Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn tham dự và phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Chính phủ thế giới 2025
Các thông điệp của Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn tại Hội nghị nhận được sự đánh giá cao của các đại biểu tham dự, góp phần củng cố vai trò, vị thế quốc tế, lan tỏa những thành tựu to lớn của đất nước trong những năm qua...
![Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn phát biểu tại Phiên các nền kinh tế mới nổi trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Chính phủ thế giới 2025.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_194_51461245/8cd08531b57f5c21056e.jpg)
Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn phát biểu tại Phiên các nền kinh tế mới nổi trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Chính phủ thế giới 2025.
Trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Chính phủ thế giới (WGS) 2025, sáng 12/2, Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn đã tham dự và có các phát biểu dẫn đề quan trọng tại hai phiên chính của Hội nghị về chủ đề “Các nền kinh tế mới nổi - Tận dụng đổi mới kỹ thuật số và năng lượng tái tạo để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và cạnh tranh" và "Hành động hướng tới các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) với chủ đề: Kinh nghiệm và thành tựu của Việt Nam về hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững”.
Phiên các nền kinh tế mới nổi là phiên thảo luận chính của Hội nghị, quy tụ nhiều lãnh đạo cấp cao của các nước như các Phó Tổng thống Paraguay, El Salvador, Phó Thủ tướng Fiji và hơn 250 đại biểu, tập trung thảo luận về phát huy tiềm năng của các nền kinh tế mới nổi trong một thế giới năng động, tận dụng đổi mới kỹ thuật số và năng lượng tái tạo để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, thế giới đang chứng kiến những biến động nhanh chóng, chưa có tiền lệ, với nhiều thách thức nhưng cũng mở ra cơ hội để các quốc gia đang phát triển, đặc biệt là các nền kinh tế mới nổi thực hiện những "bước nhảy vọt", bắt kịp, tiến cùng và vượt lên trong dòng chảy của thế giới, tạo ra những kỳ tích về phát triển.
Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng nhấn mạnh hợp tác và kết nối có ý nghĩa quyết định đối với sự thịnh vượng chung, trong đó có 3 kết nối quan trọng: kết nối các trung tâm đổi mới sáng tạo giữa các nền kinh tế phát triển và các nền kinh tế mới nổi, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo; kết nối cơ sở hạ tầng, cả hạ tầng cứng và hạ tầng mềm, hài hòa các quy định, tiêu chuẩn về sản xuất, thương mại và đầu tư; kết nối nguồn lực thông qua thúc đẩy các mô hình hợp tác tài chính công-tư, hợp tác ba bên, tài chính xanh, tài chính toàn diện, tài chính cho phát triển.
Chia sẻ về quan điểm và chính sách phát triển kinh tế của Việt Nam, Phó Thủ tướng khẳng định những thông điệp mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam về quyết tâm đổi mới mạnh mẽ tư duy, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường; khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước, hiện thực hóa mục tiêu đưa đất nước phát triển bứt phá trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình phát triển, giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng và khát vọng, tầm nhìn của Việt Nam đến năm 2030 và năm 2045.
![Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn khẳng định những thông điệp mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam về quyết tâm đổi mới mạnh mẽ tư duy, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_194_51461245/281f39fe09b0e0eeb9a1.jpg)
Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn khẳng định những thông điệp mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam về quyết tâm đổi mới mạnh mẽ tư duy, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường.
Về những ưu tiên chiến lược thời gian tới, Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh Việt Nam luôn kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ; đa phương hóa, đa dạng hóa; là bạn tốt, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tự cường gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng số hóa, xanh hóa.
Tập trung đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược, phát triển hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, các trung tâm tài chính quốc tế và trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia; xác định phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là đột phá quan trọng hàng đầu, là con đường duy nhất để đưa đất nước phát triển tăng tốc, bứt phá và bền vững; hiện đang rất tích cực đẩy nhanh tiến trình tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Phó Thủ tướng kêu gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư UAE, Trung Đông và các nước đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên của Việt Nam hiện nay như chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, công nghệ cao, AI, bán dẫn, năng lượng tái tạo, phát triển trung tâm tài chính, trung tâm đổi mới sáng tạo…
Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn cũng mời các nước, các đối tác quốc tế tới tham dự các Hội nghị do Việt Nam đăng cai năm 2025 gồm Hội nghị thượng đỉnh Đối tác vì tăng trưởng xanh và các mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G) vào 16-17/4/2025 và Hội nghị Bộ trưởng Cơ quan Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) vào tháng 10/2025.
Đánh giá về quan hệ song phương Việt Nam-UAE, Phó Thủ tướng chính phủ tin tưởng quan hệ Đối tác toàn diện và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (CEPA) với UAE sẽ được cụ thể hóa thực chất, tích cực, đặt nền móng vững chắc tiếp tục đưa quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với UAE nói riêng và khu vực Trung Đông lên tầm cao mới.
![Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn phát biểu tại Phiên hành động hướng tới các Mục tiêu phát triển bền vững trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh Chính phủ thế giới 2025.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_194_51461245/e1e9f908c94620187957.jpg)
Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn phát biểu tại Phiên hành động hướng tới các Mục tiêu phát triển bền vững trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh Chính phủ thế giới 2025.
