Phó hiệu trưởng dùng thuốc phiện bị xử lý thế nào?
Theo luật sư Đặng Văn Cường, cơ quan công an cần làm rõ ai cầm đầu, tổ chức vụ việc mới có thể đưa ra những hướng xử lý phù hợp.
Công an huyện Pắc Nạm (tỉnh Bắc Kạn) đang điều tra vụ ông Dương Xuân Kiểm (52 tuổi, Phó hiệu trưởng phụ trách trường Tiểu học và THCS xã An Thắng, huyện Pác Nặm) bị bắt quả tang sử dụng thuốc phiện cùng 3 người khác tại phòng làm việc.
Nhận định về vụ việc trên, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết đây là vụ việc nghiêm trọng, có dấu hiệu hình sự và vi phạm nghiêm trọng đạo đức người thầy, vấy bẩn môi trường học đường, gây nguy cơ mất an toàn trong môi trường trường học.
"Ông Kiểm bị công an bắt quả tang đang sử dụng ma thuốc phiện cùng 3 người khác tại phòng làm việc của vị phó hiệu trưởng. Vì vậy, cơ quan công an cần làm rõ vai trò của từng người, xác định ai là cầm đầu, tổ chức...", luật sư Cường nói.
Theo luật sư, nếu cơ quan điều tra xác định ông Kiểm là người sử dụng, bị lôi kéo sử dụng thuốc phiện, không phải là người tổ chức sử dụng, vị phó hiệu trưởng sẽ chỉ bị xử lý theo quy định tại Điều 21 Nghị định 167/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Phòng, chống tệ nạn xã hội.
Trích dẫn khoản 1 Điều 21 Nghị định 167, luật sư cho biết ông Kiểm sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến một triệu đồng đối với hành vi sử dụng chất cấm.
"Ngoài bị xử phạt hành chính, nếu cơ quan điều tra xác định ông Kiểm là người nghiện ma túy thì ông ta sẽ bị áp dụng biện pháp cai nghiện trong cơ sở cai nghiện từ 12 đến 24 tháng", luật sư cho hay.
Trong khi đó, với trường hợp ông Kiểm là người cầm đầu, lôi kéo, rủ rê người khác sử dụng thuốc phiện, đồng thời, ông ta là người chuẩn bị chất cấm cũng như địa điểm, dụng cụ sử dụng... thì các hành vi này được xác định phạm tội Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Vị phó hiệu trưởng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 255 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Ngoài những biện pháp xử lý trên, luật sư cho biết ông Kiểm còn bị áp dụng hình thức xử phạt buộc thôi việc, quy định tại Điều 13 Nghị định 12/2012/NĐ-CP về xử lý kỷ luật viên chức.
"Có hai trường hợp sẽ buộc thôi việc. Trường hợp thứ nhất là bị truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng không được hưởng án treo quy định tại khoản 1 Điều 13.
Trường hợp thứ hai là dù không bị truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng bị xác định là người nghiện ma túy thì vẫn áp dụng hình thức kỷ luật cao nhất là buộc thôi việc theo quy định tại khoản 4, Điều 13 của Nghị định 27 nêu trên", luật sư Cường nói.
Cũng theo luật sư, ông Kiểm là phó hiệu trưởng, giáo viên, là người có trình độ nhận thức và có trách nhiệm làm gương cho các cán bộ khác và cho học sinh nhưng lại vi phạm pháp luật nên ông ta sẽ phải chịu chế tài xử phạt nghiêm khắc.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/pho-hieu-truong-dung-thuoc-phien-bi-xu-ly-the-nao-post1133280.html