Phó Thủ tướng: Bộ mới sẽ có sứ mệnh lớn hơn
Tại hội nghị tổng kết Bộ Thông tin và Truyền thông, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cho biết, chúng ta sáp nhập thì Bộ mới sẽ có sức mạnh mới, sứ mệnh lớn hơn.
Ngành Thông tin và Truyền thông phải đi trước, đón đầu
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Bộ Thông tin và Truyền thông sáng 29/12, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc ghi nhận và đánh giá cao những kết quả nổi bật của ngành Thông tin và Truyền thông đã đạt được trong năm qua, thúc đẩy ngành Thông tin và Truyền thông ngày càng phát triển. Kết quả đạt được minh chứng cho sự nỗ lực của toàn ngành Thông tin và Truyền thông trong năm vừa qua.
Theo Báo cáo khảo sát Chính phủ điện tử năm 2024 (EGDI) của Liên Hợp Quốc, Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 71 trong tổng số 193 quốc gia, tăng 15 bậc so với năm 2022. Việt Nam là 1 trong 46 quốc gia được xếp vào nhóm 1 về chỉ số an toàn thông tin toàn cầu của ITU năm 2024.
Trong năm 2024, ngành Thông tin và Truyền thông đã hoàn thiện thể chế, tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số, hay trình Chính phủ các Nghị quyết, Nghị định đồng thời ban hành 27 Thông tư, đây là nền tảng pháp luật để định hướng về thông tin phát triển một cách vững mạnh.
Về dịch vụ công trực tuyến đã đạt 45%, thực hiện hạ tầng số, thuê bao di động sử dụng điện thoại thông minh đạt 89,8%, vận hành 5G của Vinaphone, Viettel trong thời gian qua đã tạo đột phá trong dịch vụ sử dụng Internet, tỷ trọng kinh tế số của Việt Nam đã đạt gần 19% năm 2024, năm 2025 sẽ đạt và vượt mục tiêu 20%.
“Đây là con số biết nói, chứng minh lĩnh vực công nghệ thông tin phát triển nhanh nhất trong tất cả các ngành so với thế giới” - Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc nói.
Bên cạnh những thành tích đạt được, Phó Thủ tướng cho rằng, cần nhìn nhận thách thức, khó khăn và hạn chế mà ngành Thông tin và Truyền thông đang đối mặt. Đó là sự thay đổi công nghệ nhanh chóng đòi hỏi phải hoàn thiện pháp luật, cơ chế chính sách nhanh nhất để phát huy nguồn lực.
Cùng với đó, việc đảm bảo an toàn và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên môi trường số, cần phải có giải pháp một cách kịp thời.
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc dẫn chứng, qua vụ lừa đảo TikToker Mr Pips chiếm đoạt hơn 5 ngàn tỷ đồng, gần 3.000 người bị hại. “Điều này thấy rằng ngành Thông tin và Truyền thông phải đi trước, đón đầu, đi nhanh có những giải pháp đón đầu để ngăn chặn, bảo mật tốt, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng cũng dẫn chứng như chữ ký số cũng vẫn có rủi ro nên cần phát triển thêm công nghệ để xác thực như xác thực khuôn mặt để tăng tính bảo mật….
Về lĩnh vực báo chí, Phó Thủ tướng đề nghị quản lý chặt chẽ đảm bảo báo chí cách mạng, đặc biệt phải ngăn chặn thông tin xấu, bịa đặt trên nền tảng số, nền tảng xuyên biên giới.
Sau hợp nhất sẽ mạnh hơn, sâu hơn và hiệu quả hơn
Phó Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo Bộ và toàn ngành Thông tin và Truyền thông tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được với tinh thần tiếp tục tăng tốc, bứt phá các lĩnh vực trong năm 2025.
Tích cực đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển hạ tầng số, nâng cao năng lực dịch vụ, áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI), đẩy mạnh công nghiệp số góp phần thực hiện mục tiêu kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình, hùng cường và thịnh vượng.
Ngày 22/12, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Đây là mệnh lệnh, do vậy trách nhiệm Bộ Thông tin và Truyền thông phải thực thi, đột phá về nguồn lực thúc đẩy nền kinh tế phát triển.
Ngành Thông tin và Truyền thông cần tập trung thực hiện những nội dung như trong Nghị quyết đã đề ra. “Đây là kim chỉ nam cho hành động của chúng ta trong thời gian tới” - Phó Thủ tướng lưu ý.
Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu đẩy mạnh thực hiện công nghệ số để phát triển kinh tế số. Thời đại của công nghệ AI, đi kèm Big Data, Blockchain, điện toán đám mây, hạ tầng kỹ thuật số, cách thức quản lý, kỹ năng lao động giúp công nghệ số hoạt động hiệu quả nhất.
Cùng với đó, ngành Thông tin và Truyền thông cần tập trung đấu tranh các thông tin xấu, độc từ nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới. Tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý sai phạm trong hoạt động báo chí và truyền thông. Trong Luật Báo chí (sửa đổi) sẽ theo hướng quản lý chặt chẽ, phát triển báo chí bền vững.
Đối với Nghị quyết 18 về sắp xếp, tổ chức bộ máy, Phó Thủ tướng nêu, 2 Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ sáp nhập thành Bộ Khoa học, Công nghệ và Truyền thông.
“Chúng ta sáp nhập thì Bộ mới sẽ có sức mạnh mới, có sứ mệnh lớn hơn và thực hiện một cách hiệu quả hơn. Như vậy, 2 bộ có một điểm chung nhất, mẫu số chung là công nghệ, một cánh là công nghệ một cánh là truyền thông nhưng vai trò giữa là công nghệ” - Phó Thủ tướng nói và cho rằng, sắp tới Bộ mới sẽ hoạt động hiệu quả, sâu và mạnh hơn.
Ngoài ra, Bộ Thông tin và Truyền thông cần tăng cường hợp tác đầu tư quốc tế như an ninh mạng, thông tin đối ngoại, quản lý báo chí. “Tin rằng Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phát huy vai trò sáng tạo để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2025” - Phó Thủ tướng bày tỏ.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cảm ơn những ý kiến, gợi ý của Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc. Các chỉ đạo, các nhiệm vụ Phó Thủ tướng giao sẽ được Bộ Thông tin và Truyền thông cụ thể hóa vào kế hoạch và chương trình hành động của năm 2025.
“Các nhiệm vụ Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đã giao cho chúng ta là mệnh lệnh, phải tìm cách làm bằng được. Đây là trách nhiệm của ngành Thông tin và Truyền thông trước Chính phủ và cũng là trách nhiệm với đất nước!” - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/pho-thu-tuong-bo-moi-se-co-su-menh-lon-hon-366840.html