'Phố ông Lang' và khát vọng nghĩa tình, làm đẹp quê hương
Đằng sau con phố giàu giá trị thẩm mĩ và văn hóa đầy sức cuốn hút đó là tấm lòng nghĩa tình, mong muốn làm đẹp quê hương của doanh nhân Nguyễn Ngọc Lang - một người con Phong Điền - Cần Thơ lập nghiệp xa quê 'đi để trở về'.
Gần đây, “Phố ông Lang” đã trở thành địa điểm du lịch quen thuộc, thu hút nhiều du khách đến tham quan, chiêm ngưỡng và chụp ảnh. Ai cũng thích thú và hài lòng với sự trang trí và tô điểm của “Phố ông Lang”, mang đậm nét dân dã thôn quê. Nhưng ít ai biết, đằng sau con phố cuốn hút ấy là tấm lòng nghĩa tình, mong muốn làm đẹp quê hương của một người con lập nghiệp xa quê “đi để trở về”.
Nghĩa tình “ông Lang”
Khu du lịch “Phố ông Lang” tọa lạc tại ấp Tân Hòa, xã Giai Xuân, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ được thiết kế theo mô hình công viên sinh thái miệt vườn để phục vụ miễn phí cho người dân. Chủ nhân của khu phố này là ông Nguyễn Ngọc Lang, Tổng Giám đốc Công ty Mỹ phẩm Đăng Dương (tại TP Hồ Chí Minh), một người con của vùng đất Giai Xuân - Phong Điền.
Hơn 20 năm mưu sinh nơi đất khách, sau khi đã gầy dựng nên một cơ ngơi cho riêng mình, với tấm lòng nghĩa tình với cội nguồn, ông quay về làm nhiều việc thiện giúp cho bà con, làng xóm ở quê nhà.
Hơn 10 năm qua, ông luôn tài trợ và phối hợp với địa phương xã Giai Xuân để trao tặng quà, tặng gạo, xây cầu, làm đường… để góp phần tô điểm quê hương. Công trình “Phố Ông Lang” là một dấu ấn đậm nét thể hiện nghĩa tình của một người con xa xứ khao khát muốn làm đẹp quê hương. Con phố này có diện tích khoảng 30.000m2, hiện đã trang trí và đưa vào phục vụ khách tham quan hơn 10.000m2.
Đường đal thẳng tấp, những khóm hoa khoe sắc, nhiều tiểu cảnh dân dã, thôn quê tạo nên nét tự nhiên của khung cảnh miền Tây thanh bình.
Những con đường sình lầy đã được thay thế bằng đoạn đường đal thẳng tấp, những khóm hoa khoe sắc, nhiều tiểu cảnh dân dã, thôn quê được trang trí hài hòa sắc nét, thể hiện một nét tự nhiên, đồng quê miền Tây thanh bình. Một cách đồng chong chóng, một khu vườn rau sạch, một đoạn đường trang trí đèn lồng đầy màu sắc đã gia tăng thêm sức sống của một vùng quê nghèo, hẻo lánh.
Chia sẻ về ý tưởng và việc làm có phần táo bạo của mình, ông Nguyễn Ngọc Lang cho biết,quan niệm sống của ông là “ra đi để trở về”, mình vất vả mưu sinh, kiếm tiền xứ người, khi mình đã có dư dả thì về phát triển xứ mình. Đây là một cách mà theo ông Lang là trả ơn quê hương, xứ sở, nơi “chôn rau cắt rốn” của mình.
“Tôi muốn làm sao cho quê hương mình khang trang, sung túc hơn và dân mình đỡ vất vả. Thứ nhất là làm đường sá cho bà con thuận tiện đi lại, giao thương mua bán, vận chuyển nông sản, học sinh đi học cũng dễ dàng. Thứ hai, là có nơi để thư giãn, sinh hoạt chung sau những giờ mệt nhọc với ruộng nương, vườn tược. Đây là những việc tự đáy lòng tôi muốn thực hiện. Mình đi lập nghiệp, kiếm tiền từ nơi khác về đây để phục vụ quê hương nơi mình khôn lớn là đủ rồi, chứ không muốn kiếm từ quê hương nữa.
Các công trình ở đây tôi làm để cho bà con tự do sinh hoạt chung; rẫy rau trồng đó, ai có nhu cầu ăn thì cứ đến hái đem về hoặc có dụng cụ bắt cá, ai cần thì đến sử dụng. Nguyện vọng của tôi là tri ân bà con quê tôi. Phục vụ bà con miễn phí 100% chứ không có ý tưởng gì kinh doanh”, ông Lang chia sẻ.
