Phó Thủ tướng: Bão số 3 rất mạnh, cần di dời người dân khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn

Các địa phương ở Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ đang gấp rút triển khai công tác ứng phó với bão số 3, dự kiến tác động từ đêm ngày mai.

Chiều nay (5-9), Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp trực tiếp và trực tuyến với 28 tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ và 12 bộ ngành liên quan để triển khai công tác ứng phó với siêu bão số 3 - tên quốc tế là YAGI.

Video: Phó Thủ tướng: Bão số 3 rất mạnh, cần di dời người dân khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn

Ngày mai, nhiều tỉnh sẽ cấm biển

Báo cáo tại cuộc họp, đại diện tỉnh Quảng Ninh cho biết tỉnh đã thành lập 4 đoàn công tác đi các địa phương để chỉ đạo công tác ứng phó. Tỉnh huy động 2.663 cán bộ chiến sỹ tham gia công tác ứng phó bão, toàn bộ vật tư thiết yếu đã chuẩn bị đầy đủ. Về tàu thuyền khách du lịch, đến 10 giờ ngày 5-9, còn 154 khách trên các tuyến đảo, hiện đã nắm được thông tin về bão. Tỉnh dự kiến cấm biển từ sáng mai (6-9).

 Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp ứng phó bão số 3 chiều 5-9. Ảnh: BÁ THẮNG

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp ứng phó bão số 3 chiều 5-9. Ảnh: BÁ THẮNG

Hiện toàn tỉnh còn 16 tàu đánh cá xa bờ, các tàu đã nắm được thông tin về bão và đang trên đường trở về bờ. Tỉnh có 2.889 cơ sở nuôi trồng thủy sản với hơn 3.000 lao động. Trong hôm nay đã đưa toàn bộ người già, phụ nữ, trẻ em lên khu vực an toàn. Tỉnh dự kiến hoàn thành việc đưa số người còn lại lên bờ vào chiều 6-9.

Các hồ chứa nước đang tiến hành xả nước để hạ mực nước xuống 80%, đảm bảo an toàn hồ đập trong trường hợp mực nước đổ về lớn. Về sản xuất nông nghiệp, toàn bộ diện tích lúa mùa vụ về cơ bản chưa thu hoạch được, nên sẽ tập trung vào giải pháp chống ngập để giảm thiệt hại ở mức thấp nhất nếu có trường hợp xấu xảy ra.

Phía UBND tỉnh Hải Phòng cũng cho biết đã thành lập 6 đoàn kiểm tra đi thị sát các điểm xung yếu có thể bị ảnh hưởng bởi bão số 3. Bộ Chỉ huy quân sự thành phố, Công an thành phố bố trí sẵn sàng ứng trực, hỗ trợ người dân.

Từ sáng ngày 4-9, lãnh đạo UBND TP Hải Phòng đã trực tiếp đến kiểm tra 2 tuyến đê xung yếu tại huyện Vĩnh Bảo. Đến nay, Hải Phòng cam kết hệ thống đê điều đủ sức chống chịu với bão. Thành phố đặc biệt quan tâm đến nhóm tàu thuyền ở đảo Bạch Long Vĩ, trong đó có khoảng hơn 60 phương tiện ở xa bờ và đang di chuyển nhanh nhất có thể về nơi neo đậu an toàn.

Ngoài ra, đặc thù của Hải Phòng là có nhiều kho bãi chứa container. Do đó, thành phố đã rà soát, kiểm tra các kho bãi ở những khu cảng thuộc quận Ngô Quyền, Hải An, yêu cầu chủ hàng hạ thấp độ cao, tránh việc container bị đổ, gây mất an toàn.

Về phía tỉnh Thái Bình, đại diện UBND tỉnh cũng cho biết dự kiến sẽ cấm biển từ 5 giờ sáng mai, 6-9. Tỉnh có 1.179 chòi canh và 1.128 đồng nuôi trồng thủy hải sản, dự kiến sẽ di dời toàn bộ lao động tại các địa điểm có nguy cơ tới nơi an toàn trước 18 giờ ngày 6-9.

