Phó hoạn!
Chuyện ông hoạn lợn nghe vậy mà đã đi vào dĩ vãng gần nửa thế kỷ rồi. Nhưng tôi tin rằng những ai đã sinh ra và lớn lên trong thời bao cấp sẽ không thể quên được hình ảnh ông thợ hoạn lợn mặc quần áo nâu, đầu đội mũ lá, đạp chiếc xe đạp cà tàng, đi khắp các làng, xã trong vùng cất tiếng rao văng vẳng 'ai hoạn lợn…đê…ai hoạn lợn…nào…'.
Giữa trưa hè oi ả, đường làng vọng tiếng rao văng vẳng: “Hoạn lợn…đê…hoạn lợn…nào…”. Thầy tôi đang thiu thiu ngủ trên giường liền bật dậy: Gọi ông hoạn lợn… tôi chạy luôn ra cổng, vừa lúc bác hoạn lợn đạp chiếc xe đạp cà tàng tới, thấy tôi ông hỏi luôn “nhà mày hoạn hử”, tôi trả lời “vâng”, dúi vội chiếc xe đạp vào bờ rào dâm bụt, bác hoạn lợn tay cầm cái gậy đầu có dây thừng thòng lọng đi thẳng ra cửa chuồng lợn nhà tôi. Không cần phải hỏi, ông đưa thòng lọng vào chuồng, quăng dây vào cổ lôi ra khỏi chuồng 1 con lợn (loại hơn 10kg), vừa bắt lợn ông vừa bảo tôi “mang cái đèn dầu ra đây”. Tôi vào nhà lấy đèn mang tới nơi đã thấy: Con lợn bị ông kẹp chặt vào hai chân (đầu lợn quay về phía sau) tay trái ông đè vào bụng cho con lợn nằm nghiêng, tay phải ông cầm con dao chỉ bé bằng ngón tay, rạch một phát vào mạng sườn, con lợn bị đau kêu ré lên “ét…ét..”, (đau như hoạn) ngón trỏ tay phải của ông móc vào bụng lợn qua lỗ rạch, móc ra hai cục thịt mầu trắng đục to bằng hạt lạc, cầm hai cục thịt ông nói với thầy tôi “đủ 2 hoa nhé” rồi ông bảo tôi đưa đèn để ông lấy dầu hỏa bôi vào vết rạch, chẳng cần phải khâu vết rạch, miệng ông nói “từ giờ mày là hợi công công” rồi thả lợn vào chuồng. Con lợn còn lại (nhà tôi nuôi 1 đôi) ông cũng thao tác y như vậy, tất các động tác đều nhanh, chính xác (khoảng 5 - 7 phút) thì xong 1 con.
Thầy tôi mời ông vào uống nước, ông xua tay nói “thôi bác cho tôi xin tiền công, tôi tranh thủ đi buổi trưa, chiều còn về đi cày kiếm điểm”. Nhưng do Thầy tôi mời nhiệt tình, nên ông cũng vào nhà, rót mời chén chè mới pha Thầy tôi gợi chuyện: “có ai chịu tiền bác không?”, đặt chén chè xuống bàn tay kéo chiếc điếu bát ông nói “cũng có đấy…”, hút xong điếu thuốc lào ông kể “tuần trước tôi có hoạn đôi lợn cho một bà góa chồng ở xã bên, lúc tôi xin tiền công thì bà ấy bảo bác cứ vào trong nhà rồi em trả”, Thầy tôi pha thêm “thế bác có vào không?” vừa nhấp ngụm chè ông nói “không, vào có mà không lấy được tiền công, mà còn mất thêm nữa à…”, đặt chén nước xuống bàn miệng ông cười ha hả… thôi nước uống rồi, bác cho tôi xin 2 đồng, Thầy tôi trả tiền ông hoạn lợn. Lát sau xóm trong đã vang tiếng rao “ai hoạn lợn…đê…ai hoạn lợn…nào…”.
Chuyện ông hoạn lợn nghe vậy mà đã đi vào dĩ vãng gần nửa thế kỷ rồi. Nhưng tôi tin rằng những ai đã sinh ra và lớn lên trong thời bao cấp sẽ không thể quên được hình ảnh ông thợ hoạn lợn mặc quần áo nâu, đầu đội mũ lá, đạp chiếc xe đạp cà tàng, đi khắp các làng, xã trong vùng cất tiếng rao văng vẳng “ai hoạn lợn…đê…ai hoạn lợn…nào…”.
Theo Chuyện Làng quê
Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/pho-hoan-a5894.html