Phố Hàng Mã, Hà Nội thắp màu vui ngày giáp Tết Nhâm Dần 2022

(SGTT) – Hàng Mã luôn là một trong những tuyến phố nhộn nhịp và rực rỡ sắc màu dịp cận Tết Nguyên Đán tại thủ đô Hà Nội. Con đường này khoác lên mình chiếc áo đỏ nổi bật – mùa sắc tượng trưng cho sự may mắn, tốt lành.

Nhiều người dân Hà Nội có thói quen ghé qua phố Hàng Mã để sắm đồ thờ cúng hay đồ trang trí vào dịp tết. Ảnh: Ngọc Huyền

Nhiều người dân Hà Nội có thói quen ghé qua phố Hàng Mã để sắm đồ thờ cúng hay đồ trang trí vào dịp tết. Ảnh: Ngọc Huyền

Phố Hàng Mã có độ dài khoảng 300m, cách chợ Đồng Xuân khoảng 100m và cách Hồ Gươm khoảng 700m. Người dân Hàng Mã vốn nổi tiếng với truyền thống làm đồ vàng mã dùng cho việc thờ cúng và các đồ trang trí bằng giấy.

Người dân bày bán hàng hóa ở chính giữa con đường. Ảnh: Ngọc Huyền

Người dân bày bán hàng hóa ở chính giữa con đường. Ảnh: Ngọc Huyền

Một buổi sáng cuối năm, sau khi thưởng thức phở tại quán phở bò Lâm nổi tiếng tại Hàng Vải, tôi cùng chị bạn người Nhật của mình lang thang khu phố cổ. Chúng tôi vô tình ghé qua Hàng Mã mà không hề có dự định gì trước đó.

Dọc con phố nhỏ, những hàng quán bán đồ mã và đồ trang trí bằng giấy đỏ rực dưới tiết trời Xuân lất phất mưa phùn. Nhiều quầy hàng được bố trí ngay chính giữa con đường. Người đi bộ, kẻ đi xe máy nhộn nhịp len lỏi giữa những lối đi nhỏ. Bầu không khí náo nức đến từ các mặt hàng đầy màu sắc và cả từ cảnh mua bán nhộn nhịp.

Những gian hàng ngập sắc đỏ – màu tượng trưng cho sự may mắn và tốt lành. Ảnh: Ngọc Huyền

Những gian hàng ngập sắc đỏ – màu tượng trưng cho sự may mắn và tốt lành. Ảnh: Ngọc Huyền

Những chiếc đền lồng bằng giấy xinh xắn treo trên các kệ hàng. Ảnh: Ngọc Huyền

Những chiếc đền lồng bằng giấy xinh xắn treo trên các kệ hàng. Ảnh: Ngọc Huyền

Chị bạn người Nhật của tôi thích thú ngắm nhìn những câu đối đỏ, đồ thờ cúng bằng đồng hay những đồ chơi thường xuất hiện trong dịp tết. Thấy một túi sản phẩm thủ công bày bán tại gian hàng nhỏ ven đường, chị khẽ reo lên khen dễ thương và ngỏ ý muốn mua.

Tôi vốn tưởng đó là đồ vàng mã dùng để thờ cúng thông thường. Hóa ra, khi tra cứu trên mạng, tôi mới biết nó có tên “Lắc bầu cua” hay “Bầu cua tôm cá”. Đây là trò chơi dân gian khá quen thuộc tại Việt Nam vào các dịp lễ hay tết. Vậy là không chỉ chị bạn người Nhật, chính bản thân tôi cũng biết thêm được một nét tập quán người dân mình.

Trò chơi dân gian bầu cua quen thuộc vào các dịp lễ, tết ở Việt Nam. Ảnh: Ngọc Huyền

Trò chơi dân gian bầu cua quen thuộc vào các dịp lễ, tết ở Việt Nam. Ảnh: Ngọc Huyền

Ngay đầu phố Hàng Mã có cổng chào lớn. Tại đây có sạp hàng nhỏ bày bán mùi già và các loại lá thơm như đài bi, tía tô… Mỗi bó nho nhỏ có giá hai mươi ngàn đồng. Hương mùi già cũng là hương Tết, người ta mua về để tắm, xông nhà cửa hay lau dọn ban thờ cuối năm. Đôi khi, những xe đạp hàng rong chở từng bó mùi già lớn lướt qua các con phố nhỏ như thầm lặng chở xuân về.

Sạp hàng bán mùi già – thứ hương thơm quen thuộc ngày tết. Ảnh: Ngọc Huyền

Sạp hàng bán mùi già – thứ hương thơm quen thuộc ngày tết. Ảnh: Ngọc Huyền

Không khí tết ở khu phố cổ nhộn nhịp lên theo từng ngày. Phố Hàng Mã là một trong các con đường mang nét văn hóa Tết độc đáo ở thủ đô Hà Nội. Nếu có dịp, bạn hãy thử ghé qua nơi đây, hòa mình vào dòng khách tấp nập để cảm nhận niềm vui xôn xao khi năm mới sắp tới gần.

Ngọc Huyền

Nguồn Sài Gòn Tiếp Thị: https://www.sgtiepthi.vn/pho-hang-ma-ha-noi-thap-mau-vui-ngay-giap-tet-nham-dan-2022/