Thời điểm chín muồi để Việt Nam tiến vào kỷ nguyên mới

Với thế và lực sau gần 40 năm đổi mới, tiến vào kỷ nguyên mới là bước phát triển tất yếu để Việt Nam xây dựng đất nước thịnh vượng, hùng cường.

Sự chuyển mình mang tính thời đại

PGS.TS Đào Duy Quát, nguyên Phó trưởng ban thường trực Ban Tư tưởng – văn hóa Trung ương nhận định, bối cảnh thế giới và trong nước hiện đã đặt ra yêu cầu tất yếu bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Đây là kỷ nguyên tăng tốc bứt phá để đạt mục tiêu đến giữa thế kỷ này, Việt Nam trở thành một nước phát triển, có thu nhập cao, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Bắt đầu từ khái niệm kỷ nguyên, ông Quát cho rằng, nói đến kỷ nguyên tức là nói một chặng đường lịch sử phát triển nhất định của dân tộc, nhân loại. Ở đây là sự phát triển là về chính trị, kinh tế, xã hội.

Kỷ nguyên ấy được đánh dấu bằng sự phát triển về chất, tức là từ "lượng" phải chuyển thành "chất" mới, phải được đánh dấu bằng những thành tựu trên tất cả lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, đạt được mục tiêu và chuyển sang kỷ nguyên mới.

Với nhận thức này, trong Cương lĩnh 1991 cũng như Cương lĩnh 2011 của Đảng đã sử dụng khái niệm kỷ nguyên. Theo đó, chặng đường cách mạng từ khi Đảng ra đời năm 1930 đến năm 1945 đã mở ra cho dân tộc ta kỷ nguyên độc lập tự do.

Từ năm 1946 - 1975, Đảng ta lãnh đạo nhân dân Việt Nam tiến hành sự nghiệp kiến quốc, kháng chiến, thống nhất đất nước, lập nên kỳ tích lịch sử và mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam - kỷ nguyên xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ tổ quốc.

Sau gần 40 năm đổi mới kể từ năm 1986, Việt Nam đã đạt được những thành tựu vĩ đại, tạo ra những tiềm lực mới, mạnh, thế lực mới, rất mạnh. Hiện nay, với bối cảnh thế giới thay đổi và những thời cơ, thách thức đối với kinh tế trong nước, Việt Nam đang đứng trước kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Trước đó, theo Tổng Bí thư Tô Lâm phân tích, bối cảnh thế giới hiện nay có hai đặc điểm rất đáng chú ý. Thứ nhất, toàn cầu hóa vẫn đang diễn ra, đây là xu thế hòa bình, hợp tác, phát triển không thể đảo ngược, dù có thăng trầm.

Tuy nhiên, đặc điểm thứ hai là cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn chưa bao giờ gay gắt như hiện nay. Họ có thỏa hiệp nhưng cạnh tranh, đối đầu ngày càng gay gắt, quyết liệt trên nhiều lĩnh vực cả chính trị, kinh tế, công nghệ.

Tổng Bí thư dự báo rằng, cuộc cạnh tranh chiến lược này có thể kết thúc vào năm 2030. Lúc ấy có thể hình thành thế giới đa cực thay cho thế giới đơn cực xuất hiện sau năm 1991, khi hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu tan rã.

Bối cảnh này vừa tạo ra thách thức mới nhưng cơ hội mới cũng rất lớn. Đối với những quốc gia có trí tuệ, vị thế, chính sách đối ngoại đúng đắn, sẽ có thể tận dụng, tranh thủ được sức mạnh của thời đại trong điều kiện này.

Trong bối cảnh ấy, nếu Việt Nam biết phối hợp, gắn chặt các điều kiện, tiềm lực, thế lực, vị thế, uy tín với thời cơ chiến lược, đất nước sẽ có cơ hội mở ra kỷ nguyên mới của dân tộc. Cả nước đang có một sự hứng khởi chưa từng thấy sau thông điệp của Tổng Bí thư, ông Quát nhận định.

Không chỉ những thách thức từ thế giới, bối cảnh kinh tế trong nước cũng đặt ra những yêu cầu bắt buộc đổi với việc tiến vào kỷ nguyên mới.

Theo TS. Nguyễn Văn Đáng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, sau gần 40 năm đổi mới Việt Nam phải bứt phá để vươn lên chứ không thể "chùng chình". Cụm từ "kỷ nguyên mới", "kỷ nguyên vươn mình" rất rõ. Việt Nam phải vươn lên để bứt phá chứ không thể bình bình, tịnh tiến từ từ.

TS. Nguyễn Văn Đáng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Ảnh: VGP.

TS. Nguyễn Văn Đáng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Ảnh: VGP.

Nhìn sang các nước trong khu vực, ông Đáng nhận định, họ đã đi trước và có những bước phát triển rất nhanh trong thời gian tính bằng thập kỷ. Tuy nhiên, sau đó, họ đã rơi vào vòng luẩn quẩn, bẫy thu nhập trung bình.

Chính vì vậy, nếu Việt Nam không chủ động, không nhìn thấy thách thức để bứt phá, vươn lên, thì cũng sẽ rơi vào tình trạng tương tự.

