Phó Thủ tướng: Phải đảm bảo điều tiết cắt giảm điện công bằng, công khai
Phó Thủ tướng chỉ đạo EVN xây dựng các kịch bản điều hành điện mang tính chủ động, nhằm giảm thiểu những tác động đến kinh tế và đời sống.
Chủ động kịch bản cắt giảm điện để giảm thiểu tác động tới kinh tế đời sống
Ngày 8/6, Văn phòng Chính phủ ban hành kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp về tình hình cung ứng điện mùa khô năm 2023.
Phó Thủ tướng đánh giá, tình hình cung ứng điện đang đối mặt với nhiều vấn đề mới phát sinh như mực nước tại nhiều hồ thủy điện đã về sát mực nước chết, cá biệt có một số hồ đã thấp hơn mực nước chết.
Một số nhà máy nhiệt điện than lại đang bị sự cố chưa thể khắc phục đưa vào vận hành sớm. Tổng công suất các nguồn điện than đang sự cố khoảng 2.600 MW.
Do đó, theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Bộ Công thương, tình hình cung ứng điện hiện nay đang rất khó khăn, nguy cơ thiếu điện tại miền Bắc là hiện hữu.
Trong bối cảnh này, Phó Thủ tướng yêu cầu cần có các giải pháp khắc phục, đồng thời cần xây dựng các kịch bản điều hành mang tính chủ động nhằm giảm thiểu những tác động đến phát triển kinh tế và đời sống nhân dân.
Yêu cầu bảo đảm an ninh năng lượng, bảo đảm cung ứng điện là nhiệm vụ chính trị quan trọng của ngành điện đã được các lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo xuyên suốt và thống nhất qua các thời kỳ.
Đối với khó khăn về bảo đảm cung ứng điện hiện nay, nhất là đối với miền Bắc, Phó Thủ tướng yêu cầu EVN, Tập đoàn Công nghiệp than (TKV), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và các cơ quan liên quan tiếp tục thực hiện các giải pháp phù hợp đã được Thủ tướng chỉ đạo ngày 19/5, lưu ý không được để xảy ra thiếu nhiên liệu cho phát điện trong lúc khó khăn về cung ứng điện.
“
Phó Thủ tướng lưu ý:
Việc tổ chức thực hiện điều tiết cắt giảm điện bảo đảm công bằng, công khai, đúng quy định, giảm thiểu tác động đến hoạt động sản xuất và đời sống của nhân dân.
Chủ đầu tư các nhà máy nhiệt điện than đang bị sự cố cần tập trung thực hiện các biện pháp khắc phục ngay để đưa vào vận hành sớm nhất có thể.
Phó Thủ tướng yêu cầu EVN phải tập trung nghiên cứu, thực hiện đồng bộ các giải pháp về cung ứng điện, đặc biệt là việc thực hiện đạt hiệu quả cao nhất các biện pháp về tiết kiệm điện.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng nhấn mạnh cần xây dựng các kịch bản điều hành cung ứng điện theo hướng dẫn của Bộ Công thương, kể cả kịch bản thiếu nguồn điện phải điều tiết cắt giảm điện.
Đối với kịch bản thiếu nguồn điện và phải điều tiết cắt giảm điện, cần có các biện pháp bảo đảm cung ứng điện đối với các sự kiện chính trị - xã hội trọng đại, quan trọng và các khách hàng sử dụng điện quan trọng không thể thiếu điện, đồng thời hướng dẫn về điều tiết cắt giảm điện đảm bảo công bằng, công khai, đúng quy định.
Trong tháng 6, đề xuất cơ chế triển khai điện mặt trời tự sản tự tiêu
Phó Thủ tướng đưa ra thời hạn, trong tháng 6, cần tập trung nghiên cứu, hướng dẫn hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền về các cơ chế chính sách đồng bộ, phù hợp với quy định của pháp luật để triển khai điện mặt trời áp mái phục vụ mục đích tự sản tự tiêu đối với các cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang, đơn vị sự nghiệp, trường học, bệnh viện, nhà dân… bảo đảm hiệu quả, góp phần giảm khó khăn về cung ứng điện trong thời gian tới.
Thực hiện rà soát, kiểm tra ngay đối với các nhà máy nhiệt điện than đang bị sự cố và yêu cầu các chủ đầu tư phải thực hiện ngay các biện pháp khắc phục để đưa vào vận hành sớm nhất có thể.
Phó Thủ tướng yêu cầu, đối với các nhà máy nhiệt điện có thời gian sự cố kéo dài (trên 2 năm) và không thể đưa vào vận hành trong tháng 6 này, cần kiến nghị các cơ quan chức năng thực hiện công tác thanh tra để xác định rõ nguyên nhân và trách nhiệm cụ thể.
Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp chặt chẽ với Bộ Công thương và EVN trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về tăng cường tiết kiệm điện thiết thực, đạt hiệu quả.
Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị tăng cường tiết kiệm điện
Ngày 8/6, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Chỉ thị 20 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023 - 2025 và các năm tiếp theo.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu trong giai đoạn 2023 - 2025 và các năm tiếp theo, cả nước phải phấn đấu hàng năm tiết kiệm tối thiểu 2,0% tổng điện năng tiêu thụ.
Giảm tổn thất điện năng trên toàn hệ thống điện dưới 6% vào năm 2025.
Giảm bớt công suất phụ tải đỉnh của hệ thống điện quốc gia thông qua thực hiện các chương trình quản lý nhu cầu điện (DSM) và điều chỉnh phụ tải điện (DR), ít nhất 1.500 MW vào năm 2025.
Phấn đấu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu (phục vụ tiêu thụ tại chỗ, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia). Đến hết năm 2025, phấn đấu 100% chiếu sáng đường phố sử dụng đèn LED.