Phố phường Hải Dương sau 79 năm giành chính quyền

79 năm sau ngày thu Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thị xã Hải Dương ngày nào đã vươn mình 'thay da đổi thịt' trở thành một thành phố thân thiện, năng động, khang trang với những con đường to đẹp, khu đô thị hiện đại.

Quảng trường Độc Lập trước đây là vườn hoa Bảo Đại - nơi từng diễn ra cuộc mít tinh của người dân trong và ngoại thành hưởng ứng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám. Ảnh: THÀNH CHUNG

Quảng trường Độc Lập trước đây là vườn hoa Bảo Đại - nơi từng diễn ra cuộc mít tinh của người dân trong và ngoại thành hưởng ứng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám. Ảnh: THÀNH CHUNG

Ký ức ngày thu lịch sử

Ông Đinh Sỹ Chính, sinh năm 1930 ở phường Quang Trung (TP Hải Dương) năm nay đã 94 tuổi vẫn giữ được sự nhanh nhẹn, minh mẫn hiếm có. Ông Chính kể, lúc bấy giờ thị xã mình vẫn còn cơ cực, nghèo khổ lắm. Nhà ông Chính cũng như nhiều nhà khác phải chạy ăn từng bữa. “Chúng tôi phải ăn cám cho qua ngày, mặc bao tải để giữ ấm”, ông Chính xúc động nhớ lại. Người đói nằm vạ vật bên đường. Giặc ngông cuồng, coi mạng người như cỏ rác. Chiến tranh và nghèo đói khiến dân mình quá cơ cực. Càng bị áp bức, kìm kẹp thì càng khát khao tự do, độc lập và niềm vui của ngày cách mạng thành công, giành chính quyền về tay nhân dân lại càng to lớn.

Mít tinh chào mừng Cách mạng Tháng Tám thành công năm 1945 tại thị xã Hải Dương

Mít tinh chào mừng Cách mạng Tháng Tám thành công năm 1945 tại thị xã Hải Dương

Theo lời ông Chính, 15 giờ ngày 17/8/1945, cuộc mít tinh do chính quyền bù nhìn tổ chức đã diễn ra. Chúng tập trung ở Câu lạc bộ An Nam (nay là phố Nguyễn Du, Thư viện Hải Dương cũ) định diễu qua các phố lớn rồi về mít tinh tại sân Vọng Cung, nay là Nhà hát nhân dân nhưng khi đoàn biểu tình mới đi đến giữa phố Đông Thị (nay là phố Quang Trung) thì có súng hiệu nổ. Ông Chính lúc ấy mới 15 tuổi hòa vào đoàn biểu tình ở phố Đông Thị. Vừa đi, mọi người vừa hô: “Đả đảo chính phủ Trần Trọng Kim”, “Ủng hộ cách mạng, ủng hộ Việt Minh”. Lá cờ đỏ sao vàng dẫn đoàn người tuần hành qua các phố. Đoàn biểu tình đi đến đâu, mọi người reo mừng phấn khởi gia nhập tới đó, hàng ngũ ngày một đông. Đoàn biểu tình tới trước vườn hoa Bảo Đại (nay là Quảng trường Độc Lập) thì dừng lại tổ chức mít tinh. Một đại biểu của Việt Minh đứng lên diễn thuyết nói rõ 10 chính sách cứu nước của Mặt trận Việt Minh, báo tin Nhật đầu hàng đồng minh và kêu gọi mọi người tham gia ủng hộ Việt Minh giành độc lập cho dân tộc. Nhân dân nhiệt liệt hoan nghênh, phấn khởi hô vang các khẩu hiệu cách mạng.

Ông Đinh Sỹ Chính vẫn nhớ những ký ức về ngày thu Cách Mạng Tháng Tám năm 1945

Ông Đinh Sỹ Chính vẫn nhớ những ký ức về ngày thu Cách Mạng Tháng Tám năm 1945

Ông Chính xúc động nói: “Dân mình phấn khởi lắm, đúng là không có gì quý hơn độc lập, tự do. Trước ngày cách mạng, từ 5-6 giờ tối là phố xá đã vắng hoe, người dân không dám ra đường vì lính tráng đi tuần, bắt người vô cớ. Sau cách mạng, dù vẫn còn khó khăn nhưng dân đã được tự do”.

