Nhạc sĩ Đinh Quang Minh: Làm nghề hòa âm phối khí cũng giống như một đầu bếp!
Thời gian này, nhạc sĩ Đinh Quang Minh (ảnh) đang gấp rút hoàn thành phần thu âm cho dự án 50 bài hát 'TPHCM 50 năm rạng ngời trang sử'. Đây là sản phẩm âm nhạc được thực hiện nhằm hướng đến kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; ghi dấu chặng đường mấy mươi năm nam nhạc sĩ gắn bó với nghề sáng tác, biểu diễn, đặc biệt là chuyên môn hòa âm phối khí.
* PHÓNG VIÊN: Nhìn lại chặng đường 37 năm gắn bó với công việc sáng tác và hòa âm phối khí, cảm xúc của anh thế nào?
* Nhạc sĩ ĐINH QUANG MINH: 8 tuổi tôi bắt đầu học guitar classic tại Nhạc viện TPHCM, 12 tuổi lên sân khấu biểu diễn, 13 tuổi thì sáng tác bài hát đầu tiên. Thời còn đi học, tôi đã cùng anh em lập ban nhạc, biểu diễn ở các sân khấu, nhà văn hóa. Tốt nghiệp lớp 12, tôi thi vào Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật TPHCM, theo học chuyên ngành guitar.
Sau này, tôi lần lượt làm phụ trách CLB, đội nhóm ở NVH Thanh Niên TPHCM, rồi đến Trung tâm Văn hóa quận 1. Năm 2021, tôi nhận bằng Thạc sĩ Quản lý văn hóa tại Trường Đại học Văn hóa TPHCM, sau đó về công tác tại Trung tâm Văn hóa Thành phố, phụ trách Phòng Nghệ thuật Dân gian đến nay.
Trong từng giai đoạn hoạt động âm nhạc, tôi có nhiều điều kiện thuận lợi để làm việc và phát triển nghề hòa âm phối khí. Khi là trưởng ban nhạc, tôi chịu trách nhiệm hòa âm phối khí chương trình thường xuyên nên tăng sự học hỏi, sáng tạo, từ đó phát huy được sở trường trong các sáng tác. Tôi cũng từng đảm nhận hòa âm phối khí cho tác phẩm của các nhạc sĩ Trần Long Ẩn, Nguyễn Ngọc Thiện, Nguyễn Đức Trung, Khánh Vinh, Ngô Tùng Văn…
Làm nghề hòa âm phối khí cũng giống như một người đầu bếp vậy. Người nhạc sĩ sáng tác bản nhạc, có lời bài hát, còn tôi sẽ phụ trách công việc hòa âm làm sao để bài hát khi hoàn chỉnh đáp ứng được yêu cầu của nhạc sĩ. Nghề này đòi hỏi phải có đam mê và yêu thích sự thử thách, sáng tạo, không chỉ cho ra bài hát hay, mà còn phải thể hiện được phong cách âm nhạc rất riêng của mỗi người sáng tác.
Tuy mê hòa âm phối khí nhưng tôi không lơ là sáng tác. Công việc sáng tác âm nhạc luôn trao tặng cho tôi thật nhiều sức sống tinh thần tươi mới, phấn chấn. Tính đến nay, tôi có hơn 100 ca khúc thuộc nhiều thể loại: thiếu nhi, tuổi hồng, nhạc trẻ, nhạc truyền thống, nhạc cổ động tuyên truyền… Tôi quan niệm, người nhạc sĩ khi sáng tác phải chú trọng ý tưởng, giai điệu, ca từ... Đặc biệt, ca từ là rất quan trọng. Thông qua ca từ hay, ý nghĩa nội dung bài hát khi chuyển đến người nghe mới đạt được sự thấu hiểu, cảm xúc, rung động.
* Với việc thực hiện Tuyển tập 50 bài hát TPHCM 50 năm rạng ngời trang sử, anh muốn gửi gắm điều gì?
* Đầu năm 2024, tôi chợt nghĩ, 50 năm là một con số rất đẹp, là nửa thế kỷ đã qua, nếu mình không làm gì đó để kỷ niệm, lưu lại, thì thật tiếc. Mà kỷ niệm chỉ một mình mình thì không hay, vậy là tôi rủ các anh chị, bạn bè, đồng nghiệp cùng chung sức tạo nên một sản phẩm nghệ thuật để lưu lại. Mỗi người một vai trò, nhạc sĩ như tôi sẽ sáng tác, hòa âm, các ca sĩ sẽ biểu diễn, cùng với nhau chúng tôi sẽ thể hiện những bài hát hay, tình cảm đánh dấu kỷ niệm 50 năm đất nước hoàn toàn thống nhất, hòa bình.
