Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng: Doanh nghiệp được tham gia kiến tạo cùng đất nước
Nghị quyết 68 được xem như bước ngoặt cho kinh tế tư nhân tiến lên, động lực lớn để người dân, doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp, kinh doanh. Sau loạt bài: 'Cao tốc' cho kinh tế tư nhân, báo Tiền Phong có cuộc trò chuyện với Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng xoay quanh vấn đề này.
Xóa tan nỗi sợ của doanh nghiệp
Thưa Phó Thủ tướng, Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân đưa ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp nhằm tạo xung lực mới, khí thế mới; là “động lực quan trọng nhất” của nền kinh tế. Xin Phó Thủ tướng cho biết ý nghĩa đặc biệt của Nghị quyết trong bối cảnh hiện nay?

Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao loạt bài của báo Tiền Phong: “Cao tốc” cho kinh tế tư nhân. Ảnh: Phạm Duy
Nghị quyết 68 được đánh giá mang tính lịch sử, tạo ra bước ngoặt trong thời kỳ phát triển mới của đất nước, góp phần thay đổi nhận thức về kinh tế tư nhân. Trước đây, kinh tế tư nhân được xem là đối tượng quản lý, bây giờ chuyển thành đối tác đồng hành phát triển đất nước (trực tiếp làm ra của cải vật chất, thu nhập, tạo việc làm, đóng thuế-PV). Trước đây, năm 1986, Nhà nước không thừa nhận thành phần kinh tế này, Nghị quyết 10/NQ-TW 2017 nhận định khu vực kinh tế tư nhân là động lực quan trọng và tới Nghị quyết 68 nhận định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất.

Nghị quyết 68 sẽ thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ. Trong ảnh, công nhân tại một doanh nghiệp may mặc. Ảnh: Như Ý
Bộ Chính trị, Tổng Bí thư, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu xây dựng nghị quyết có tính hành động cao, cụ thể, chi tiết và triển khai ngay. Sau Nghị quyết 68, Quốc hội ban hành nghị quyết triển khai, thể chế hóa vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Chính phủ xây dựng chương trình hành động, triển khai Nghị quyết 68. Sự đồng hành của Quốc hội, Chính phủ cụ thể hóa kịp thời Nghị quyết 68, đáp ứng mong mỏi của khu vực doanh nghiệp, doanh nhân và khu vực tư nhân.
Lâu nay, một bộ phận người dân, doanh nghiệp còn thiếu sự tin tưởng vào bộ máy, có lúc nản lòng; không muốn, không dám và không thể phát triển. Người dân, doanh nghiệp còn gặp rào cản nhũng nhiễu, lòng vòng. Nhiều quy định pháp luật không rõ ràng khiến người dân lo ngại. Tuy nhiên, Nghị quyết 68 đã giải quyết được những vấn đề này.
Báo Tiền Phong đã “chạm” đến vấn đề Nghị quyết 68
“Vai trò của báo chí trong triển khai Nghị quyết 68 rất quan trọng. Nghị quyết 68 có vào được cuộc sống hay không có vai trò của truyền thông như: Giới thiệu, quán triệt, tư tưởng, quan điểm, tư duy, chính sách cụ thể. Tôi đánh giá cao báo Tiền Phong có loạt bài rất tốt, vừa giới thiệu nghị quyết, truyền thông chính sách đến cuộc sống và chạm vấn đề dưới góc độ của báo chí, rất gần gũi với người dân, doanh nghiệp”, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng cho biết.
Sau khi có Nghị quyết 68, chủ tịch một hiệp hội doanh nghiệp tại TPHCM nhắn tin cho tôi hoan nghênh và tâm sự. Trong tin nhắn, vị này chia sẻ rằng, doanh nghiệp có 3 nỗi sợ: Thủ tục hành chính, thanh tra kiểm tra và bị xử lý vi phạm. Lần này Nghị quyết 68 đưa ra cách xử lý 3 vấn đề trên.
Doanh nghiệp được đối xử bình đẳng, bảo vệ quyền lợi, quyền tài sản, cạnh tranh… Việc thanh tra, kiểm tra đơn giản, rút ngắn, minh bạch. Nếu vụ việc chấp chới giữa ranh giới dân sự và hình sự, sẽ không xử lý hình sự. Đây là đột phá vô cùng quan trọng. Còn vụ việc vi phạm đến mức xử lý hình sự, sẽ ưu tiên biện pháp kinh tế khắc phục trước. Và lấy đó làm cơ sở để giải quyết các bước tiếp theo khác. Doanh nghiệp, doanh nhân được tham gia kiến tạo cùng đất nước, tham gia các dự án trọng điểm quốc gia.
Công chức nhà nướcphải thay đổi để phụng sự
Thời gian qua, một số bộ ngành đã cải cách điều kiện kinh doanh, nhưng đâu đó vẫn len lỏi rào cản, cơ chế xin-cho; doanh nghiệp phản ánh “trên rải thảm, dưới rải đinh”. Nhiều doanh nghiệp tư nhân cho rằng, các ưu đãi của nhà nước không bằng tạo cơ chế thuận lợi để ai cũng muốn bỏ vốn kinh doanh, ý kiến của Phó Thủ tướng ra sao về vấn đề này?