Vươn mình

Đường Hồng Quang trước đây được gọi là đường Tàu Bay. Ảnh: THÀNH CHUNG

Đường Hồng Quang trước đây được gọi là đường Tàu Bay. Ảnh: THÀNH CHUNG

Trong ký ức của ông Vũ Thành Sự, ở phường Phạm Ngũ Lão (TP Hải Dương), khu vực sầm uất nhất của thị xã lúc đó có lẽ là phố Đông Thị và ngã tư Đông Thị. Ngã tư Đông Thị tạo thành bởi đường Trần Hưng Đạo và phố Quang Trung, Nguyễn Du ngày nay. Phố Đông Thị kéo dài từ ngã tư Đông Thị đến ngã tư Phạm Hồng Thái - Quang Trung.

Ông Sự kể, trong 9 năm kháng chiến (1946-1954), quân đội Pháp sử dụng đường Hồng Quang làm sân bay cho máy bay hạng nhẹ lên xuống, vì thế đường này có tên gọi là đường Tàu Bay. Sau đó lại đổi tên là đường Đinh Văn Tả. Trong những năm 1956-1957, đường Đinh Văn Tả đã được sửa lại thành đường đôi và đổi tên, mang tên liệt sĩ Hồng Quang.

Cũng tại vườn hoa Bảo Đại, ngày 2/9/1945, hàng vạn người lại tập trung nghe loa phóng thanh truyền đi lời Hồ Chủ tịch đọc bản Tuyên ngôn độc lập. Mọi người giơ cao nắm tay hô to 5 lời thề độc lập: "Không đi lính cho Pháp! Không làm việc cho Pháp! Không bán lương thực cho Pháp! Không đưa đường chỉ lối cho Pháp! Không để Pháp xâm lược nước ta lần thứ hai!". Từ đó, vườn hoa đổi tên thành “Vườn hoa Độc Lập”.

TP Hải Dương đang vươn mình phát triển, những con đường, khu phố ngày xưa đã mang diện mạo khang trang, sẽ mãi được coi là “biểu tượng” của thành phố. Trong ảnh: Một góc ngã tư Đông Thị. Ảnh: THÀNH CHUNG

TP Hải Dương đang vươn mình phát triển, những con đường, khu phố ngày xưa đã mang diện mạo khang trang, sẽ mãi được coi là “biểu tượng” của thành phố. Trong ảnh: Một góc ngã tư Đông Thị. Ảnh: THÀNH CHUNG

Sau 79 năm kể từ mùa thu Cách mạng năm 1945 ấy, thị xã Hải Dương xưa và TP Hải Dương nay đã từng bước đổi thay, không ngừng phát triển. Năm 1997, thị xã Hải Dương trở thành thành phố và là đô thị loại III. Năm 2009, TP Hải Dương trở thành đô thị loại II. Năm 2019, Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận TP Hải Dương mở rộng là đô thị loại I.

TP Hải Dương ngày nay đã mang một diện mạo khác với những con đường mới to đẹp, những ngôi nhà cao tầng san sát với những khu đô thị như Ecorivers, Tuệ Tĩnh, Tân Phú Hưng… Nhưng dù bao năm đã qua, khu vực Quảng trường Độc Lập, phố Quang Trung, Nguyễn Du... nay vẫn là những khu vực sầm uất, xứng danh "tấc đất tấc vàng" của thành phố. Nơi đây tập trung nhiều cửa hàng cửa hiệu, việc làm ăn, phát triển kinh tế của người dân thuận lợi.

Nhắc nhớ về quá khứ, nhìn lại những gì đã qua để quyết tâm hơn nữa, tin tưởng vào tương lai, TP Hải Dương đang vươn mình để trở thành đô thị xanh, thông minh, hiện đại.

HN

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/pho-phuong-hai-duong-sau-79-nam-gianh-chinh-quyen-390597.html