ưu tiên cao, ngày càng vượt trội

“Không chỉ Bình Dương đóng góp cho sự phát triển vùng. Bản thân Bình Dương cũng được hưởng lợi lớn từ sự liên kết và sự phát triển vùng. Vẫn là nguyên lý “lộ thông, tài thông” mà Bình Dương đã thuộc nằm lòng thôi. Chỉ có điều trong giai đoạn mới, khi quỹ đạo phát triển của Bình Dương vận hành trong một “hệ sinh thái” mới - công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo, đô thị thông minh - thì vấn đề kết nối số, kết nối sáng tạo sẽ được dành sự ưu tiên cao, ngày càng vượt trội so với kết nối hạ tầng “cứng” truyền thống. Và ở khía cạnh này, Bình Dương cũng đang vượt trước đa số các địa phương khác trong cả nước, đang tự tin tham gia vào cuộc đua tranh phát triển toàn cầu, ở bậc cao nhất - xây dựng đô thị thông minh - sáng tạo - với những thành tích ban đầu thật sự đáng khích lệ. Tôi tin Bình Dương sẽ tiếp tục thành công”.

PHƯƠNG LÊ (thực hiện)

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/pho-giao-su-tien-si-tran-dinh-thien-nguyen-vien-truong-vien-kinh-te-viet-nam-bi-nh-duong-la-mo-t-ma-t-khau-quan-tro-ng-trong-chuo-i-lien-ke-t-ke-t-no-i-luu-thong-a269000.html