Trước đây, khi tiếp xúc với doanh nghiệp, cơ quan chức năng mang tâm thế xin - cho; mang lợi ích, tiền bạc cho doanh nghiệp. Chuyên viên nhận hồ sơ của doanh nghiệp thường nghĩ trong đầu: Làm việc này mình được cái gì, làm thế nào để được lợi ích? Khi tiếp nhận hồ sơ, động tác đầu tiên của chuyên viên, có khi là tìm số điện thoại của giám đốc công ty với mục đích thông báo rằng tôi được phân công làm việc này; việc này khó đấy, để tôi xem ý của sếp như thế nào…
Thực tế, sếp đâu có chỉ đạo như thế, người ta lợi dụng vị trí, công việc được phân công để mưu cầu lợi ích cá nhân. Mọi hành vi đối xử công việc nhiều lúc xoay quanh làm sao để có lợi ích. Đây là nguyên nhân gây ra rào cản, khó khăn, dẫn tới khoảng cách, chứ chưa chắc do luật pháp. Định kiến này hình thành cản trở, nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Mỗi thủ tục kéo dài dù đơn giản nhưng bị cố tình kéo dài, vòng đi vòng lại, đá lên đá xuống thành nhũng nhiễu. Bên cạnh đó, có nơi do hệ thống luật pháp chồng chéo, khó hiểu, phức tạp, kéo dài.
Đảng, Bộ Chính trị yêu cầu việc xây dựng nghị quyết giảm tính chung chung, tăng cụ thể, chi tiết và hành động. Công chức nhà nước phải đổi mới, không còn công chức suốt đời; nếu không phù hợp có thể lựa chọn công việc khác. Công chức nhà nước buộc phải thay đổi để phụng sự xã hội tốt hơn. Cơ quan chức năng phân cấp phân quyền, cụ thể hóa, minh bạch, cải cách mạnh mẽ.
Tinh thần mới, chúng ta xây dựng thể chế pháp luật làm sao quản lý và kiến tạo cho phát triển; như từ huyện lộ ra đường cao tốc, xe sẽ chạy với tốc độ cao hơn.
Thời gian qua, phong trào khởi nghiệp phát triển nhưng một số kỳ lân Việt lại sang nước ngoài (như Singapore) kinh doanh. Theo ông, Nghị quyết 68 có kêu gọi được “bộ não người Việt” trên khắp thế giới trở về phát triển quê hương?
Nhiều quốc gia (như Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc…) đều tận dụng nguồn lực từ chuyên gia, nhà khoa học ở nước ngoài về xây dựng đất nước. Việt Nam có hàng trăm nghìn chuyên gia, nhà khoa học thành danh, giữ vị trí quan trọng ở các trường đại học, viện nghiên cứu, tập đoàn công nghệ, làm việc cho Chính phủ các nước. Chỉ cần 1/10 trong số họ quay trở về phục vụ đất nước sẽ tạo ra giá trị lớn.
Nghị quyết 68 mở ra cánh cửa, thôi thúc mọi người quay trở về xây dựng đất nước. Tôi đi nhiều quốc gia, gặp gỡ và cảm nhận rằng, nhiều nhà khoa học yêu nước, muốn đóng góp cho đất nước nhưng chưa có cơ hội. Giả sử về nước, họ được điều kiện gì, có môi trường làm việc hay không? Lần này, chúng ta cụ thể hóa trong Luật Khoa học công nghệ sửa đổi như: Chính sách thu hút, trọng dụng, đãi ngộ để nhân tài sẵn sàng trở về, cống hiến cho đất nước.
Trước đây, có nhiều chuyên gia, nhà khoa học không muốn về Việt Nam mà khởi nghiệp, đầu tư ở các nước. Năm 2018, Bộ KH&ĐT tổ chức mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam với mục đích quy tụ chuyên gia người Việt ở các nước có trình độ giáo dục, khoa học công nghệ phát triển, kết nối, hợp tác để hỗ trợ doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học tại Việt Nam. Hiện đã có 10 văn phòng ở các nước với khoảng 2.000 cán bộ và 10.000 cộng tác viên. Đây là cầu nối và có nhiều nhân tài về Việt Nam như GS. Vũ Hà Văn, TS. Bùi Hải Hưng.
Xin trân trọng cảm ơn Phó Thủ tướng.
Tọa đàm “Mở cao tốc cho kinh tế tư nhân”
Sáng ngày 28/5, báo Tiền Phong tổ chức tọa đàm: “Mở cao tốc cho kinh tế tư nhân” (có tường thuật trực tiếp trên báo điện tử Tiền Phong). Tọa đàm có sự tham gia của khách mời đến từ các bộ, ngành, Quốc hội, giới chuyên gia, doanh nghiệp nhằm bàn về giải pháp để Nghị quyết 68 đi vào cuộc sống.
Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân được xem như mở “đường cao tốc” cho kinh tế tư nhân tiến lên. Nghị quyết này được đánh giá là động lực lớn để người dân khởi nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển.
Báo Tiền Phong tổ chức tọa đàm: “Mở cao tốc cho kinh tế tư nhân”, nhằm góp phần đưa ra góc nhìn từ doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế, đại diện bộ ngành... thúc đẩy sớm thể chế hóa, tạo điều kiện tối đa cho kinh tế tư nhân phát triển.
Dự kiến tại tọa đàm, các diễn giả và đại biểu tham dự sẽ thảo luận về các nội dung liên quan như: Thể chế hóa Nghị quyết 68, kiến nghị của doanh nghiệp, giải pháp của chuyên gia kinh tế và đại diện bộ ngành nhằm tạo điều kiện thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển.
Các đại biểu tham dự tọa đàm, gồm: Đại diện Bộ Tài chính và đơn vị trực thuộc (Cục Phát triển doanh nghiệp tư nhân và kinh tế tập thể; Cục Thuế); các đại biểu Quốc hội; đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, các chuyên gia kinh tế và đại diện doanh nghiệp tư nhân…