Phó Thủ tướng: Sau sáp nhập, ngành GTVT thực hiện tinh thần 'bộ tinh, tỉnh mạnh'
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải (GTVT) sau quá trình thực hiện việc sáp nhập, những việc gì đã làm tốt, cần làm tốt hơn theo đúng tinh thần 'bộ tinh, tỉnh mạnh'.
Chiều 30/12, Bộ GTVT tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà dự và chỉ đạo hội nghị.
Ghi nhận và đánh giá cao kết quả ngành GTVT đạt được, Phó Thủ tướng cho biết, dự hội nghị tổng kết của Bộ GTVT hôm nay trong cảm xúc “rất đặc biệt”.
"Đây là hội nghị có tính lịch sử khi đất nước đang bước vào kỷ nguyên mới. Ngành GTVT sau gần 80 năm chuẩn bị bước vào thời kỳ mới", Phó Thủ tướng nói.
Theo Phó Thủ tướng, tới đây, Bộ GTVT sẽ có mô hình tổ chức mới, đồng bộ được vấn đề giao thông với xây dựng đô thị và nông thôn. Sự thay đổi này theo hướng mạnh lên, đồng bộ hơn, góp phần xây dựng bộ máy nhà nước "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu quả" theo chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ.
"Với sứ mệnh đi trước mở đường, ngành GTVT tạo ra sự kết nối của các lĩnh vực kinh tế, giữa các địa phương và các quốc gia", Phó Thủ tướng nói. Ông cho biết, năm 2024 dù có nhiều khó khăn, song Việt Nam đã ghi nhận nhiều điểm sáng như thuộc nhóm 15 nước phát triển thu hút FDI cao nhất; Chỉ số hạnh phúc tăng 11 bậc, đứng thứ 54/143 quốc gia; Chỉ số đổi mới sáng tạo đứng thứ 44/132 quốc gia.
Đối với ngành GTVT, đặc biệt là lĩnh vực đường bộ, nếu trong gần 20 năm (từ năm 2021 trở về trước), cả nước mới đầu tư gần 1.200km đường cao tốc thì từ 2021 đến nay, tổng chiều dài cao tốc được hoàn thành, đưa vào khai thác đạt gần 900km. Tổng chiều dài đường bộ cao tốc tăng lên 2.021km.
Trong năm qua, Bộ GTVT đã phối hợp xây dựng, hoàn thiện trình Chính phủ, Quốc hội ban hành 2 Luật Đường bộ và Trật tự, an toàn giao thông đường bộ với tư duy đổi mới, có nhiều điểm hết sức đột phá.
Về nhiệm vụ thời gian tới, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT, sau quá trình sáp nhập, những việc gì đã làm tốt, ngành cần làm tốt hơn theo đúng tinh thần "bộ tinh, tỉnh mạnh", từng bước đào tạo đội ngũ cán bộ có tư duy đột phá, đổi mới, tổ chức bộ máy quản lý theo hướng "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả", có sự tích hợp với quản lý các lĩnh vực đô thị, nông thôn, tạo dựng sức mạnh tổng hợp.
Ngành GTVT cũng cần chủ động đón nhận cơ hội, đi đầu trong phát triển ngành công nghiệp, nhất là cơ hội từ dự án đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị.
"Năm 2025, ngành GTVT phải xác định các dự án đầu tư trọng điểm, đặt vấn đề cải cách thể chế về đường sắt, hàng hải, đường thủy nội địa và hàng không. Bộ sớm đặt các dự án trọng điểm như tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, TPHCM - Cần Thơ, Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng cần đẩy nhanh các khâu chuẩn bị thủ tục đầu tư, khởi công và đưa vào dự án trọng điểm quốc gia để có cơ sở đẩy nhanh tiến độ", Phó Thủ tướng chỉ đạo.
Bộ trưởng GTVT Trần Hồng Minh cho biết, những ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng là định hướng quan trọng giúp ngành triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2025 và các giai đoạn tiếp theo.
Bộ trưởng nhấn mạnh, năm 2025 có ý nghĩa rất quan trọng, là năm tăng tốc đột phá về đích. Đây cũng là năm cuối thực hiện phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025).
Trên cơ sở phát huy, kế thừa kết quả đạt được, khắc phục tồn tại, hạn chế năm 2024, toàn ngành GTVT tăng cường đoàn kết, tập trung phấn đấu với quyết tâm cao nhất thực hiện tốt các nhiệm vụ, kế hoạch được giao năm 2025.
Năm 2024, Bộ GTVT đã hoàn thành nghiên cứu, báo cáo và được Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương thông qua Nghị quyết về đề án đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và được Quốc hội khóa 15 thông qua chủ trương đầu tư tại kỳ họp thứ 8 vừa qua.
Bộ đã khởi công 10 dự án, khánh thành đưa vào khai thác 8 dự án. Đến nay, tiến độ các dự án trọng điểm được đảm bảo. Hưởng ứng phong trào thi đua cao điểm 500 ngày đêm đưa 3.000km đường bộ cao tốc về đích năm 2025, một số dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa dự kiến sẽ hoàn thành vượt tiến độ từ 3-6 tháng.