Ông Lang kể, ông sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Giai Xuân, Phong Điền này. Nhà nghèo nên học hết lớp 4 ông đã phải thôi học làm ruộng phụ gia đình. Sau đó lập gia đình và dựng một căn nhà lá tạm bợ - ngôi nhà mà ông hay gọi là nhà “chị Dậu”, để sinh sống bằng công việc làm vườn, làm ruộng qua ngày.
Với quyết tâm vươn lên thoát nghèo, năm 2000 ông rời quê và nhờ người chị xin cho làm tiếp thị tại một công ty mỹ phẩm. Hồi đó, ông phải lăn lộn từ Bắc vào Nam, mỗi ngày đi hàng trăm cây số để bán hàng, đi đến những hang cùng ngõ hẻm, gõ cửa từng nhà với hy vọng có thể bán được sản phẩm.
Sau đó, ông xin nghỉ việc ở công ty, rồi bắt đầu nhập mỹ phẩm về bán, bỏ mối lại cho các cửa hàng. Ông luôn cố gắng từng ngày và ấp ủ ước mơ mở một công ty mỹ phẩm. Năm 2007, từ số tiền tích lũy được, ông quyết định cùng với một người bạn cho ra đời công ty mỹ phẩm lấy tên của hai người là Công ty Mỹ phẩm Phúc Lang.
Nhờ không ngừng cố gắng và nỗ lực, việc làm ăn của ông trở nên khấm khá, phát đạt. Sau đó, ông mua lại toàn bộ công ty và mở thêm công ty mới, xây dựng nhà xưởng quy mô, hiện đại. “Bôn ba đất khách, tôi luôn nhớ về quê cha đất tổ và mong muốn có một ngày nào đó thành đạt để trở về phát triển quê hương”, ông Lang nói.
“Thay áo mới” cho một vùng quê hẻo lánh
Nói là làm, từ năm 2012, ông đã trở về địa phương tham gia các hoạt động an sinh xã hội, hỗ trợ địa phương chăm lo cho gia đình chính sách, ngườ nghèo có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã. Từ năm 2019, ông Lang bắt đầu bỏ tiền ra để làm đường, chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn đầu làm 5km và giai đoạn 2 làm 2km, với tổng kinh phí làm cầu, đường khoảng 15 tỷ đồng. Người dân ở ấp Tân Hòa như vỡ òa vì có đường sá đẹp, đi lại thuận tiện hơn.
Khi đường sá đã khang trang, thẳng tấp, ông lại nghĩ đến việc trang trí, tô điểm thêm như công viên sinh thái nông nghiệp. Ông thuê người lắp đèn đường, đào ao nuôi cá, trồng hoa mười giờ hai bên đường, trồng thêm sen và các loại rau, lắp các thiết bị tập thể dục công cộng và xây dựng các tiểu cảnh như: cầu khỉ, vó bắt cá, xuồng ba lá…
Với sự tài trợ của doanh nhân Nguyễn Ngọc Lang, hệ thống cầu đường trên địa bàn xã Giai Xuân đã có diện mạo mới đẹp đẽ, khang trang.
Bà Lê Thị Truyền (vợ ông Lang) chia sẻ, ông bà trưởng thành từ sự đùm bọc của xóm làng, vì thế rất trân quý tình làng nghĩa xóm. Ông bà đã làm từ thiện nhiều năm trên tinh thần khả năng tới đâu làm tới đó. Do đó, khu du lịch “Phố ông Lang” mở ra cũng hoạt động theo mô hình “của chung”. Người dân được tự do đi lại, tự do canh tác rau màu trên đất của khu du lịch hay mượn dụng cụ lao động về làm. Một số hộ còn mở quán bán nước, đồ ăn hay cho thuê trang phục chụp hình để tăng thu nhập…
Vui mừng vì sự “thay da đổi thịt” của làng quê nghèo, bà La Thị Xuân (62 tuổi, ngụ xã Giai Xuân, huyện Phong Điền) cho biết, trước kia đường đi sình bùn khổ lắm, nhờ có ông Lang làm đường giúp người dân đi lại thuận tiện, giao thương phát triển, cuộc sống vui hẳn lên chứ trước buồn dữ lắm. Từ ngày có khu du lịch “Phố ông Lang”, nhiều gia đình được vợ chồng ông Lang hỗ trợ mở quán bán nước phục vụ du khách nên có thêm thu nhập.
Còn bà Mười Giúp thì tâm sự, trước đây toàn khu này đều là đường đất cũ, nhỏ hẹp, đi lại rất khó khăn. Nhờ có sự hỗ trợ của gia đình ông Lang, các con đường đã được đổ bê tông chắc chắn, mở rộng ra 4 mét, giúp việc đi lại, sinh hoạt, mua bán thuận lợi.