Tôi chú trọng tuyển chọn những ca khúc hay và ý nghĩa để thực hiện tập sách nhạc, nhất là các sáng tác về TPHCM như: Những con rồng thành phố, Thành phố rạng ngời, Rạng rỡ Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố vào xuân, Thành phố đêm nay, Thành phố của triệu trái tim, Bên em giữa phố Sài Gòn, Cho thành phố đẹp hơn, Sắc hương thành phố xuân ngời, Thành phố mới, trái tim hồng...
Đặc biệt, ca khúc TPHCM 50 năm rạng ngời trang sử vừa sáng tác vào đầu năm 2024, thể hiện tình cảm, niềm tin, lòng tự hào của tôi qua 50 năm sinh sống, gắn bó với bao thay đổi tốt đẹp và rạng rỡ của TPHCM, một thành phố văn minh hiện đại nghĩa tình. Tác phẩm được sáng tác theo phong cách ca khúc bán cổ điển. Tác phẩm này cũng đã được Hội Âm nhạc TPHCM đưa vào danh sách các tác phẩm xét đầu tư trong năm 2024, là niềm vui và động lực để tôi tiếp tục tích cực làm việc, sáng tác.
Bên cạnh những sáng tác về TPHCM, trong tuyển tập còn có các ca khúc hát về Bác Hồ, ngợi ca cảnh đẹp ở các tỉnh thành, vùng miền, quê hương đất nước như: Nghe kể về Bác, Tuổi trẻ hành trình theo chân Người, Tiến lên theo lời Bác, Thi đua làm theo lời Bác, Về nguồn, Linh thiêng Đền Quốc Tổ, Chiến sĩ biên phòng nhí, Sắt son niềm tin với Đảng, Hùng anh Việt Nam, Tự hào Việt Nam, Mẹ phương Nam, Giữ mãi màu xanh Cần Giờ, Quân dân Phú Quý một nhà, Hương sắc miền Tây, Sen vẫy chào anh nha!, Một vòng Bạc Liêu, Vùng đất Cù lao Dung...
Trong các nghệ sĩ, ca sĩ tham gia dự án có: NSND Kim Xuân, các NSƯT Quỳnh Liên, Hạnh Thúy, Thanh Sử, Vân Khánh, Phạm Khánh Ngọc; các ca sĩ Huỳnh Lợi, Quốc Đại, Phương Thùy, Đông Quân, Thanh Ngọc, Minh Trang Ly Ly, Tánh Linh, Dương Quốc Hưng, MC Quỳnh Hoa, Hải Chuyên, nghệ sĩ Mai Thanh Sơn, các nhóm Lạc Việt, Mắt Ngọc, 135, các em thiếu nhi CLB Búp Bê xinh TTVH-TT quận Tân Bình...
* Hãy nói về mong ước của anh trong tương lai?
* Tôi luôn có một ước mong là tại TPHCM sẽ có một ban nhạc mang tên “Những nhạc sĩ trẻ TPHCM”. Ban nhạc là sự quy tụ các nhạc sĩ trẻ giỏi nghề, họ sẽ là thế hệ kế thừa, trẻ trung, năng động, mang bản sắc riêng. Ban nhạc sẽ tổ chức được nhiều chương trình giao lưu, biểu diễn văn nghệ, tuyên truyền và quảng bá các tác phẩm âm nhạc mới. Điều đó sẽ giúp anh em nhạc sĩ trẻ có thêm các cơ hội sáng tạo nghệ thuật cả về sáng tác và biểu diễn, giao lưu, chia sẻ, nâng cao chuyên môn, tay nghề, phục vụ được đông đảo công chúng…
Theo tôi, một ban nhạc như vậy sẽ giúp tìm kiếm nơi các nhạc sĩ trẻ những tài năng thật sự, góp phần tạo nên không khí sinh hoạt âm nhạc sống động, đồng thời mang đến những hơi thở mới cho âm nhạc không chỉ của TPHCM mà còn cho cả nước. Tôi rất hy vọng một lúc nào đó, một sân chơi tuyệt vời như thế cho các nhạc sĩ trẻ sẽ ra đời.