'Phố núi' Lâm Trạch…
Nếu đến xã miền núi Lâm Trạch (Bố Trạch) vào một buổi tối đẹp trời, dừng nơi con dốc cao trên tuyến đường liên xã nhìn xuống, bên kia cánh đồng lúa là khu dân cư lung linh ánh điện sáng tạo thành vệt dài sát chân núi, đẹp huyền ảo. Người Lâm Trạch dù sinh sống bất cứ nơi đâu vẫn luôn nhớ về quê hương mình, cho dù trên con đường hướng đến ấm no, Lâm Trạch gặp phải không ít chông gai.
Bức tranh "phố núi"
Sau lưng là núi, kế đến là khu dân cư chạy dài từ thôn 1 đến thôn 7 tựa vững chắc vào núi, cánh đồng lúa mênh mông trải dài trước mặt kế tiếp và cuối cùng là rừng xanh bạt ngàn làm ranh giới giữa hai xã Phúc Trạch, Lâm Trạch.
Độ chừng 10 năm trước, hành trình vào xã Lâm Trạch chông chênh, đầy gian khổ. Con đường độc đạo lổm nhổm đất đá, lầy lội về mùa mưa, bụi đỏ ken dày vào mùa hè. Bây giờ cũng tuyến đường đó, nhưng đã được cán nhựa rộng thoáng. Các cốt vật chất điện- đường-trường-trạm-chợ được đầu tư bền vững, giúp Lâm Trạch tạo thành thế tam giác cân bằng tại vùng miền núi Phúc-Lâm-Xuân của huyện Bố Trạch.
Góp phần tạo nên sự đổi thay đáng kể này là kết quả của quá trình thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM). Đến nay, Lâm Trạch đạt 11/19 tiêu chí gồm: quy hoạch, điện, chợ, thông tin và truyền thông, nhà ở dân cư, môi trường, y tế, hệ thống chính trị, quốc phòng và an ninh, lao động và việc làm, tổ chức sản xuất. Bên cạnh nhà ở của người dân dần kiên cố hóa, xuất hiện ngày càng nhiều nhà cao tầng thì hệ thống cơ sơ vật chất phục vụ dân sinh, như: trường học, trụ sở UBND xã, nhà văn hóa cộng đồng, trạm y tế, chợ xây dựng khang trang…, trở thành những điểm nhấn giữa khu dân cư.
“Trong xây dựng cơ bản, Lâm Trạch huy động khá hiệu quả các nguồn lực, lồng ghép với chương trình xây dựng NTM và sự đóng góp từ nhân dân. Năm 2020, xã đã triển khai xây dựng điểm trường mầm non trung tâm; hoàn thành nhà văn hóa cộng đồng trị giá 4,7 tỷ đồng; làm các tuyến đường giao thông NTM với mức vốn 3,5 tỷ đồng; sửa chữa, nâng cấp trường tiểu học và trường THCS khu vực trung tâm trị giá gần 1,6 tỷ đồng. Bước qua năm 2021, xã khởi công làm đường giao thông ở các thôn 4, 6, 7… với kinh phí 900 triệu đồng; tập trung hoàn thiện hệ thống giao thông NTM, giao thông nội đồng, phấn đấu cuối năm đạt chuẩn tiêu chí giao thông”, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Sỹ Phúc cho biết.
Phát triển kinh tế dựa vào thế mạnh sẵn có
Cũng như các địa phương khác trong toàn tỉnh, năm 2020, Lâm Trạch bị ảnh hưởng rất nặng nề do đại dịch Covid-19. Nhờ việc kiểm soát tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, đẩy mạnh thực hiện “mục tiêu kép”, Lâm Trạch vẫn có những bước phát triển vững chắc. Tổng thu nhập toàn xã 118 tỷ đồng, đạt 141,3% kế hoạch, trong đó thu từ nông- lâm-thủy sản hơn 50,8 tỷ đồng; thương mại, dịch vụ trên 60 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 26,8 triệu đồng/năm.