Việt Nam có thể tăng GDP bình quân đầu người lên 8.000 - 9.000USD nhưng không thể bứt qua được mốc 10.000USD, tức là chỉ ở mức nước thu nhập trung bình cao, chứ không thể gia nhập nhóm các nước phát triển với GDP bình quân đầu người trên 13.000USD.

Chính vì thế, Việt Nam phải bứt phá để thay đổi hẳn vị thế quốc gia, dân tộc trên trường quốc tế.

Đủ thế và lực để bước vào kỷ nguyên mới

Mục tiêu là rất lớn, thách thức cũng không nhỏ, song theo ông Đáng, thế và lực của Việt Nam hiện đã tích lũy đủ cho bước chuyển mình của dân tộc.

Về kinh tế, tại tọa đàm "Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc – Cơ hội và thách thức", ông Đáng cho rằng, sau đổi mới, Việt Nam đã thoát ra khỏi vị trí của một nước nghèo để trở thành nước thuộc nhóm thu nhập trung bình từ những năm 2008 - 2009.

Từ chỗ GDP bình quân đầu người chưa đến 200USD những năm 1990, đến nay GDP bình quân đầu người đã khoảng 4.300USD, đó là một sự thay đổi rất rõ rệt, thuyết phục.

Về thương mại quốc tế, từ chỗ gần như bị cô lập, đến nay Việt Nam được đánh giá là một trong những nền kinh tế có độ mở nhất thế giới, 17 hiệp định thương mại tự do được ký kết với gần 60 đối tác, tham gia tất cả tổ chức quốc tế trên thế giới và có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với nhiều siêu cường. Điều đó thể hiện khả năng hội nhập thế giới sâu rộng, chủ động, thành công của Việt Nam.

Về mặt xã hội, Việt Nam đã xóa đói, giảm nghèo rất thành công, được các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới coi là một câu chuyện thành công, đưa tỷ lệ nghèo đói của Việt Nam xuống rất thấp.

Về mặt chính trị, từ cuối những năm thập kỷ 80, 90 thế kỷ trước, hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô sụp đổ, bất chấp những biến động chính trị rất mạnh mẽ, thế giới có những cuộc cạnh tranh đa dạng, phức tạp, Việt Nam vẫn giữ vững được sự ổn định chính trị trong gần 40 năm vừa qua.

Có thể nói, trên mọi phương diện kinh tế, chính trị, xã hội, đối ngoại, thương mại quốc tế, Việt Nam đều có những bước tiến rất rõ rệt. Tất cả đã chuyển hóa thành trạng thái, tâm thế để người Việt Nam cảm thấy cần có sự bứt phá vị thế quốc gia lên một tầm cao mới.

Một nền tảng quan trọng khác được ông Đáng nêu ra là lòng người, đó là cảm hứng của cả một dân tộc, niềm tự hào dân tộc được khơi dậy. Đó là sức mạnh rất lớn, cả dân tộc Việt Nam đang khơi gợi niềm tự hào và ý chí vươn lên.

"Đây là quyết tâm chính trị rất tham vọng, rất nhiều thách thức sẽ đón đợi, nhưng tôi tin vào khát vọng của dân tộc Việt Nam. Đại hội XIV của Đảng sẽ là dấu mốc để cả nước thực sự bắt tay vào việc thay đổi vị thế quốc gia trong hơn hai thập kỷ sắp tới", ông Đáng nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng cho rằng, với thế và lực sau gần 40 năm đổi mới đã tích lũy được, có thể nói rằng đây là thời điểm chín muồi để đất nước, dân tộc bước vào kỷ nguyên mới.

Đây cũng là bước phát triển tất yếu, phù hợp quy luật vận động của cách mạng Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại.

Hiện Việt Nam đang sống trong kỷ nguyên số, với tính chất của kỷ nguyên là công nghệ mới, tạo nên sự khác biệt. Kỷ nguyên mới mà dân tộc Việt Nam bước vào là "kỷ nguyên vươn mình".

Ông Dũng chỉ ra ba căn cứ cho thấy vị thế mới của Việt Nam ở hiện tại giúp đất nước vươn lên mạnh mẽ trong tương lai, không chỉ phát triển về kinh tế, về khoa học, công nghệ mà còn vươn lên một vị thế mới trên trường quốc tế.

Thứ nhất, về nền tảng kinh tế, Việt Nam đã vượt qua nước nghèo để phát triển rất nhanh, mạnh, là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới. Nếu tính về thu nhập, trong thời gian đổi mới, thu nhập của người dân Việt Nam đã tăng khá ấn tượng lên 20 lần.

Căn cứ thứ hai là Việt Nam có một hệ thống chính trị ổn định, đó là nền tảng vững chắc để phát triển kinh tế.

Thứ ba là vị thế quốc tế và chính sách ngoại giao. Việt Nam gần như hợp tác được với tất cả các nước, mọi tổ chức, với 17 hiệp định thương mại tự do.

Cùng với sự nhất trí, quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân với khí thế tăng tốc, bứt phá và đổi mới quyết liệt, Việt Nam sẽ bước vào kỷ nguyên mới với bước phát triển bứt phá, nhảy vọt.

Minh Anh

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/thoi-diem-chin-muoi-de-viet-nam-tien-vao-ky-nguyen-moi-d38547.html