Tỉnh Thái Bình lo ngại nhất về diện tích lúa mùa với 74. 327ha, lúa đã trổ bông 26.000ha, đây là diện tích có nguy cơ cao bị thiệt hại nếu bão đổ bộ.

Thông tin dự báo cần dễ hiểu, người dân mới dễ phòng chống bão

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho hay từ nay đến khi bão đổ bộ chỉ còn 24 giờ để chuẩn bị. Do vậy chúng ta cần chuẩn bị kỹ lưỡng các phương án phòng ngừa rủi ro để không hối tiếc.

“Với cường độ bão và gió giật như vậy, tôi rất lo lắng. Nếu không có phương án kỹ lưỡng thì chúng ta sẽ thiệt hại rất nhiều. Chúng ta phải đặt ra các tình huống, kịch bản từ bây giờ, không chờ công điện nữa mà các địa phương cần chủ động. Hi vọng với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt, chúng ta sẽ vượt qua bão số 3 an toàn” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Ông Hoan cũng cho hay, trong ngày mai, Bộ NN&PTNT sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra về các tỉnh kiểm tra các nơi xung yếu, đơn cử như Quảng Ninh có nhiều hầm lò khai thác than, dễ bị ảnh hưởng từ các trận mưa kéo dài.

 Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà kết luận cuộc họp ứng phó bão số 3. Ảnh: BÁ THẮNG

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà kết luận cuộc họp ứng phó bão số 3. Ảnh: BÁ THẮNG

Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá với diễn biến và dự báo về bão số 3 cho thấy đây là cơn bão rất mạnh, diễn biến phức tạp. Công tác phòng chống bão cũng vì vậy sẽ căng thẳng hơn. Vì trường nhiệt độ rất thuận lợi bổ sung năng lượng cho bão.

Dù bão mạnh, Phó Thủ tướng cho rằng, toàn bộ hệ thống chính trị đã vào cuộc ứng phó bão, với cơ quan thường trực là Bộ NN&PTNT.

Về các nhiệm vụ ứng phó bão những giờ tới, Phó Thủ tướng yêu cầu công tác dự báo cần làm tốt hơn nữa, đưa ra các thông tin gần gũi với người dân. Ví dụ, bản tin dự báo phải làm sao để người dân hình dung được bão cấp 12 thế nào, mái nhà có bay không, cột điện gãy đổ không…? Khi đã hiểu, người dân mới dễ triển khai các biện pháp ứng phó, phòng ngừa.

Cùng đó, trong 24 giờ tới, Phó Thủ tướng cũng đề nghị cơ quan dự báo cần tăng cường các bản tin dự báo, nhưng phải đảm bảo sự chính xác để công tác phòng chống bão được hiệu quả. Không chỉ dự báo bão, cơ quan dự báo cần dự báo hải văn, thủy triều, hoàn lưu sau bão, lũ quét, sạt lở…

Đối với các tỉnh vùng cao, Phó Thủ tướng yêu cầu cần cập nhật thường xuyên bản đồ dự báo về lũ quét, lũ ống, nguy cơ sạt lở, đứt gãy địa chất.. Từ đó di dời dân cư ở các khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn. Yêu cầu từ nay đến trưa mai, nếu còn người dân ở khu vực nguy hiểm không chịu di dời thì phải cưỡng chế đến nơi an toàn để đảm bảo an toàn cho người dân.

Phó Thủ tướng cũng nêu rõ, các bên đều có phân công nhiệm vụ rõ ràng. Các cấp, từ lãnh đạo, đều phải nêu cao tinh thần chủ động. Sai ở đâu phải quy rõ trách nhiệm.

Phó Thủ tướng đồng tình với phương châm của Bộ NN&PTNT, về việc thành lập đoàn trực tiếp thị sát các tỉnh chịu ảnh hưởng của bão. Đồng thời, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu cơ quan thường trực phối hợp chặt với địa phương, giúp người dân phòng ngừa, tránh tổn thất về tài sản, cũng như con người khi ứng phó bão số 3.

AN HIỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/pho-thu-tuong-bao-so-3-rat-manh-can-di-doi-nguoi-dan-khu-vuc-nguy-hiem-den-noi-an-toan-post808589.html