Phó Thủ tướng: Phải có kịch bản cụ thể ứng phó triều cường khi bão đổ bộ
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà lưu ý cần đặc biệt quan tâm tới diễn biến triều cường trùng thời điểm bão đổ bộ. Phải có kịch bản cụ thể cho từng tình huống.
Chiều 21/7, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và đoàn công tác Trung ương thị sát tại khu neo đậu tàu thuyền Cảng cá Tân Sơn (xã Thái Thụy, tỉnh Hưng Yên). Trước đó, sáng 21/7, Phó Thủ tướng và đoàn công tác Trung ương đã kiểm tra công tác chuẩn bị phòng, chống bão số 3 (bão Wipha) tại phường Đồ Sơn (TP. Hải Phòng).
Tổ chức lực lượng xung kích theo mô hình "xã mở rộng"
Sau khi nghe lãnh đạo xã Thái Thụy báo cáo cụ thể về công tác chằng kéo lồng nuôi thủy sản, phương án sơ tán dân và năng lực của các lực lượng xung kích tại chỗ, Phó Thủ tướng yêu cầu địa phương không được chủ quan vì bão số 3 có thể đạt cấp 10, giật cấp 12 khi vào đất liền, hoàn toàn có khả năng gia tăng cường độ, đặc biệt trong điều kiện triều cường như đã từng xảy ra với bão Yagi (tháng 9/2024).

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà kiểm tra hoạt động trạm bơm Khu công nghiệp Liên Hà Thái (xã Thái Thụy). Ảnh: VGP/Minh Khôi
Phó Thủ tướng lưu ý, trong bối cảnh đã bỏ chính quyền cấp huyện, hiện mỗi xã là một đơn vị hành chính có quy mô rộng, việc phân bổ vật tư, phương tiện phải căn cứ theo mức độ xung yếu và đặc thù từng địa bàn, không chia đều dàn trải.
Những xã ven biển, có nguy cơ cao cần được tập trung phương tiện, thiết bị, vật tư và nhân lực. Kinh nghiệm thực tế cho thấy, nếu phân bổ không hợp lý, nơi cần thì thiếu, nơi không dùng đến thì hỏng hóc, lãng phí.
Phó Thủ tướng đánh giá cao cách tổ chức lực lượng xung kích theo mô hình "xã mở rộng" của Thái Thụy. Thay vì chỉ tổ chức một lực lượng xung kích chung, chính quyền xã đã thành lập 21 tổ xung kích ứng với 10 thôn, bảo đảm mỗi thôn đều có lực lượng trực tiếp tham gia ứng phó.
"Khi xảy ra tình huống, các đồng chí phải sẵn sàng huy động lực lượng cơ động từ các xã lân cận, chia sẻ nguồn lực, kịp thời hỗ trợ địa bàn xung yếu", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phương án ứng phó cấp độ cao nhất để hạn chế thiệt hại thấp nhất
Đánh giá sơ bộ các phương án ứng phó đã được tỉnh Hưng Yên triển khai, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà lưu ý cần đặc biệt quan tâm tới diễn biến triều cường trùng thời điểm bão đổ bộ.
"Nếu triều cường mà lên trên 4 mét thì thế nào, 5 mét thì thế nào? Các đồng chí phải có kịch bản cụ thể cho từng tình huống", Phó Thủ tướng nói và cho rằng tình hình vẫn có thể diễn biến xấu, "phương án bao giờ cũng phải cao nhất thì mới có thể hạn chế thiệt hại thấp nhất".
Từ thực tế triển khai phòng, chống bão nhiều năm qua, Phó Thủ tướng cho rằng, về lâu dài công tác phòng, chống báo cần chuyển từ bị động đối phó sang chủ động xây dựng các phương án kiên cố, bền vững và áp dụng khoa học công nghệ vào thực tiễn.
Phó Thủ tướng lấy ví dụ, đối với nuôi trồng thủy sản trên biển, ở các nước Bắc Âu đã áp dụng công nghệ lồng nuôi có thể tự động hạ sâu dưới mặt nước khi bão tới, giúp bảo vệ tài sản của người dân, không chỉ tăng hiệu quả sản xuất mà còn nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo tính bền vững và ổn định sinh kế lâu dài cho người dân vùng ven biển.
Tiếp đó, Phó Thủ tướng đã kiểm tra hoạt động trạm bơm chống ngập Mai Diêm thuộc Khu công nghiệp Liên Hà Thái (xã Thái Thụy). Phó Thủ tướng cho rằng việc bảo đảm an toàn cho khu công nghiệp sẽ làm các nhà đầu tư, doanh nghiệp yên tâm. Đồng thời cũng cho thấy cần có cách tiếp cận toàn diện hơn với công tác phòng, chống thiên tai, trong đó mọi yếu tố từ dân cư, hạ tầng y tế, giáo dục, quốc phòng an ninh đều phải được đặt trong kế hoạch tổng thể.
Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh Hưng Yên tiếp tục theo sát diễn biến bão số 3, cập nhật thông tin khí tượng thủy văn, thực hiện phương châm "bốn tại chỗ", điều động kịp thời lực lượng, phương tiện, vật tư đến những nơi trọng yếu, chủ động bảo vệ dân cư, tài sản, sản xuất và các công trình trọng điểm.
Tại điểm kiểm tra, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa báo cáo thêm với Phó Thủ tướng, đối với các công trình trọng điểm như Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 1, Thái Bình 2 và một số dự án lớn đang thi công trên địa bàn, tỉnh đã chỉ đạo kích hoạt phương án phòng, chống bão ở cấp độ cao nhất. Toàn bộ các hạng mục đang thi công dở dang đã được yêu cầu tạm dừng hoạt động, thiết bị, máy móc, vật tư xây dựng được thu hồi và di chuyển về nơi an toàn nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại do gió mạnh, mưa lớn và ngập úng có thể gây ra.Bên cạnh đó, công tác tiêu thoát nước nội đồng được triển khai quyết liệt, đồng bộ, các trạm bơm vận hành liên tục nhằm rút kiệt nước tại các vùng trũng, đảm bảo đồng ruộng khô ráo, sẵn sàng ứng phó với nguy cơ ngập úng khi mưa lớn kéo dài.