Phó Thủ tướng: Đến năm 2030, Việt Nam phải có 5.000km đường cao tốc
Tại Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2021, nhiệm vụ giai đoạn 2021-2025 của Bộ GTVT, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, trong giai đoạn 2025 nước ta cần có thêm 3.000km đường cao tốc, để tới 2030 có tổng số 5.000km đường cao tốc.
Sáng 24/12, Bộ GTVT tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2020, giai đoạn 2016 - 2020 và triển khai kế hoạch năm 2021, nhiệm vụ chủ yếu giai đoạn 2021-2025. Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tuyến, điểm đầu cầu TP. Hà Nội và các điểm cầu tại 62 tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng dự và chỉ đạo Hội nghị.
Nhiều công trình giao thông lớn làm thay đổi diện mạo đất nước
Đánh giá kết quả năm 2020, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ghi nhận những nỗ lực to lớn của ngành GTVT, hoàn thành các nhiệm vụ đặt ra.
Phó Thủ tướng khẳng định Bộ GTVT đã tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật, chiến lược, quy hoạch, đề án, qua đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về GTVT.
Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, nhiều công trình giao thông lớn, hiện đại đã và đang từng bước được đầu tư xây dựng, góp phần tạo diện mạo mới cho đất nước, tạo lập được sự kết nối giữa các vùng miền trong cả nước và với quốc tế.
Bộ GTVT đã kịp thời hoàn tất các thủ tục, triển khai thi công 6 dự án thành phần của Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông; Tích cực tham mưu Chính phủ, Quốc hội và đã được phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng Cảng HKQT Long Thành; Dự án nâng cấp, sửa chữa đường cất, hạ cánh, đường lăn cảng HKQT Tân Sơn Nhất và Nội Bài được triển khai, dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông...
Công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông được triển khai tích cực; kiểm soát tốt tải trọng xe, giảm ùn tắc giao thông; phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn có nhiều kết quả tích cực, góp phần giảm thiểu thiệt hại cho nhà nước và người dân. Tai nạn giao thông giảm liên tiếp trong 5 năm liền trên cả 3 tiêu chí. Giai đoạn 2016-2020, số vụ giảm 42,7%, số người chết giảm 19% và số người bị thương giảm 53,91% so với giai đoạn 2011 - 2016, đạt chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao.
“Những kết quả trên là do sự nỗ lực, cố gắng, trách nhiệm của toàn ngành GTVT trong đó có sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Bộ GTVT.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tôi ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương tập thể lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động ngành GTVT nói chung, Bộ GTVT nói riêng trong việc đoàn kết, nỗ lực khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ, góp phần quan trọng cùng cả nước thực hiện thắng lợi nhiều mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và cả giai đoạn 2016 - 2020”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Đường sắt Cát Linh chậm khai thác là thất thoát vô hình
Đề cập đến việc sớm đưa đường sắt Cát Linh - Hà Đông vào vận hành, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các bộ, ngành liên quan phối hợp hỗ trợ Bộ GTVT xử lý các vướng mắc tại dự án Cát Linh - Hà Đông.
Phó Thủ tướng khẳng định, càng chậm đưa vào khai thác sử dụng thì dự án càng kém hiệu quả, đó là thất thoát vô hình, vì cả Nhà nước các bộ ngành hay người dân cũng đều không được thụ hưởng.
Về nhiệm vụ năm 2021, Phó Thủ tướng lưu ý, Bộ GTVT cần xác định rõ những thời cơ, thách thức trong năm 2021 và những năm tiếp theo. Trong đó, nhiệm vụ phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vận tải trong 5 năm tới là rất nặng nề.
Cụ thể, đến năm 2025, hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Hoàn thành giai đoạn 1 của Cảng hàng không quốc tế Long Thành; Hoàn thành trên 1.700 km đường ven biển từ Quảng Ninh đến Cà Mau; Đầu tư các công trình giao thông trọng yếu theo quy hoạch, nhất là tuyến vành đai đô thị lớn, các tuyến đường bộ cao tốc, quốc lộ quan trọng; Chuẩn bị để triển khai một số đoạn đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đường sắt vùng…
Theo Phó Thủ tướng, nhiệm vụ đầu tiên và quan trọng bậc nhất của Bộ GTVT là hoàn thiện thể chế, pháp luật liên quan đến ngành GTVT, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để thu hút hiệu quả nguồn lực cho đầu tư, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng GTVT.
Kế đó, cần khẩn trương rà soát, hoàn thành các quy hoạch ngành GTVT (theo Luật Quy hoạch) như Quy hoạch mạng lưới đường bộ, đường sắt, hệ thống cảng biển, càng hàng không, sân bay, đường thủy nội địa…
“Tập trung xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch cũng như tiến độ thực hiện; Thực hiện hiệu quả kế hoạch đầu tư công năm 2021, giai đoạn 2021 - 2025. Trong giai đoạn 2025 cần có thêm 3.000km để tới 2030 có tổng số 5.000km. Khẩn trương triển khai Dự án đầu tư Cảng HKQT Long Thành; Phối hợp chặt chẽ với TP Hà Nội và TP.HCM thúc đẩy tiến độ triển khai các dự án đường sắt đô thị bảo đảm chất lượng, tiến độ và hiệu quả đầu tư…”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng nhìn nhận, hiện nay, việc huy động nguồn lực ngoài ngân sách cho hạ tầng giao thông còn rất khó khăn bởi chúng ta chưa hoàn thiện pháp luật đối tác công tư (PPP). Do đó, cần sớm hoàn thiện luật này để cởi mở, tháo gỡ khó khăn, để người đầu tư cảm thấy an toàn, tính hiệu quả của dự án BOT giao thông.
Cùng với đó, Phó Thủ tướng yêu cầu cần tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu vận tải, nâng cao sản lượng, chất lượng dịch vụ vận tải, nâng cao tính kết nối giữa các phương thức vận tải. Thực hiện hiệu quả Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025;
Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp về đảm bảo trật tự an toàn giao thông, giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông; tham gia tích cực, hiệu quả vào công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn;
Xây dựng, triển khai các giải pháp hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp vận tải, dịch vụ vận tải trên tất cả các lĩnh vực phát triển đồng thời gắn với các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch covid-19 trong tình hình mới.
Tiếp thu toàn bộ ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cam kết, với những bài học kinh nghiệm, những hạn chế, nguyên nhân hạn chế Phó thủ tướng chỉ ra, Bộ GTVT sẽ nghiêm túc tiếp thu, cố gắng phát huy kết quả đạt được, nhìn nhận hạn chế yếu kém, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ 2021 và giai đoạn 2021 - 2025./.