Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà: 'Địa kỹ thuật phải tìm giải pháp ít tác động nhất đến trái đất'
Khoa học Địa kỹ thuật là một lĩnh vực nghiên cứu của Khoa học trái đất và Khoa học công trình bao gồm các môn khoa học cụ thể như: Cơ học đất, địa chất, địa mạo, địa động học, thủy văn, môi trường, cơ học kết cấu, nền móng, công trình ngầm và không gian ngầm… Đây là chìa khóa để chúng ta giải quyết các thách thức về biến đổi khí hậu, tuy nhiên, địa kỹ thuật phải tìm giải pháp ít tác động nhất đến trái đất.
Đây là một trong những phát biểu của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại GEOTEC HANOI 2023 (GH 2023) với chủ đề “Địa kỹ thuật vì sự phát triển hạ tầng bền vững”. Hội nghị diễn ra trong hai ngày 14/12/2023 và 15/12/2023 tại Hà Nội. Đây cũng là lần thứ 5 liên tiếp hội nghị quốc tế GH 2023 được tổ chức bởi các doanh nghiệp và tổ chức hàng đầu về Địa kỹ thuật của Việt Nam và thế giới.
Khoa học Địa kỹ thuật là chìa khóa giải quyết biến đổi khí hậu
Thảm họa nhói đau tồi tệ do động đất xảy ra ngày 06/2/2023 xảy ra tại phía Nam Thổ Nhĩ Kỳ và biên giới Syria đã cướp đi sinh mạng của khoảng 50 nghìn người và đẩy hàng triệu người vào cảnh “màn trời, chiếu đất” trong thời tiết mùa đông khắc nghiệt.
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, biến đổi khí hậu, nước biển dâng cùng với những tai biến địa chất đang đe dọa đời sống, sinh kế của người dân ở rất nhiều nơi trên toàn cầu. Cùng với đó, yêu cầu chuyển đổi mô hình phát triển cũng đặt ra bài toàn tối ưu hóa trong sử dụng các nguồn tài nguyên và không gian phát triển đối với mỗi quốc gia. Khoa học Địa kỹ thuật là chìa khóa để chúng ta giải quyết các thách thức đó.
Các nghiên cứu khoa học, điều tra cơ bản về Địa kỹ thuật cung cấp dữ liệu đầu vào quan trọng cho xây dựng các quy hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch, phát triển đô thị thông minh, hệ thống kết cấu hạ tầng; sử dụng hiệu quả tài nguyên đất đai, tuần hoàn nước; phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, mở ra không gian phát triển mới trên cơ sở phát triển công trình ngầm, khai thác không gian biển...
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhận định, đặc biệt, nghiên cứu về cấu trúc, quá trình tiến hóa địa chất diễn ra trong lịch sử và khảo sát đánh giá về cơ học đất, địa chất, địa mạo, địa động học, thủy văn, môi trường, cơ học kết cấu, nền móng cùng với các mô hình toán sẽ giúp dự báo trước được các tác động, nguy cơ về tai biến địa chất, thiên tai có thể xảy ra trong tương lai để có các giải pháp công trình đủ sức chống chịu, đảm bảo yếu tố bền vững.
“Tôi vui mừng được biết, sự kiện khoa học này thu hút sự quan tâm của hơn 200 diễn giả là các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực đến từ hơn 40 quốc gia trên thế giới với các tham luận khoa học về sáu chuyên đề, trong đó có các chuyên đề có tính thời sự với Việt Nam như: Hầm và Công trình ngầm, Trượt lở và xói mòn, Năng lượng gió ngoài khơi và Kỹ thuật nền móng bờ biển. Đây là cơ hội để các nhà khoa học, doanh nghiệp khoa học công nghệ, Viện nghiên cứu, các trường đại học, các cơ quan tư vấn thiết kế của Việt Nam trao đổi về khoa học, xu thế công nghệ thế giới”, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu.
Tại Hội nghị Quốc tế GEOTEC HANOI 2023, Phó Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao nỗ lực của Công ty FECON cùng với Hội cơ học đất và địa kỹ thuật công trình Việt Nam, trường Đại học Thủy Lợi, Viện Dầu khí Việt Nam và Hội Địa kỹ thuật Nhật Bản trong tổ chức Hội nghị quốc tế lần thứ 5 này sau 4 kỳ rất thành công và có kết quả thiết thực trong triển khai thực tế.
Việt Nam đang chú trọng nghiên cứu địa kỹ thuật
Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu; có điều kiện địa hình, địa chất tự nhiên đa dạng; trong những năm gần đây phải đối mặt với các vấn đề sạt trượt tại các khu vực miền núi, ngập lụt, sụt lún tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long…
Với thành tựu về phát triển kinh tế trong những năm qua, Việt Nam đang trong tiến trình đô thị hóa, công nghiệp hóa và phát triển hạ tầng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ. Chúng tôi cũng lựa chọn chuyển đổi theo mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Từ đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chia sẻ: “Chúng tôi đang chú trọng nghiên cứu địa kỹ thuật để tối ưu hóa trong sử dụng tài nguyên, vật liệu; phát triển không gian ngầm tại các đô thị; xây dựng bản đồ tai biến địa chất tại khu vực miền núi; phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, cô lập và khoáng hóa/cất giữ carbon trong các cấu trúc địa chất quy mô lớn đáng tin cậy, xác định; địa chất biển cho phát triển các trang trại gió ngoài khơi; xây dựng công trình đê, đập chống sóng và hệ thống công trình để kiểm soát dòng chảy giảm xói lở bờ sông, bờ biển”.
Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ cũng bày tỏ sự mong muốn sẽ có những đóng góp, khuyến nghị cụ thể cho Chính phủ trong xây dựng chính sách, chiến lược và các giải pháp để góp phần hoàn thành một trong các nhiệm đột phá chiến lược phát triển của Việt Nam đó là Phát triển kết cấu hạ tầng nhanh, xanh và bền vững.