Trong lĩnh vực trồng trọt, Lâm Trạch khuyến khích người dân duy trì ổn định diện tích lúa 127ha; đẩy mạnh phát triển các loại cây trồng giá trị kinh tế cao, như: lạc 56ha; đậu, rau màu 20ha; ớt 3,5ha; ngô 5,8ha… Tổng sản lượng lương thực trên 675 tấn, tăng gần 159 tấn so với năm 2019.
Về hiệu quả của cây lạc so với trồng lúa, bà Trương Thị Tỉnh ở thôn 6 cho biết: “Gia đình tôi có 3 sào lạc, 4 sào lúa. Nếu cây lạc được mùa, được giá, mỗi sào bình quân thu được 4 triệu đồng, gấp đôi so với trồng lúa”. Do giá trị cây lạc cao hơn so với các loại cây trồng khác, nhiều hộ gia đình ở Lâm Trạch tích cực cải tạo vườn tạp để trồng lạc.
“Trong phát triển kinh tế, Đảng ủy, HĐND, UBND xã xác định hai thế mạnh của Lâm Trạch là chăn nuôi và trồng rừng kinh tế. Năm 2020, quy mô chăn nuôi, chất lượng tổng đàn dần phục hồi, ổn định trong đó có 520 con trâu, 810 con bò, 1.400 con lợn, gia cầm hơn 1.500 con. Kinh tế rừng ngày càng đóng vai trò quan trọng, cho thu nhập cao đối với người dân. Hiện tại, diện tích rừng sản xuất của xã đã phủ kín. Năm 2020, toàn xã khai thác 400ha keo, tràm, thông và trồng mới 500ha. Khai thác rừng trồng, thông nhựa thu được gần 38 tỷ đồng”, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Sỹ Phúc chia sẻ.
Phát huy thế mạnh chăn nuôi và kinh tế rừng theo chiều sâu, nâng cao chất lượng, hiệu quả nhằm tăng thu nhập cho người dân, những năm kế tiếp, theo Chủ tịch UBND xã Nguyễn Sỹ Phúc, Lâm Trạch phải có những giải pháp căn cơ. Đó là tập trung triển khai tốt đề án chăn nuôi, phát triển chăn nuôi quy mô tập trung theo hướng gia trại, trang trại, vận động nhân dân tham gia các tổ hợp tác chăn nuôi nhằm thay đổi phương thức sản xuất, giảm thiểu rủi ro, bảo đảm đầu ra; nâng cao chất lượng đàn gia súc, gia cầm, kiểm soát tốt dịch bệnh trên tổng đàn.
UBND xã cùng với người dân cố gắng duy trì 1 trang trại chăn nuôi tổng hợp, 2 tổ hợp tác chăn nuôi gà và 1 hợp tác xã nuôi ong lấy mật hiện có, trở thành các mô hình trình diễn để từ đó nhân rộng ra. Xã chú trọng đầu tư cho hợp tác xã nuôi ong lấy mật, xây dựng thành thương hiệu sản phẩm OCOP.
Trong phát triển kinh tế rừng, xã bảo đảm độ che phủ rừng đạt 85%, phục hồi, trồng mới rừng sản xuất sau khai thác; đầu tư cho kinh tế rừng kết hợp với chăn nuôi nhằm mang lại hiệu quả cao; triển khai dự án trồng rừng gỗ lớn. Hiện tại, đã có 53 hộ dân đăng ký trồng rừng cây gỗ lớn với diện tích 102ha.
Nhờ xác định phát triển kinh tế đúng hướng, toàn dân đoàn kết xây dựng NTM…, Lâm Trạch ngày càng vững vàng trên hành trình xóa đói giảm nghèo. Bây giờ, mỗi khi nhắc đến Lâm Trạch, không phải giật mình về một vùng quê xa xôi, cách trở, nghèo khó, mà Lâm Trạch đang trở mình, thành hình hài một “phố núi” nơi vùng tam giác Phúc-Lâm-Xuân.