'Phố ông Lang' – Điểm du lịch miễn phí đậm nghĩa tình quê hương
Gần một tháng trở lại đây, trên bản đồ du lịch của Cần Thơ xuất hiện một điểm mới, mang tên 'Phố ông Lang', ở ấp Tấn Hòa, xã Giai Xuân, huyện Phong Điền, Cần Thơ.
Điểm đặc biệt thu hút người dân địa phương cũng như du khách tìm đến nơi này chính là khu phố được đầu tư như một công viên sinh thái miệt vườn và phục vụ miễn phí cộng đồng. Công trình do ông Nguyễn Ngọc Lang tài trợ nhằm đền đáp nơi “chôn nhau cắt rốn”.
“Phố ông Lang” có diện tích khoảng 30.000m2, hiện đã trang trí và đưa vào phục vụ khách tham quan hơn 10.000m2. Nơi đây có cánh đồng chong chóng, có khu vườn rau sạch, đường trang trí đèn lồng, cây dù nhiều màu sắc và đặc biệt là con đường hoa mười giờ rực rỡ.
Ông Nguyễn Ngọc Lang, hiện là Tổng Giám đốc Công ty mỹ phẩm Đăng Dương tại TP Hồ Chí Minh cũng là chủ đầu tư “Phố ông Lang” tâm sự, ông sinh năm 1968 tại xã Giai Xuân, huyện Phong Điền. Lúc nhỏ, nơi ông ở toàn đường đất, trời mưa sình lầy lội. Học hết lớp 4, do gia đình khó khăn, ông thôi học và phụ làm ruộng cùng mẹ. Năm 1990, ông cưới vợ, rồi ra riêng cất căn nhà lá tạm bợ, vợ chồng làm vườn, làm ruộng sống qua ngày.
Với ý chí muốn vươn lên thoát nghèo và quay về giúp bà con quê mình đỡ lam lũ vất vả, năm 2000, vợ chồng ông quyết định rời quê, nhờ người chị xin cho làm tiếp thị tại một công ty mỹ phẩm. Nhờ siêng năng, năm 2003, ông bắt đầu kinh doanh riêng. Mỗi ngày ông cố gắng học hỏi, đến năm 2011, ông đã có 2 công ty mỹ phẩm riêng. Từ một người đi làm thuê, cuộc sống vất vả, khi đã có của ăn của để, năm 2012 ông Lang trở về quê đóng góp xây dựng hàng chục công trình giao thông nông thôn, hỗ trợ địa phương chăm lo an sinh xã hội cho đến nay.
Về công trình “Phố ông Lang”, ông Nguyễn Ngọc Lang cho biết, sau khi xây đường xong ông quyết định đầu tư trang trí nơi này giống như công viên sinh thái nông nghiệp. Ông thuê người lắp đèn đường, đào ao nuôi cá, trồng hoa mười giờ hai bên đường, trồng thêm sen và các loại rau, lắp các thiết bị tập thể dục công cộng và xây dựng các tiểu cảnh như: cầu khỉ, vó bắt cá, xuồng ba lá… với mong muốn người dân nơi đây có chỗ vui chơi giải trí sau một ngày làm việc vất vả mà hoàn toàn được miễn phí.
"Xây dựng phố này và làm các tuyến đường từ đây lên xã khoảng 5km, ước chừng đầu tư vào 5 tỷ. Nguyện vọng của tôi là tri ân bà con quê tôi, có điều kiện thì cứ duy trì. Đặc biệt phục vụ bà con miễn phí 100% chứ không có ý tưởng gì kinh doanh. Qua đó, cũng tạo điều kiện cho bà con gần gần đây bán nước, giữ xe là những nhu cầu cần thiết.", ông Lang chia sẻ.
Xã Giai Xuân, huyện Phong Điền là địa phương vùng ven của TP Cần Thơ được xem là cái nôi của nền văn minh miệt vườn bên bờ sông Cần Thơ, với nhiều con rạch kết nối. Giờ đây “Phố ông Lang” lại là điểm nhấn thu hút thêm người dân đến với miền đất này. Đồng hành cùng ông Nguyễn Ngọc Lang trên chặng đường tri ân quê hương còn có người vợ tào khang Lê Thị Truyền. Được biết, ban đầu, bà không ủng hộ việc xây dựng khu phố này, vì định để số tiền vào những phần quà từ thiện. Nhưng nhìn thấy sự “thay da đổi thịt” trên mảnh đất vốn hoang sơ, bà đã đổi ý và lên ý tưởng hoàn thiện hơn cho công trình.