Là diễn giả phát biểu dẫn đề tại Phiên họp về “Hành động hướng tới các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs)”, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn chia sẻ các thành tựu, kinh nghiệm và bài học của Việt Nam trong gần 40 năm Đổi mới và nỗ lực thực hiện các mục tiêu SDG.
Phó Thủ tướng khẳng định, Việt Nam hết sức coi trọng và đã nỗ lực hết sức mình để về đích sớm 10 năm trong thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) và hiện tiếp tục nỗ lực thực hiện các Mục tiêu SDGs.
Phó Thủ tướng cho rằng, những biến chuyển mang tính thời đại của thế giới khiến các chính phủ không có lựa chọn nào khác ngoài một tư duy phát triển mới bền vững và bao trùm, đổi mới, sáng tạo trong quản trị và điều hành, một cách tiếp cận hành động và đột phá vì phát triển bền vững và một quan hệ đối tác mới dựa trên nền tảng đoàn kết quốc tế, đề cao công bằng, chủ nghĩa đa phương và tôn trọng luật pháp quốc tế.
![Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn khẳng định, Việt Nam hết sức coi trọng và đã nỗ lực hết sức mình để về đích sớm 10 năm trong thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_194_51461245/91548bb5bbfb52a50bea.jpg)
Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn khẳng định, Việt Nam hết sức coi trọng và đã nỗ lực hết sức mình để về đích sớm 10 năm trong thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ.
Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng đề xuất 5 quan điểm nhằm đẩy nhanh hiện thực hóa các mục tiêu SDG:
Hòa bình, ổn định là nền tảng để kiến tạo tương lai thịnh vượng. Kêu gọi các nước tăng cường củng cố đoàn kết, sự chân thành, lòng tin giữa các quốc gia, đề cao đối thoại và hợp tác.
Cần có tư duy mới kiến tạo tương lai mang tính chuyển đổi mạnh mẽ, toàn diện, tập trung vào chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và chuyển đổi quản trị toàn cầu nhằm tăng cường sức chống chịu, năng lực tự cường và vươn mình phát triển bứt phá.
Các chính phủ cần đóng vai trò tiên phong trong kết nối, khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực phục vụ phát triển.
Đề cao hợp tác quốc tế, chủ nghĩa đa phương, cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân, toàn diện trong giải quyết các thách thức chung, tăng cường năng lực, hiệu quả, sẵn sàng cho tương lai.
Con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực và nguồn lực quan trọng nhất của mọi chính sách, hành động ở tất cả các cấp độ.
![Các đại biểu dự Phiên các nền kinh tế mới nổi trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Chính phủ thế giới 2025.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_194_51461245/0b0c14ed24a3cdfd94b2.jpg)
Các đại biểu dự Phiên các nền kinh tế mới nổi trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Chính phủ thế giới 2025.
Các thông điệp của Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn nhận được sự đánh giá cao của các đại biểu tham dự, góp phần củng cố vai trò, vị thế quốc tế, lan tỏa những thành tựu to lớn của đất nước trong những năm qua, cũng như tầm nhìn và triển vọng phát triển của Việt Nam trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Lãnh đạo các Chính phủ, các bộ, ngành và doanh nghiệp các nước đánh giá cao tiềm năng phát triển và những nỗ lực mạnh mẽ trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo của Việt Nam, khẳng định mong muốn đẩy mạnh hợp tác với Việt Nam trên các lĩnh vực, nhất là đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, năng lượng tái tạo…
Hội nghị thượng đỉnh Chính phủ thế giới (WGS) lần thứ 12 diễn ra trong 3 ngày từ 11- 3/2 tại thành phố Dubai, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).
Tham dự Hội nghị có khoảng 6.000 đại biểu với hơn 30 Nguyên thủ quốc gia và Lãnh đạo Chính phủ, trong đó có Tổng thống Ba Lan, Indonesia, Srilanka, Bosnia, Columbia; Quốc vương Eswatini; các Thủ tướng Lào, Pakistan, Kuwait, Solomon, Dominica, Latvia, Barbados, Uganda, Bhutan, cựu Thủ tướng Anh...; hơn 400 bộ trưởng và hàng nghìn lãnh đạo ngành, chuyên gia và nhà hoạch định chính sách từ hơn 140 quốc gia trên thế giới, cùng đại diện từ hơn 80 tổ chức quốc tế, khu vực và liên chính phủ và lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp lớn toàn cầu.
Với chủ đề “Định hình Chính phủ tương lai”, Hội nghị thượng đỉnh WGS 2025 tập trung thảo luận về các thách thức và tương lai của quản trị toàn cầu cũng như tăng cường hợp tác quốc tế, tăng cường vai trò của các nền kinh tế mới nổi nhằm tìm kiếm các giải pháp sáng tạo, đổi mới công nghệ, quản trị quốc gia để tăng cường tính minh bạch, hiệu lực, hiệu quả của các chính phủ, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, nâng cao khả năng chống chịu của các đô thị trước tác động của biến đổi khí hậu, cũng như đảm bảo hệ thống chăm sóc sức khỏe trước những thách thức toàn cầu.