Phó Thống đốc: 'Chiến dịch lớn bắt buộc phải làm, không thể khác được'

Theo Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng, việc triển khai Nghị định 2345 là một chiến dịch lớn và 'bắt buộc phải làm, không thể làm khác được'.

Lừa đảo thành nghề lợi nhuận cao

Vừa qua, những thông tin liên quan đến vụ nữ khách hàng bị mất 26,5 tỷ đồng tại Techcombank và Vietcombank gây xôn xao dư luận. Theo đó, nữ khách hàng đã tự cung cấp cho kẻ lừa đảo các yếu tố định danh như tên truy cập, số điện thoại, mật khẩu, mã OPT… tạo điều kiện cho kẻ gian lấy cắp toàn bộ số tiền trên.

Liên quan đến vụ việc này, phát biểu tại Hội thảo "Giải pháp bảo vệ khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng", Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng cho biết sự việc này là hồi chuông cảnh tỉnh cho các chủ tài khoản. “Việc cung cấp thông tin định danh như mã OTP giống như đưa chìa khóa cho kẻ gian tự ý đột nhập nhà mình”.

Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng

Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng

Ông Phạm Thái Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm giám sát An toàn Không gian mạng quốc gia, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin Truyền thông, cho biết: “Với sự phát triển của hoạt động thanh toán phát triển như hiện nay, tình trạng lừa đảo qua mạng ngày càng phức tạp hơn. Thậm chí, lừa đảo qua mạng đã trở thành một nghề để kiếm sống, nghề mang lại lợi nhuận cao”.

Vì xem như đây là một nghề để kiếm sống nên các tổ chức tội phạm liên tục tìm ra những kịch bản lừa đảo tinh vi, trong đó có phân vai nhiệm vụ rõ ràng, khiến nhiều người dễ dàng “sập bẫy”, ông Sơn nói.

“Chẳng hạn như Nghị định 2345 vừa chính thức áp dụng, các tổ chức tội phạm đã nghĩ ngay ra được hình thức lừa đảo mới là giả danh nhân viên ngân hàng để gọi điện hỗ trợ làm sinh trắc học, từ đó lấy thông tin cá nhân của chủ tài khoản”, đại diện Cục An toàn thông tin cho hay.

Chiến dịch lớn chống lừa đảo

Trước tình trạng lừa đảo qua mạng ngày càng đáng báo động, việc đưa Nghị định 2345 vào triển khai thực tế được đánh giá là thiết thực, mang lại tính hiệu quả cao, giúp chủ tài khoản tránh được nhiều hình thức lừa đảo.

Theo Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng, việc triển khai Nghị định 2345 là một chiến dịch lớn và “bắt buộc phải làm, không thể làm khác được”.

“Nghị định 2345 đã được NHNN ấp ủ nhiều năm. Thực tế, sau khi đi vào thực tiễn vẫn sẽ có kẽ hở vì không có phương pháp nào an toàn 100%. Song từ những kẽ hở đó, chúng tôi sẽ tiếp tục đánh giá và đưa ra những giải pháp ngăn chặn tối đa”, đại diện NHNN cho biết.

Quyết định 2345 giải quyết 2 điểm quan trọng, một là mở tài khoản bằng giấy tờ giả, hai là mở tài khoản bằng giấy tờ thật nhưng không phải chính chủ người đó mở.

Do đó, xác thực sinh trắc học theo yêu cầu QĐ 2345 sẽ xác định đúng tài khoản, đúng người có CCCD được Bộ Công an cấp. Bản chất của QĐ 2345 là làm sạch tài khoản, loại bỏ các tài khoản sử dụng giấy tờ giả, loại bỏ tài khoản không chính chủ.

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho biết, bình quân 1 ngày trên hệ thống giao dịch của các ngân hàng có khoảng 1,8 - 2 triệu giao dịch có giá trị trên 10 triệu đồng.

Những ngày qua, các ngân hàng cũng đã dốc sức triển khai Nghị định 2345. Bà Nguyễn Thị Quỳnh Giao, Phó Tổng Giám đốc BIDV, cho biết, ngân hàng có 7.000 cán bộ được đào tạo hỗ trợ người dân xác thực sinh trắc học 24/7 bằng nhiều hình thức. Tính đến đêm 3/7, hơn 1,7 triệu xác thực thành công sinh trắc học, trong đó có 166.000 thu thập tại quầy, bà cho biết.

Ông Pranav Seth, Giám đốc Khối Chuyển đổi Ngân hàng số của Techcombank

Ông Pranav Seth, Giám đốc Khối Chuyển đổi Ngân hàng số của Techcombank

Trong khi đó, ông Pranav Seth, Giám đốc Khối Chuyển đổi Ngân hàng số của Techcombank cho biết trước khi triển khai lấy thông tin sinh trắc học của người dân, Techcombank đã tiến hành thử nghiệm trên 200 loại điện thoại khác nhau, thử quét chip NFC để đưa ra những phương án hỗ trợ phù hợp nhất cho từng loại điện thoại.

Chưa kể, Techcombank còn chia nhóm khách hàng thành hơn 50 nhóm gồm địa điểm sống, thói quen sử dụng tài khoản, hạn mức chi tiêu phổ biến... nhằm nhận diện rủi ro tốt nhất. Nhờ đó, tính đến nay, Techcombank đã có hơn 2,1 triệu khách hàng đã xác thực thành công sinh trắc học”.

"Trong những ngày vừa qua, toàn bộ ban lãnh đạo cùng nhân viên ngân hàng đã cùng trực chiến, làm việc thâu đêm suốt sáng để quá trình triển khai thu thập sinh trắc học và vận hành hệ thống được trơn tru. Đến hiện tại, chúng tôi đã có thể yên tâm và từ hôm nay đã có thể ngủ ngon”, đại diện Techcombank chia sẻ.

Trong khi đó, Vietcombank đã triển khai rất quyết liệt các công tác chuẩn bị cho việc xác thực sinh trắc học, đồng thời còn triển khai xác thực với Bộ Công an từ tháng 12/2023. “Nhờ đó, trong 17 ngày qua, Vietcombank đã thu thập được 1,9 triệu thông tin sinh trắc học của khách hàng”, bà Đoàn Hồng Nhung, Giám đốc Khối Bán lẻ Vietcombank cho biết.

Khánh Tú

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/pho-thong-doc-chien-dich-lon-bat-buoc-phai-lam-khong-the-khac-duoc-d112935.html