Bà Lê Thị Truyền bày tỏ: "Dần dần thấy khách người ta vào đông quá, thì mình cũng ủng hộ anh Lang luôn. Láng giếng rồi khách vào tôi thấy cũng rất vui. Có tiền làm ăn được thì mình về giúp bà con xóm giềng có đầy đủ hơn và đường sá dễ đi hơn."
Với tâm niệm đi lập nghiệp, kiếm tiền từ nơi khác về đây để phục vụ quê hương - nơi mình khôn lớn, chứ không muốn kiếm tiền từ quê hương nữa. Vì vậy, công trình “Phố ông Lang” do vợ chồng ông Nguyễn Ngọc Lang làm để cho bà con tự do sinh hoạt chung; rẫy rau trồng đó, ai có nhu cầu ăn thì cứ đến hái đem về hoặc có dụng cụ bắt cá, ai cần thì đến sử dụng. Đồng thời, khi công trình đón khách, bà con láng giềng cũng kiếm thêm thu nhập bằng việc mở những hàng nước, quán ăn đậm chất quê, ai nấy cuộc sống khá hơn nên không gian “Phố ông Lang” luôn tràn ngập tiếng cười, sự thoải mái.
Bà La Thị Xuân, sinh năm 1960, người sống lâu năm tại xã Giai Xuân, huyện Phong liền chia sẻ: "Hồi đó ở đây đường đi sình bùn không à, nhờ có ông Lang làm mới được như hiện tại, chứ không thôi ở đây buồn dữ lắm. Hồi đó tôi làm ruộng không, giờ thì bán nước thu nhập cũng có đồng lời, đồng vô đồng ra nên đỡ lắm."
Dạo quanh khuôn viên “Phố ông Lang” mới thấy, mặc dù công trình vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện nhưng đã toát lên ý tưởng mới lạ, mang ý nghĩa xã hội sâu sắc, không những tạo điều kiện đi lại cho người dân xã Giai Xuân, mà còn khắc họa được khung cảnh làng quê xưa, để thế hệ thời nay hiểu thêm về cuộc sống khó khăn, vất vả khi khai hoang lập nghiệp của cha ông ta trước đây.
Từ khi mở cửa phục vụ đến nay, mỗi ngày “Phố ông Lang” có cả trăm lượt người đến check-in, chụp ảnh trên con đường nông thôn đẹp như tranh. Chị Lê Trúc Diễm, ở quận Ninh Kiều, Cần Thơ tham quan “Phố ông Lang” chia sẻ: 'Tôi đi đến đây cùng với gia đình thấy không gian ở đây cũng đẹp, vui, nói chung có dịch vụ như vậy thì cũng tốt, để người dân xả stress những ngày cuối tuần, nhất là dịp Tết."
Từ năm 2012 đến nay, qua gần 10 năm, ông Nguyễn Ngọc Lang đã đóng góp cho xã Giai Xuân, huyện Phong Điền xây dựng các con đường giao thông nông thôn ngang 3 – 4m, dài hơn 15km, với tổng kinh phí xây dựng gần 16 tỷ đồng. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho xã phát triển về kinh tế - xã hội, giao thương hàng hóa, học sinh đi lại cũng dễ dàng. Ngoài ra, dịp Tết hàng năm, ông Lang cũng hỗ trợ cho bà con nghèo, cận nghèo hơn 500 phần quà, mỗi phần trị giá gần 400 ngàn để bà con ăn Tết đầm ấm, an lành hơn. Riêng Tết này, tại “Phố ông Lang” vào ngày mùng 2, gia đình ông Lang sẽ tổ chức cho người dân lẫn du khách tham gia ngày hội trò chơi dân gian, với những phần quà cây nhà lá vườn.
Ông Nguyễn Ngọc Lang nói: "Mong ước lớn nhất là kinh doanh thuận lợi thì mình muốn cống hiến nhiều hơn thế nữa như mở rộng con lộ ra lớn hơn và tiếp theo đó mua một chiếc xe cứu thương tặng cho xã Giai Xuân để chở bà con miễn phí."
Với những cống hiến cho quê hương, ngày 31/5/2021, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ đã trao tặng bằng khen cho ông Nguyễn Ngọc Lang vì đã có nhiều đóng góp trong công tác an sinh xã hội trên địa bàn. Đây là động lực để ông Lang xây dựng thêm nhiều công trình mới trên vùng đất Giai Xuân và viết tiếp câu chuyện đẹp của một người con xa quê lập nghiệp luôn muốn đền đáp nghĩa tình đối với nơi “chôn nhau cắt rốn” qua những con đường khang trang, sạch đẹp đầy tự hào./.